Thời gian qua, lực lượng chức năng trên cả nước đã thực hiện hiệu quả công tác xử lý vi phạm qua thiết bị giám sát hành trình, camera giao thông. Việc tăng cường xử lý vi phạm qua hình thức phạt nguội sẽ nâng cao ý thức người dân, góp phần xây dựng văn hóa giao thông.
Sở GTVT Hà Nội vừa ban hành quyết định thu hồi phù hiệu, biển hiệu của phương tiện vi phạm tốc độ trong tháng 12/2023. Dữ liệu được trích xuất từ Hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của Cục Đường bộ Việt Nam. Trong danh sách phương tiện vi phạm tốc độ bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu có xe đầu kéo của Hợp tác xã (HTX) Thương mại và Dịch vụ B.S. Xe này vi phạm tốc độ 1.063 lần trong một tháng.
Ngoài xe đầu kéo của HTX Thương mại và Dịch vụ B.S, trong danh sách này còn có 4 xe vi phạm tốc độ từ 800 lần trở lên trong vòng một tháng. Có thể kể đến như một chiếc xe tải của HTX Dịch vụ vận tải T.H vi phạm tốc độ 976 lần, xe đầu kéo của HTX Dịch vụ vận tải T.H vi phạm tốc độ 901 lần, xe hợp đồng của Công ty CP I.B.L vi phạm tốc độ 845 lần, xe container của HTX Dịch vụ vận tải xe Đ.N vi phạm tốc độ 842 lần.
Ngoài ra, trong những ngày đầu của tháng 1/2024, có 227 xe hợp đồng và 3 xe du lịch có trên 5 lần vi phạm tốc độ/1.000km xe chạy. Trong danh sách này có 15 xe vi phạm tốc độ từ 100 lần trở lên, nhiều xe vi phạm tốc độ trên 200 lần.
Không riêng Hà Nội, tại các địa phương khác trên cả nước, nhiều trường hợp vi phạm luật giao thông cũng bị lực lượng chức năng xử lý qua giám sát dữ liệu, trích xuất camera hay tin báo của người dân. Đơn cử, cuối tháng 3, qua trích xuất camera giám sát, Công an huyện Hiệp Hoà (Bắc Giang) đã phát hiện, xử lý nhiều tài xế điều khiển mô tô, xe gắn máy vi phạm luật giao thông. Đáng chú ý, chỉ trong một tháng (từ 1 - 29/2), bà N.T.T. (41 tuổi, trú tại thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa) đã vi phạm 26 lần. Trong đó, bà T. vượt đèn đỏ 16 lần và 10 lần không không đội mũ bảo hiểm. Với các lỗi vi phạm trên, người phụ nữ này đã bị xử phạt 15,4 triệu đồng. Hay tài xế T.V.T, đã nhận 24 biên bản phạt nguội với 5 lần vượt đèn đỏ và 19 lần không đội mũ bảo hiểm. Tổng số tiền phạt với các lần vi phạm của anh T là 14 triệu đồng.
Thông tin từ Công an huyện Hiệp Hòa, trong tháng 2, hệ thống camera giám sát trên địa bàn huyện ghi nhân 100 trường hợp người điều khiển xe máy vi phạm giao thông với tần suất từ 12 lần trở lên. Phổ biến là lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông và không đội mũ bảo hiểm...
Còn theo thông tin từ Công an tỉnh Vĩnh Phúc, tính từ ngày 7 - 14/3, đơn vị đã phát hiện 436 trường hợp người điều khiển xe máy vi phạm giao thông qua camera giám sát với tần suất nhiều lần. Đáng chú ý, có những trường hợp tài xế xe máy bị ghi nhận 126 lần vi phạm, nhiều người vi phạm đến 70 lần.
Có thể thấy rằng, việc xử lý vi phạm luật giao thông qua camera, thiết bị giám sát hành trình đang đem lại những hiệu quả tích cực trong công tác bảo đảm an toàn giao thông. Theo anh Nguyễn Văn Tiến, một tài xế lái xe tải đường dài cho biết: “Chúng tôi rất sợ camera phạt nguội cũng như giám sát hành trình vì không biết mình có thể bị phạt ở đâu và bao nhiêu lần. Lái xe đường dài mà bị xử phạt ở xa rất phiền toái nên phải lái xe có trách nhiệm”. Còn anh Nguyễn Minh Đức, một tài xế lái xe công nghệ cho biết: “Có lần tôi bị phạt nguội đến 2 lần trong tháng, tiền xử phạt rất nặng nên bản thân sau đó phải rút kinh nghiệm, lái xe có ý thức hơn".
Với hàng chục triệu phương tiện đổ ra đường mỗi ngày, trong khi ý thức chấp hành luật của một bộ phận không nhỏ người điều khiển còn chưa cao, vi phạm giao thông đã trở thành một vấn đề nhức nhối nhiều năm qua. Càng những đô thị lớn, vi phạm giao thông càng diễn ra phổ biến do quá tải hạ tầng, ùn tắc giao thông xảy ra hàng ngày. Văn hóa giao thông dù được tuyên truyền, tích cực bồi đắp nhưng vẫn chưa lan tỏa sâu rộng trong xã hội.
Quý I/2024, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý hơn 1 triệu trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông, phạt tiền hơn 2.000 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ bị xử lý tăng 38%, tiền phạt tăng gần 50%. Tại Hà Nội, trong quý I/2024, trên địa bàn TP đã xảy ra 385 vụ tai nạn giao thông, làm 175 người chết, 313 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ tai nạn tăng 37,99%, tăng 130 người bị thương (71,04%), tăng 16 người chết (10,06%). Trong đó, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Gia Lâm, Đông Anh, Sơn Tây, Chương Mỹ, Ứng Hòa là 8 quận, huyện, thị xã có cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, muốn mạnh tay xử lý, răn đe có hiệu quả vi phạm giao thông cần xử phạt nguội thông qua hình ảnh. Hình thức này vừa tiết kiệm nhân lực, thời gian, vừa chính xác, kịp thời, tránh được những tranh cãi không đáng có giữa cảnh sát giao thông và người vi phạm.
Giám đốc Công ty Vận tải Mão Hạnh Đỗ Văn Mão cho biết: “Qua thiết bị giám sát hành trình, đơn vị có thể quản lý chặt chẽ nhân viên lái xe cũng như phương tiện. Lái xe cũng có ý thức chấp hành hơn khi tham gia giao thông bởi khi phương tiện bị phạt do lỗi chủ quan của người điều khiển, công ty sẽ truy trách nhiệm của người lái và trừ thẳng vào lương”.
Theo đại diện Đội Cảnh sát giao thông số 6 (Công an TP Hà Nội), việc xử phạt nguội thông qua hình ảnh bảo đảm được tính công bằng, minh bạch, khiến người dân tin tưởng và chấp hành hơn. Trong một thời gian dài, không ít người dân có định kiến về “xin - cho” trong xử lý vi phạm giao thông, thiếu sự tin tưởng vào công tác của lực lượng chức năng. Tuy nhiên, khi áp dụng xử phạt nguội qua hình ảnh ghi nhận, người dân thấy minh bạch hơn, chấp hành cũng tốt hơn.
Chuyên gia xã hội học, thạc sĩ Nguyễn Văn Dương cho rằng, hệ thống camera phạt nguội, giám sát hành trình đang hoạt động rất hiệu quả. Có thể thấy, phạt nguội là một trong những biện pháp rất hữu hiệu nhằm kéo giảm vi phạm, nâng cao ý thức của người dân, qua đó giảm ùn tắc, tai nạn giao thông. Do đó, cần mở rộng hệ thống camera giám sát, thu thập thông tin, tăng cường các nguồn lực vật chất và nhân sự cho công tác xử phạt nguội trên cả nước trong những năm tới.
“Tuy nhiên, hiện việc xử phạt nguội vi phạm giao thông mới đang tập trung chủ yếu vào phương tiện xe ô tô, còn đối với xe máy, mô tô lại chưa phát huy hiệu quả. Đơn cử như Hà Nội hiện có tới 90% lượng phương tiện giao thông là mô tô, xe máy, vi phạm của người điều khiển loại phương tiện này diễn ra rất phổ biến trên mọi tuyến đường lớn nhỏ, kể cả những nơi có camera ghi hình phục vụ phạt nguội” - chuyên gia xã hội học, thạc sĩ Nguyễn Văn Dương cho biết.
09:59 09/04/2024