Xuất khẩu rau quả: Nâng chất lượng để vượt rào cản

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyển dịch mạnh từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch đối với thị trường Trung Quốc; tăng cường đầu tư chế biến sâu, nâng cao chất lượng để thâm nhập thị trường EU, Mỹ là yêu cầu đặt ra với ngành hàng rau quả Việt Nam hiện tại.

Tín hiệu tích cực từ thị trường Trung Quốc

Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 7 tháng năm 2022, tổng trị giá xuất khẩu rau quả đạt ước 1,7 tỷ USD, giảm 17,1% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc đang có nhiều tín hiệu tích cực. Hoạt động thông quan mặt hàng rau quả qua các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc đã thuận lợi hơn.

Vùng trồng thanh long đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tại tỉnh Bình Thuận. Ảnh minh họa
Vùng trồng thanh long đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tại tỉnh Bình Thuận. Ảnh minh họa

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải nhận định, xuất khẩu rau quả của Việt Nam có nhiều triển vọng tăng trưởng sang thị trường Trung Quốc. Nhất là mới đây, các tín hiệu tích cực khi một số mặt hàng rau quả của Việt Nam (sầu riêng, chanh leo) được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, góp phần nâng cao trị giá xuất khẩu hàng rau quả trong thời gian tới.

Nhằm hỗ trợ các DN, cuối tháng 7/2022, Cục Xuất nhập khẩu đã phát hành Cẩm nang hướng dẫn xuất khẩu rau quả chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Đây là một hợp phần trong đề án của Chính phủ về thúc đẩy, chuyển đổi hoạt động xuất khẩu qua biên giới sang hình thức chính ngạch.

“Ấn phẩm được kỳ vọng tạo ra động lực nâng cao chất lượng hàng hóa, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật không chỉ của thị trường Trung Quốc mà còn của các thị trường khác trên thế giới. Từ đó góp phần đa dạng hóa thị trường, bảo đảm hoạt động xuất khẩu nông sản phát triển bền vững” - ông Trần Thanh Hải cho hay.

Các chuyên gia dự báo, xuất khẩu rau quả khả quan hơn trong những tháng cuối năm 2022. Tuy nhiên, đà tăng trưởng của ngành hàng này vẫn gặp nhiều thách thức do Trung Quốc chưa gỡ bỏ chính sách “Zero Covid”, xung đột giữa Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc và tình hình lạm phát cao tại nhiều quốc gia. Bên cạnh đó, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn là rào cản đối với hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam.

Từ thực trên, các chuyên gia cho rằng, việc DN xuất khẩu rau quả cần làm hiện tại là cần nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng những tiêu chuẩn nhập khẩu của thị trường khó tính. Song song với đó, kết hợp đa dạng hóa đối tượng khách hàng và thị trường xuất khẩu nông sản để tránh phụ thuộc vào thị trường truyền thống.

Đầu tư chế biến để nâng giá trị xuất khẩu

Hiện nay, nhu cầu sử dụng rau quả chế biến gia tăng trên toàn cầu, do đó, ngành rau quả Việt Nam cần tiếp tục chuyển dịch mạnh về cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng sản phẩm chế biến, giảm xuất khẩu các sản phẩm tươi. Các DN xuất khẩu cần đẩy mạnh đầu tư cho công nghệ xử lý, bảo quản sau thu hoạch và phát triển logistics phục vụ vận chuyển rau quả.

Việc đẩy mạnh đầu tư cho chế biến sẽ giúp ngành hàng rau quả tăng cao giá trị xuất khẩu. Cùng với việc đẩy mạnh đầu tư chế biến, việc tận dụng các cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTTP… sẽ mang lại nhiều cơ hội cho rau quả Việt Nam.

Đơn cử như thị trường EU, theo thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu, mỗi năm EU nhập khẩu rau củ quả khoảng 120 tỷ USD, chiếm 40% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu rau quả toàn cầu. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam sang EU chỉ đạt khoảng 190 triệu USD, chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với thị phần EU đang nhập khẩu.

Về cơ cấu rau quả Việt Nam xuất khẩu sang EU, sản phẩm tươi chiếm khoảng 70%, sản phẩm chế biến chiếm 30% (nước ép trái cây, nước ép đông lạnh chiếm tỉ trọng lớn). Người dân EU đang có xu hướng tiêu dùng xanh và có nhu cầu cao với thực phẩm bổ dưỡng, có lợi cho sức khỏe, sản phẩm thực vật để thay thế sản phẩm động vật.

Nhận định về dư địa xuất khẩu rau quả sang EU, Tham tán Nông nghiệp của Việt Nam tại EU Trần Văn Công cho rằng, EU là thị trường có khâu hậu kiểm được kiểm soát chặt chẽ, yêu cầu cao. Một trong những tiêu chí EU đòi hỏi nông sản nhập khẩu là phải đạt ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các loại hóa chất tồn dư dưới mức quy định.

Ngoài ra, khâu thiết kế mẫu mã, bao bì phù hợp với thị trường EU, thân thiện với môi trường cũng là yếu tố cần được quan tâm. Riêng đối với sản phẩm chế biến, Việt Nam có thể tiếp cận thị trường châu Âu bằng sản phẩm rau củ quả đông lạnh, đóng lon…

Đối với thị trường Trung Quốc, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên khuyến nghị, các DN Việt Nam cần lưu ý tuân thủ nghiêm ngặt những quy định nhập khẩu của nước bạn để tránh bị gián đoạn hoạt động xuất khẩu.

Bởi, trên thực tế, các hợp đồng xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc đang được thực hiện tốt và chứng tỏ ưu điểm vượt trội trong nhiều thời điểm biến động của thị trường hay thông quan hàng hóa khu vực cửa khẩu. Đây cũng là giải pháp mà các bộ ngành đã nhiều lần khuyến cáo đến DN khi xuất bán rau quả sang Trung Quốc.

 

Các DN vẫn xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc thuận lợi nếu có sự chuẩn bị tốt, đáp ứng yêu cầu về vùng trồng, khu sơ chế, đóng gói, chế biến... Tuy nhiên, trong kinh doanh không nên "bỏ trứng vào một giỏ". Xu hướng tiêu dùng thực phẩm hữu cơ của châu Âu, Mỹ được dự báo tăng 30%. Đây sẽ là cơ hội để DN đẩy mạnh xuất khẩu, thâm nhập sâu vào các thị trường này.

Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần