Xuất khẩu nông sản vào thị trường khối CPTPP: Dễ mà khó

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làm thế nào để nông sản Việt Nam xuất khẩu được sang thị trường lớn như EU, các nước trong khối Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)? Đó là nội dung chính của hội thảo “CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt” do T.Ư Hội Nông dân (HND) Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức ngày 2/7.

Kiểm tra chất lượng vải thiều trước khi xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Luông
Cơ hội song hành thách thức
CPTPP được dự báo sẽ có tác động toàn diện đến các hoạt động kinh tế - xã hội của Việt Nam, trong đó nông nghiệp được dự báo chịu tác động lớn cả tích cực và tiêu cực. Về cơ bản CPTPP sẽ tạo cơ hội mở rộng thị trường cho nhiều ngành hàng, trong đó có nông sản Việt, nhất là các thị trường mà Việt Nam chưa có FTA song phương là: Canada, Mexico, Peru, Australia nhờ những ưu đãi về thuế quan. Ngược lại, khi hàng rào thuế quan được xóa bỏ thì hàng rào kỹ thuật sẽ nghiêm ngặt và khắt khe hơn. Chính vì vậy, CPTPP cũng đặt ra không ít thách thức đối với sản xuất tiêu thụ, phân phối nông sản Việt Nam.
Việc thay đổi mô hình về sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ sẽ là vấn đề then chốt giúp ngành nông nghiệp tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật cao theo hàng rào kỹ thuật của thị trường trong CPTPP.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Ngày 30/6/2019, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) cùng với Hiệp định CPTPP đã trở thành cơ hội vàng cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, theo Chủ tịch T.Ư HND Việt Nam Thào Xuân Sùng, chất lượng sản xuất nông nghiệp nói chung và việc tiêu thụ, phân phối nông sản nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế. Điều dễ thấy nhất chính là tỷ lệ xuất khẩu nông sản thô còn cao, không ít ngành hàng nông sản có chất lượng và số lượng các chuỗi giá trị nông sản còn thấp. Bên cạnh đó, cách thức tổ chức sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị còn sơ sài, liên thông giữa thị trường trong nước và thế giới còn nhiều rào cản.

Đáng nói, dưới tác động của các FTA, thị trường nông sản trong nước cũng đang dần gia tăng áp lực cạnh tranh. Đó là sự hiện diện và gia tăng số lượng hàng hóa nông sản nhập khẩu từ nước ngoài. Trong số nhiều mặt hàng nông sản đó Việt Nam vẫn sản xuất được, thậm chí sản xuất với số lượng, chất lượng tốt nhưng khó cạnh tranh được với hàng nhập khẩu về giá thành và uy tín thương hiệu.

Đổi mới tư duy hội nhập

Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Phạm Quỳnh Mai nhận định, CPTPP mở ra một sân chơi mới với quy mô thị trường chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu dân. Để tận dụng tốt các cơ hội do thị trường này mang lại, các DN cần chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm. Đặc biệt là thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. Đồng thời, chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác của Hiệp định để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn.

Gợi mở các giải pháp nhằm tăng tính cạnh tranh cho nông sản Việt Nam trên sân chơi CPTPP, nhiều chuyên gia cho rằng, có 3 vấn đề mà DN Việt cần thay đổi. Thứ nhất, thay đổi công nghệ chế biến, bảo quản nông sản để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng, VSATTP nghiêm ngặt mà CPTPP đề ra. Thứ hai, chú trọng liên kết DN với DN để thúc đẩy chuyên môn hóa, hợp tác hóa, tạo thành chuỗi dây chuyền sản xuất và xuất khẩu, tăng cường lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Thứ ba, thay đổi cơ chế chính sách Nhà nước theo hướng ổn định, hiệu quả và minh bạch.

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa lưu ý, vấn đề cấp thiết hiện nay là cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng từ cơ cấu Chính phủ cho đến DN, cập nhật những tri thức và tiến bộ khoa học công nghệ mới nhất để vực dậy nền tảng quốc gia có truyền thống nông nghiệp như Việt Nam. Bên cạnh đó, tăng cường trao đổi, liên kết 6 nhà (nhà nông, Nhà nước, nhà DN, nhà khoa học, nhà ngân hàng, nhà phân phối) để tạo ra những sản phẩm cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ các yếu tố kỷ luật, giám sát sản xuất đồng bộ, đúng quy trình, xây dựng thương hiệu nông sản chất lượng Việt Nam.