Phát biểu tại hội thảo, ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho biết: Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã hồi phục hoàn toàn sau đại dịch, kim ngạch xuất khẩu tới cuối tháng 11 đã cán mốc 10 tỷ USD, dự báo hết năm 2022 cán mốc 11 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên xuất khẩu thủy sản vượt mốc 10 tỷ USD; trong đó xuất khẩu tôm đạt 4,3 tỷ USD, hải sản đạt 3,2 tỷ USD, cá tra đạt 2,5 tỷ USD… Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đứng thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc (18 tỷ USD) và Na Uy (11 tỷ USD), chiếm 7% thị phần. Trong đó, xuất khẩu tôm nằm trong top 4 thế giới cùng với Ecuador, Ấn độ và Indonesia.
Ông Trương Đình Hòe nhận định, thị trường thủy sản Việt Nam có nhiều tiềm năng. Cụ thể, chiến lược quốc gia phát triển thủy sản Việt Nam nhấn mạnh nuôi trồng thủy sản; sản lượng thủy sản có thể đạt 10 triệu tấn, trong đó nuôi trồng hơn 7 triệu tấn cung cấp 70% nguyên liệu cho xuất khẩu. Đồng thời, Việt Nam có lợi thế về tính đa dạng trong nuôi trồng thủy sản phù hợp xu hướng phát triển kinh tế xanh của thế giới sẽ giúp xuất khẩu thủy sản tăng thị phần tại các nước phát triển.
Về công suất chế biến, hiện Việt Nam có 20 công ty trong CLB 100 triệu USD và sẽ gia tăng trong vài năm tới. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có công nghệ chế biến thủy sản hiện đại nhất với hơn 700 cơ sở chế biến đạt chứng nhận bắt buộc của EU, Trung Quốc.
Bên cạnh đó, thị trường Trung Quốc sẽ mở của trở lại, sẽ hướng hẹn nhiều cơ hội cho thủy sản Việt Nam. Trong khi đó, thủy sản Việt Nam đã có thị phần tại các địa phương nhập khẩu lớn như Sơn Đông, Quảng Đông, Thượng Hải, Liêu Ninh, Phúc Kiến, Bắc Kinh và Thiên Tân (Trung Quốc), các địa phương này hiện chiếm tỷ lệ 87% nhập khẩu .
Theo các chuyên gia, dù xuất khẩu thủy sản đạt được nhiều kết quả khả quan, tuy nhiên dự đoán tình sắp tới, ngành thủy sản sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Theo đó, có 3 nguyên nhân khiến các doanh nghiệp thủy sản lo ngại trong hoạt động sản xuất kinh doanh từ nay đến 2023 gồm: Biến động tỷ giá, nguồn vốn thắt chặt; kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát tăng làm giảm nhu cầu dẫn đến tồn kho tăng; cạnh tranh sẽ gay gắt hơn từ những đối thủ có chi phí thấp và giá bán rẻ như: Ecuador hay Ấn Độ.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã đóng góp nhiều ý kiến, thảo luận nhằm đánh giá triển vọng – thách thức của ngành thủy sản năm 2023, đưa các giải pháp thích ứng linh hoạt, hướng đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp ngành thủy sản trong thời gian tới.