Xử phạt để thay đổi thói quen xấu
Kinhtedothi - Những ngày qua CSGT Hà Nội đã tăng cường xử phạt người đi bộ vi phạm giao thông, cho thấy quyết tâm giữ gìn trật tự, ATGT, thay đổi thói quen tuỳ tiện đã hình thành từ rất lâu của không ít người. Đây là việc nên làm vì lợi ích của chính người dân, và cần được duy trì bền bỉ.
Trong Luật Trật tự, ATGT đường bộ đã có quy định rất rõ về quy tắc tham gia giao thông của người đi bộ cũng như các hình thức xử phạt vi phạm tương xứng. Việc lưu thông tùy tiện, sang đường, đi bộ ở bất cứ đâu thuận tiện, không chỉ gây cản trở, mất trật tự, ATGT nói chung mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao cho chính người đi bộ.
Hơn nữa, trước pháp luật, tất cả đều bình đẳng, không thể chỉ áp dụng luật và xử phạt với người điều khiển phương tiện mà bỏ qua hành vi của người đi bộ. Chính vì vậy, việc xử phạt người đi bộ không đúng quy định là rất cần thiết và lẽ ra nên được thực thi thường xuyên, đầy đủ từ lâu.
Có ý kiến cho rằng việc xử phạt người đi bộ trong khi vỉa hè bị lấn chiếm ở nhiều nơi như hiện nay là không phù hợp. Tuy nhiên đó chỉ là những lý giải phiến diện. Trên thực tế, nhiều cây cầu, hầm đi bộ tại Hà Nội đang bị lãng quên, mà nguyên nhân chính là do người dân lười di chuyển xa, chỉ muốn đi càng ngắn càng tốt, càng tiện càng hay.
Thực tế, vẫn có nhiều người ở mọi lứa tuổi, tầng lớp sẵn sàng bất chấp hiểm nguy băng ngang dòng xe cộ để sang đường dù cầu, hầm, phần đường dành cho người đi bộ chỉ cách đó vài chục mét. Hành vi tham gia giao thông tùy tiện, thiếu ý thức đó đã trở thành tập quán xấu lan truyền từ người này sang người khác trong suốt nhiều năm.
CSGT Hà Nội cũng đã nhiều lần ra quân rầm rộ xử phạt người đi bộ không đúng quy định, tuy nhiên không duy trì được lâu, không mang lại hiệu quả. Điều đó càng khiến thói quen đi bộ bừa bãi ngày càng trở nên phổ biến; đến khi xử phạt lại gây những phản ứng trái chiều không đáng có.
Cần nhìn nhận rõ rằng việc tham gia giao thông dưới mọi hình thức, dù là đi xe hay đi bộ đều tác động đến cộng đồng xung quanh, phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho bản thân mỗi người cũng như mọi người. Không thể đặt hành vi này ra ngoài nhận thức chung đó.
Người đi bộ sang đường, di chuyển không đúng phần đường quy định vừa là nguyên nhân trực tiếp gây rối loạn, mất ATGT, vừa là tác nhân lan truyền những thói xấu trong văn hóa giao thông, cần phải chấn chỉnh, loại trừ. Do đó, việc xử phạt người đi bộ vi phạm luật giao thông cần được duy trì thường xuyên bền bỉ, nhằm góp phần thay đổi tận gốc những tập quán xấu.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cơ quan chức năng cũng cần tạo điều kiện tối đa cho người đi bộ. Bảo vệ phần đường trên vỉa hè; tổ chức giao thông, sơn kẻ vạch rõ ràng, hợp lý; xây dựng thêm nhiều cầu, hầm, làn đường riêng dành cho người đi bộ, đi xe đạp.
Tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh, bán hàng rong, trông giữ xe sai quy định hiện vẫn tồn tại ở nhiều nơi chính là rào cản khiến ý thức của không ít người đi bộ chưa xứng tầm vị thế công dân Thủ đô. Nó cũng khiến người dân cảm thấy bất công, gây những phản ứng trái chiều vì họ phải tuân thủ luật trong tham gia giao thông, khi mà hạ tầng dành cho người đi bộ bị chiếm dụng vì mục đích tư lợi riêng.
Muốn thay đổi hoàn toàn tập quán đi bộ tùy tiện, vận động người dân hạn chế sử dụng xe cá nhân, tăng cường hiệu quả cho vận tải hành khách công cộng, TP cần xử lý triệt để những vi phạm lấn chiếm vỉa hè, mở không gian hấp dẫn, an toàn, văn minh cho người dân chứ không chỉ trông chờ vào xử phạt.