Cơ hội từ thị trường rộng lớnKể từ khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên ASEAN (năm 1995) đến nay, quan hệ thương mại hàng hóa giữa nước ta với các nước thành viên ASEAN ngày càng phát triển mạnh mẽ. Số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2017, tổng trị giá trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam và các nước ASEAN đạt 49,53 tỷ USD, chiếm 11,7% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Đặc biệt, trong 11 tháng năm 2108, con số này đã đạt 51,58 tỷ USD và chiếm tỷ trọng 13,4% kim ngạch xuất nhập khẩu. Với kim ngạch trên, ASEAN hiện là thị trường XK lớn thứ 4 của Việt Nam, sau thị trường EU, Mỹ và Trung Quốc. Đánh giá về cơ cấu mặt hàng XK Việt Nam tại thị trường ASEAN, Phó trưởng phòng Đông Nam Á, Nam Á và hợp tác khu vực, Vụ Châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương) Nguyễn Đương Kiên nêu rõ: ASEAN không chỉ là thị trường gần gũi với Việt Nam về địa lý mà còn có sự tương đồng về văn hóa và thói quen tiêu dùng. Điều này giúp DN Việt Nam tiết kiệm chi phí nghiên cứu thị trường, sản phẩm và vận chuyển hàng hóa. Hơn nữa, khu vực ASEAN có dung lượng tiêu thụ hàng hóa lớn với tổng dân số 636 triệu người, GDP đạt 2.760 tỷ USD. Từ năm 2010, sau khi FTA ASEAN chính thức có hiệu lực, hầu hết các dòng thuế về 0% đã tạo cơ hội cho DN XK các mặt hàng có thế mạnh, mở rộng thị trường.Đồng tình với ý kiến này, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) Lê Quốc Phương nêu rõ: Thị trường ASEAN đã tạo cơ hội cho DN Việt Nam tìm được nguồn cung nguyên liệu sản xuất dồi dào, giá cả hợp lý, đồng thời tiếp cận được nguồn vốn và các công nghệ kỹ thuật cao... Điều này giúp DN hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và hàng hóa XK. Còn nhiều thách thứcMặc dù kim ngạch XK sang ASEAN liên tục tăng trưởng nhưng nhiều sản phẩm Việt có thế mạnh như thủy sản, gỗ và sản phẩm từ gỗ, thực phẩm, thép… chưa được XK hoặc XK với số lượng ít sang thị trường này. Theo nhận định của các DN, so với hàng hóa của các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore… sức cạnh tranh của hàng Việt còn yếu. Ngoài ra, DN thiếu thông tin thị trường, chưa nắm rõ các rào cản kỹ thuật, pháp lý cũng như văn hóa của các nước trong khu vực nên hàng Việt vẫn chưa thể chiếm lĩnh thị trường này.Để gia tăng XK sang thị trường ASEAN, theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – Thái Bình Dương Đỗ Quốc Hưng, yếu tố đầu tiên là sự chủ động của DN trong tìm hiểu nhu cầu mặt hàng, tiêu chuẩn cụ thể liên quan đến lĩnh vực hoạt động và mặt hàng sản xuất, kinh doanh của DN, từ đó xây dựng chiến lược sản xuất phù hợp. Đặc biệt, DN cần lựa chọn sản phẩm phù hợp, chất lượng tốt khi đưa vào các thị trường mục tiêu. “DN Việt Nam không thể xuất gạo sang Thái Lan bởi đây là thị trường sản xuất gạo, nhưng có thể XK sang Philippines, Indonesia. Ngành hàng dệt may cũng cần đẩy mạnh XK sang thị trường ASEAN, bởi ở thị trường này, Việt Nam gần như không có đối thủ cạnh tranh.Các chuyên gia cho rằng, để nâng kim ngạch XK hàng Việt vào thị trường ASEAN, DN cần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm bằng cách thay đổi mẫu mã, chủng loại hàng hóa; quan tâm nhiều hơn đến những hàng rào phi thuế quan như tiêu chuẩn VSATTP. Đồng thời có chiến lược xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, liên kết với nhà phân phối nội địa uy tín, có năng lực trong việc tiêu thụ sản phẩm cũng như xây dựng kênh phân phối riêng...