Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuất khẩu trực tuyến: Cứu cánh của doanh nghiệp

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thương mại điện tử quốc tế là giải pháp hữu hiệu giúp các DN Việt Nam vượt khó, vươn ra thị trường nước ngoài không chỉ trong thời điểm đại dịch Covid-19. Quan trọng hơn cả là DN có thêm kỹ năng, kiến thức về xuất khẩu trực tuyến để từ đó tiến hành kinh doanh bền vững.

Bí quyết “lột xác” doanh thu

Theo số liệu của Hiệp hội Thương mại điện tử (TMĐT), năm 2021 ghi nhận TMĐT tử xuyên biên giới tăng trưởng đến 25,7% so với năm 2020. Thực tế đã có nhiều DN Việt Nam, phần lớn là DN vừa và nhỏ khá thành công khi đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế qua kênh xuất khẩu trực tuyến.

Nhiều DN Việt Nam vẫn tăng doanh thu trong bối cảnh đại dịch Covid-19 nhờ xuất khẩu trực tuyến thông qua sàn thương mại điện tử. Ảnh minh họa
Nhiều DN Việt Nam vẫn tăng doanh thu trong bối cảnh đại dịch Covid-19 nhờ xuất khẩu trực tuyến thông qua sàn thương mại điện tử. Ảnh minh họa

Bà Trần Thị Yến Phi - CEO Công ty nông sản DSW cho biết, sau một năm gia nhập sàn Alibaba, doanh thu công ty từ 3.000 USD cho đơn hàng đầu tiên đã tăng lên 260.000 USD trong mùa dịch. Các đơn hàng đều là các sản phẩm có thương hiệu, chất lượng và tìm khách mục tiêu ở Nhật Bản, EU và Đông Nam Á nên tránh được nhược điểm của việc xuất nông sản theo hướng truyền thống.

“Năm 2021, do không xuất khẩu qua đường tiểu ngạch biên giới phía Bắc nên công ty không bị ảnh hưởng trong các đợt ùn tắc hay đóng biên. Năm nay, DSW tiếp tục thúc đẩy gian hàng trực tuyến và xuất chính ngạch đường biển sang Trung Quốc. Đây cũng được coi là giải pháp nhằm ứng phó thị trường trong bối cảnh nước bạn áp dụng chính sách “Zero Covid” – bà Trần Thị Yến Phi cho hay.

Còn đối với Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận (tỉnh Yên Bái), nhờ đẩy mạnh quảng bá và xuất khẩu hàng hóa bằng hình thức trực tuyến, đến nay sản phẩm chè của HTX đã có mặt tại thị trường Bắc Mỹ, Trung Đông, với doanh thu đạt 1 triệu USD/năm. Phó Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận Đỗ Tuấn Lương chia sẻ: “Nếu như trước đây, 70% doanh thu của HTX là bán ở trong nước, phần còn lại mới đến từ xuất khẩu thì từ khi gia nhập Alibaba.com, sàn TMĐT này đã giúp doanh thu xuất khẩu của đơn vị tăng lên đến 80%. Đến nay, HTX đã có lượng khách hàng tương đối ổn định trên sàn Alibaba. Trong thời gian tới, HTX sẽ đẩy mạnh bán hàng qua nền tảng thương mại điện tử này để gia tăng lượng hàng xuất khẩu cũng như giúp nâng cao thu nhập”.

 

Hiện quy mô thị trường TMĐT Việt Nam đã đạt 17 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng 46% và dự báo sẽ đạt 29 tỷ USD vào năm 2025 với tốc độ tăng trưởng 34%, cao hơn các ngành khác như vận tải, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và thực phẩm. Theo tính toán của các tập đoàn lớn thế giới như Google, Temasek và Bain&Company, nhiều khả năng quy mô của nền kinh tế số Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ USD và đứng vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025.

 

Đánh giá về hiệu quả xuất khẩu trực tuyến của các DN, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Đặng Hoàng Hải nhận định, sự phát triển ấn tượng của TMĐT có được nhờ sự thay đổi trong tư duy của nhiều nhà bán hàng, nhà xuất khẩu. Đáng nói, DN vừa và nhỏ, thậm chí là DN siêu nhỏ và HTX từ chỗ ngại chuyển đổi số, chỉ bán hàng trực tiếp thì nay đã sẵn sàng bán hàng trực tuyến. Đó là thay đổi lớn về mặt nhận thức, tư duy của họ khi đưa sản phẩm ra thế giới.

Mở hướng kinh doanh bền vững

Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, năm 2021, số lượng sản phẩm của DN Việt Nam tiêu thụ trên sàn Amazon.com tăng 34% so với 2020. Đáng chú ý, trong năm 2021, có thêm 2 sàn TMĐT quy mô nhất, nhì Trung Quốc là Alibaba.com và JD.com được Bộ Công Thương kết nối vào thị trường Việt Nam để hỗ trợ các DN đưa hàng tới người tiêu dùng thế giới hoặc qua các sàn để quảng bá, tiếp cận đối tác nhập khẩu.

Ra mắt Gian hàng Quốc gia Việt Nam - Vietnam Pavillion trên sàn Alibaba.com ngày 18/3
Ra mắt Gian hàng Quốc gia Việt Nam - Vietnam Pavillion trên sàn Alibaba.com ngày 18/3

Mới đây (ngày 18/3), Bộ Công Thương và Alibaba.com Việt Nam đã phối hợp triển khai “Gian hàng Quốc gia Việt Nam – Vietnam Pavillion”. Thông qua gian hàng trực tuyến, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Alibaba.com sẽ tiến hành các hoạt động xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu sản phẩm; nâng cao năng lực kết nối khách hàng, các hoạt động tương tác hai chiều; nâng cao kỹ năng marketing trên môi trường số cũng như cung cấp thông tin về sản phẩm cho khách hàng tiềm năng.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, năm 2022, hoạt động xúc tiến thương mại số tiếp tục được đẩy mạnh, tăng cường và đổi mới nhằm thích ứng linh hoạt với tình hình mới, góp phần hỗ trợ DN đẩy mạnh sản xuất, giao thương và xuất khẩu.

“Gian Hàng Quốc gia Việt Nam - Vietnam Pavilion” trên sàn TMĐT Alibaba.com không chỉ giúp các DN vừa và nhỏ Việt Nam quảng bá thương hiệu sản phẩm mà còn trang bị thêm kỹ năng, kiến thức về xuất khẩu trực tuyến, về TMĐT quốc giúp các DN tiến hành kinh doanh bền vững.

 

Cùng với sự hỗ trợ về chính sách của Nhà nước, điều quan trọng là chính các DN phải chủ động nắm bắt cơ hội này để chuyển đổi, khai thác triệt để lợi thế của TMĐT xuyên biên giới vào quảng bá, xúc tiến thị trường, tìm kiếm đối tác xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Đánh giá về tiềm năng xuất khẩu trực tuyến, các chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh những ưu điểm vượt trội của kênh thương mại trực tuyến, phương thức này cũng tồn tại hạn chế khi DN xuất nhập khẩu Việt Nam ít có cơ hội tìm hiểu về đối tác.

Vì vậy, để hạn chế rủi ro, khi triển khai xúc tiến thương mại trực tuyến rất cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và DN. Cụ thể, các DN cần sự hỗ trợ từ các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cũng như các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, hay sự hỗ trợ của sở Công Thương các tỉnh, TP.