Xuất khẩu Hà Nội vượt khó, duy trì đà tăng trưởng

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2022 hoạt động xuất khẩu (XK) gặp nhiều khó khăn khi dịch Covid-19 khiến các nước hạn chế thông quan. Tuy nhiên, bằng nhiều nỗ lực và giải pháp thích ứng, TP Hà Nội đã “vượt sóng” thành công tăng kim ngạch XK.

Đây là tiền đề quan trọng, góp phần để Việt Nam vững bước phát triển vào năm 2023.

Liên tục ghi dấu ấn

Số liệu của Cục Thống kê TP Hà Nội cho thấy, trong năm 2022 dịch Covid-19 khiến Trung Quốc (một trong những thị trường XK chủ lực) đóng cửa biên giới, xung đột Nga - Ukraine làm cho hoạt động XK gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra giá xăng dầu, gas, sắt thép… tăng khiến chi phí đầu vào của các ngành sản xuất, dịch vụ đều bị ảnh hưởng.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng kim ngạch XK của TP Hà Nội đã có sự tăng trưởng vượt bậc, cụ thể tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt trên 58 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm trước. Trong đó kim ngạch XK đạt 17,1 tỷ USD tăng 10,3%, gấp gần 4,7 lần mức tăng của năm 2021. Một số nhóm hàng có kim ngạch XK tăng mạnh như hàng dệt, may tăng 15,7%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện tăng 16,3%; xăng dầu tăng 83,6%; gỗ và sản phẩm từ gỗ 17,5%; hàng nông sản tăng 12,2%.

Sản xuất hạt điều XK tại nhà máy của Hapro đặt tại tỉnh Đồng Tháp.Ảnh: Hoài Nam
Sản xuất hạt điều XK tại nhà máy của Hapro đặt tại tỉnh Đồng Tháp.
Ảnh: Hoài Nam

Điều đáng ghi nhận là DN Hà Nội đã khẳng định sự tăng trưởng lớn mạnh thông qua việc giữ vai trò chủ lực trong hoạt động XK, giảm dần sự lệ thuộc vào DN FDI khi kim ngạch XK đạt 9 tỷ USD, tăng 5,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 8,1 tỷ USD, tăng 15,6%. Kết quả này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của các DN Việt Nam trong quá trình XK hàng Việt ra thị trường thế giới. Là một trong những đơn vị chủ lực của Tập đoàn BRG trong lĩnh vực XK, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội - (Hapro) đã nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa duy trì tăng trưởng về doanh thu sản xuất, kinh doanh.

Theo Phó Tổng Giám đốc Hapro Lê Anh Tuấn, trước tình hình nhiều thị trường nước ngoài đóng cửa, đơn hàng bị hủy do dịch Covid-19, Hapro đã cố gắng tìm kiếm thị trường mới, phát triển thêm các mặt hàng XK. Cùng với đó, Hapro chủ động nguồn hàng xuất khẩu thông qua đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến hàng nông sản... Hiện nay, các mặt hàng của Hapro đã được xuất khẩu tới 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tương tự, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt cho biết, đơn vị đang tập trung tận dụng Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA, qua đó tăng kim ngạch XK dệt may vào thị trường EU. Bên cạnh đó, DN cũng đang hướng tới một số thị trường mới ở châu Phi.

Nắm bắt cơ hội mới

Thực tế cho thấy, trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19, các DN nỗ lực thực hiện những cách thức XK mới như xúc tiến thương mại trực tuyến, XK thông qua các sàn thương mại điện tử lớn hoặc tập đoàn bán lẻ nước ngoài như AEON, Central Retail, MM Mega Market... Đẩy mạnh kết nối giao thương giữa DN Việt Nam với thị trường XK trọng điểm như Mỹ, Nhật Bản, các nước EU...

Sản xuất mặt hàng may xuất khẩu tại Công ty CP may Sơn Tây. Ảnh: Hoài Nam
Sản xuất mặt hàng may xuất khẩu tại Công ty CP may Sơn Tây. Ảnh: Hoài Nam

Giám đốc Xuất khẩu Công ty CP Tập đoàn Thạch Bàn Trần Thị Hoài Tú cho biết, nhờ chuyển đổi phương thức kinh doanh, chú trọng ứng dụng nền tảng số, quảng bá hàng hóa tại các sàn thương mại điện tử, nên sản phẩm XK Thạch Bàn qua sàn thương mại điện tử đã chiếm tỷ lệ 20% sản lượng hàng hóa.

“XK qua các sàn thương mại điện tử như Amazon, Alibaba… đang là hướng đi mà nhiều DN tăng cường triển khai bởi hình thức này giúp DN tiết kiệm chi phí, thời gian chuyển hàng, trong khi lợi nhuận có thể tăng gấp 3 lần so với XK theo cách truyền thống” - bà Tú nêu rõ.

Thông tin từ Bộ Công Thương, từ 8/1/2023, Trung Quốc chính thức mở cửa biên giới, hoạt động trở lại, đây sẽ là cơ hội cho DN Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng tăng kim ngạch XK trong năm 2023.

Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên nêu rõ, việc Trung Quốc mở cửa biên giới giúp thủ tục thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu nhanh hơn, giảm chi phí chờ đợi, chất lượng hàng hóa đảm bảo vì không mất nhiều thời gian để chờ thông quan, tạo cơ hội cho DN trong việc XK hàng hóa.

”Thị trường hơn 1 tỷ dân mở cửa hứa hẹn nhu cầu bùng nổ rất mạnh sau thời gian dài bị hạn chế để kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán và dịp nghỉ lễ đầu năm 2023. Nhu cầu lớn này có thể kéo dài ít nhất đến hết quý I/2023. Quan trọng hơn, chúng ta ở sát thị trường tỷ dân nên sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh” - ông Nguyên nói.

Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông. Ảnh: Hoài Nam
Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông. Ảnh: Hoài Nam

Để giúp DN hiểu rõ và tận dụng cơ hội, khai thác tốt thị trường XK trong quá trình thực thi FTA, ngành công thương đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn chuyên sâu về quy tắc, nội dung của các FTA, hỗ trợ DN nắm bắt được cơ hội mà hiệp định mang lại để thúc đẩy tăng trưởng XK.  

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, năm 2023 ngành công thương Hà Nội đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6% so với năm 2022. Để đạt mục tiêu này thời gian tới ngành công thương Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Kế hoạch về hội nhập quốc tế TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, Hà Nội sẽ tăng cường phối hợp các bộ, ban, ngành Trung ương, các đại sứ quán, thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài và nước ngoài tại Việt Nam, những tập đoàn bán lẻ lớn... để đẩy mạnh hoạt động giao thương kết nối DN Việt Nam với đối tác nước ngoài.

Mặc dù kim ngạch XK cả nước và TP Hà Nội tăng trưởng trong bối cảnh ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tuy nhiên để XK phát triển bền vững bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan quản lý còn đòi hỏi DN chủ động nắm bắt thông tin thị trường, có kế hoạch sản xuất, XK phù hợp. Đồng thời tăng cường hợp tác với các đối tác đã ký FTA với Việt Nam, qua đó từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đưa hàng hóa Việt Nam ra thị trường thế giới.