Xuất khẩu gạo nhiều cơ hội bứt phá

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhu cầu lương thực, thực phẩm thế giới tăng cao, cùng với đó là các điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh, logistics đã được khơi thông trở lại, dự báo sẽ là một năm nhiều cơ hội đối với xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Nhiều tín hiệu khả quan từ đầu năm

Bất chấp những khó khăn do dịch Covid-19, khối lượng gạo xuất khẩu năm 2021 đạt tương đương năm 2020, với giá trị mang về trên dưới 3,27 tỷ USD, tăng 4,8%. Đặc biệt, từ cuối năm 2021, hàng loạt đơn hàng xuất khẩu gạo lớn đã được ký kết và ngay trong những ngày đầu năm 2022, nhiều lô hàng xuất khẩu gạo đã mở màn thành công, dự báo tín hiệu thị trường lạc quan.

Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An chia sẻ, ngày 6/1, 11.111 tấn gạo của Công ty đã xuất bến và dự kiến khoảng ngày 22/1 tàu sẽ cập cảng Ulsan Hàn Quốc, mở màn cho đơn hàng xuất khẩu gạo đầu tiên của công ty. Ngoài ra, vào ngày 17/11/2021, Công ty đã trúng thầu xuất khẩu 15.000 tấn gạo sang thị trường Hàn Quốc. Lô gạo trúng thầu là loại 100% tấm với giá trúng thầu là 369 USD/tấn (giá FOB). Lô gạo này sẽ được giao đến cảng Gwangyang trong thời gian từ tháng 3-6/2022.
Xuất khẩu gạo nhiều cơ hội bứt phá - Ảnh 1

Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Đỗ Hà Nam đưa ra nhận định, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng các hoạt động thương mại trên thế giới không thể ngưng trệ, thậm chí còn tăng mạnh hơn bởi nhu cầu tiêu dùng và dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm cũng tăng để ứng phó với dịch Covid-19 và gạo là một trong những mặt hàng được các quốc gia tăng dự trữ nhiều nhất.

Đặc biệt, trong điều kiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, logistics đã được khơi thông trở lại sau đợt giãn cách do dịch Covid-19 thì dự báo năm 2022 vẫn là một năm nhiều cơ hội đối với xuất khẩu gạo của Việt Nam. Đặc biệt sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tất cả đi vào ổn định.

Trong báo cáo tháng 9/2021 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), cơ quan này dự báo thương mại gạo toàn cầu trong năm 2022 đạt 48 triệu tấn (xay xát), tăng 0,4 triệu tấn so với dự báo trước đó. Trong đó, xuất khẩu gạo của Thái Lan được dự báo tăng mạnh nhất, tăng 0,9 triệu tấn, lên 6,5 triệu tấn trong năm 2022. Đứng thứ 3 thế giới sau Ấn Độ và Thái Lan là Việt Nam, với khối lượng xuất khẩu dự kiến ít biến động, đạt khoảng 6,4 triệu tấn trong năm 2022.

Phát triển về chiều sâu

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa (Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, Bộ Công Thương) đưa ra phân tích, một trong những "nút thắt" quan trọng khiến cho giá thành sản xuất lúa gạo của Việt Nam tăng cao trong năm qua, đó là giá thành một số vật tư đầu vào như phân bón tăng cao và liên tục, tổn thất sau thu hoạch lúa gạo của Việt Nam còn khá lớn, công nghệ chế biến còn hạn chế. Từ đó dẫn đến tỷ lệ sản phẩm chế biến và chế biến sâu chưa nhiều, cơ cấu sản xuất lúa gạo còn những bất hợp lý, diện tích và tỷ lệ gieo sạ lớn trong khi năng suất, chất lượng không cao gây tốn chi phí vật tư đầu vào và ảnh hưởng đến giá trị xuất khẩu.

Trong khi, nhiều thị trường đã bổ sung thêm những quy định mới về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với nông sản nhập khẩu, trong đó có gạo. Ðáng chú ý là thị trường trọng điểm Trung Quốc áp dụng Lệnh 248, 249 về vấn đề đăng ký và quy định an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Đối với thị trường EU, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU nhấn mạnh, ngoài những khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn, chất lượng gạo xuất khẩu theo quy định của EU, thì các DN xuất khẩu gạo sang EU cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề bao bì với nhiều quy định rất chi tiết. Vì thực tế có những DN xuất khẩu gạo chất lượng cao sang EU thời gian qua chưa đáp ứng đúng yêu cầu về thông tin trên bao bì, như tên sản phẩm bao gồm tên thương mại và tên khoa học; phương pháp sản xuất; xuất xứ; khối lượng tịnh; tên người bán ở EU…

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Quốc Toản thông tin, trong chiến lược phát triển ngành lúa gạo từ nay đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu giảm sản lượng, giảm số lượng gạo xuất khẩu và tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu. Đây chính là định hướng đúng đắn về tái cơ cấu ngành lúa gạo, làm cơ sở để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành lúa gạo sang chiều sâu. Đáp ứng tiêu chuẩn cao về nhập khẩu và nhu cầu người tiêu dùng ở các nước phát triển.

Cũng theo ông Trần Quốc Toản, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, giá xuất khẩu gạo tăng cao hơn từ 10-20 USD/tấn, tùy loại. Thực tế trong năm 2021, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở top cao nhất trong các nước xuất khẩu gạo truyền thống. Giá gạo cao sẽ hỗ trợ, bù đắp cho số lượng gạo xuất khẩu bị giảm sút do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và khả năng này có thể duy trì trong năm 2022 khi dịch Covid-19 vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Vì vậy, để nắm bắt các cơ hội từ việc thực thi hiệp định EVFTA, các DN xuất khẩu gạo Việt Nam cần chuẩn bị cho những bước tiến dài và chắc chắn trong thời gian tới. Trước hết, cần thực hiện tốt định hướng về tái cơ cấu ngành lúa gạo, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, trên cơ sở tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và công nghệ sạch, thân thiện môi trường; ứng dụng công nghệ chế biến, bảo quản hiện đại và các giống lúa năng suất, chất lượng cao.

Ngành lúa gạo cần tiếp tục nghiên cứu chọn tạo giống mới, ngắn ngày có năng suất, chất lượng cao phù hợp với thị trường trong nước và thế giới. Các DN sản xuất và thương nhân xuất khẩu gạo cần nghiên cứu, cải tiến công nghệ và tổ chức dây chuyền sản xuất khép kín theo các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế như HACPP, HALAL hay BRC nhằm đảm bảo khả năng cung ứng các sản phẩm phù hợp với thị hiếu và yêu cầu khó tính của các thị trường tiêu dùng cao cấp như EU. Bên cạnh đó, việc đạt được các chứng nhận tự nguyện phổ biến tại EU sẽ giúp các thương nhân thuận lợi hơn trong việc xuất khẩu gạo sang thị trường này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần