Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bình Thuận:

Xúc tiến lựa chọn nhà đầu tư hạng mục dân dụng sân bay Phan Thiết

Thanh Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sân bay Phan Thiết là công trình trọng điểm, có tầm quan trọng trong chuỗi phát triển kinh tế địa phương. Hiện chủ đầu tư dự án đang xúc tiến việc lựa chọn thay thế nhà đầu tư để sớm tái khởi động hạng mục sân bay dân dụng theo quy định.

Sân bay Phan Thiết, tháng 7/2024.
Sân bay Phan Thiết, tháng 7/2024.

Tìm nhà đầu tư các hạng mục sân bay dân dụng

Dự án sân bay Phan Thiết được đầu tư lưỡng dụng vừa phục vụ quân sự, an ninh quốc phòng vừa khai thác dân sự. Sân bay Phan Thiết được khởi công vào tháng 1/2015. Đến nay, các hạng mục quân sự đang được Quân chủng Phòng không - Không quân xây dựng khai thác bay quân sự vào đầu tháng 8/2024.

Các hạng mục quân sự của sân bay Phan Thiết đã được Quân chủng Phòng không - Không quân xây dựng khai thác bay quân sự vào đầu tháng 8/2024.
Các hạng mục quân sự của sân bay Phan Thiết đã được Quân chủng Phòng không - Không quân xây dựng khai thác bay quân sự vào đầu tháng 8/2024.

Sân bay Phan Thiết được quy hoạch là cảng hàng không cấp 4E với 1 đường cất, hạ cánh dài 3.050 m. Nhà ga hành khách có công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm. Dự án đang triển khai xây dựng các hạng mục, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2024.

Tuy nhiên, các hạng mục dân sự do UBND tỉnh Bình Thuận làm chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thiện các thủ tục đầu tư và chưa tìm được nhà đầu tư BOT mới. Trong khi đó, dự án đường vào sân bay Phan Thiết kết nối trục đường ven biển ĐT706B (nay là đường Võ Nguyên Giáp) đoạn qua xã Thiện Nghiệp, thành phố Phan Thiết được khởi công tháng 1/2024. Dự kiến, thời gian hoàn thành vào cuối tháng 12/2024.

Theo thiết kế tuyến đường này có chiều dài 3,63 km, chiều rộng nền đường 36m, chiều rộng mặt đường 13,5 m, chiều rộng vỉa hè mỗi bên 5 m. Ngoài ra, tuyến đường này thi công đồng bộ các hạng mục vỉa hè và hệ thống thoát nước, cây xanh, điện chiếu sáng và cấp nước chữa cháy. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 117,9 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.

Theo ghi nhận của Báo Kinh tế và Đô thị, trong những ngày qua công trường đường vào sân bay Phan Thiết nhộn nhịp hoạt động thi công nền đường, hệ thống chiếu sáng, bó vỉa hè. Đến nay đơn vị thi công đã hoàn thành thảm xong một lớp nhựa C19 (bên phải tuyến) kết nối từ đường ven biển đến cổng sân bay Phan Thiết.

Lực lượng thi công vỉa hè đường vào sân bay Phan Thiết.
Lực lượng thi công vỉa hè đường vào sân bay Phan Thiết.

Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Bình Thuận (chủ đầu tư) hiện đang đẩy nhanh thi công công trình, dự kiến dự án này hoàn thành vào tháng 12/2024.

Việc huy động nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng

Nhận định về phương án tài chính của dự án sân bay Phan Thiết, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, nguồn vốn thực hiện dự án chủ yếu dựa vào nguồn vốn tín dụng. Trong khi phương án tài chính không đảm bảo trả nợ, sẽ rất khó có khả năng huy động được nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng.

Hội đồng thẩm định liên ngành Nhà nước vừa có kết quả thẩm định về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Cảng hàng không Phan Thiết (Bình Thuận) hạng mục hàng không dân dụng đầu tư theo hình thức BOT.

Đường vào sân bay Phan Thiết đang được thi công thảm nhựa đường.
Đường vào sân bay Phan Thiết đang được thi công thảm nhựa đường.

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, vốn nhà đầu tư được huy động cho các hạng mục sân bay Phan Thiết là hơn 5.057 tỷ đồng, trong đó vốn của nhà đầu tư là 759 tỷ đồng, vốn vay là 4.300 tỷ đồng. Như vậy, nguồn vốn chủ sở hữu chiếm 15% trong tổng phần vốn của nhà đầu tư (phù hợp với khoản 1, điều 77, Luật Đầu tư).

Tuy nhiên, theo ý kiến của Ngân hàng Nhà nước thì tỷ lệ vốn chủ sở hữu tham gia như vậy là còn thấp. Để tăng tính khả thi, Ngân hàng Nhà nước đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận nghiên cứu cho tăng nguồn vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư BOT trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận đánh giá kỹ khả năng đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực để triển khai dự án.

Về khả năng huy động vốn vay tổ chức tín dụng, tại văn bản của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tổng nhu cầu vốn vay gần 4.300 tỷ đồng, chiếm tới 85% nguồn vốn của nhà đầu tư.

Dự án có thời gian hoàn vốn rất dài (45 năm). Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, mức đầu tư tăng quá 5% (hoặc sản lượng khai thác sụt giảm quá 5%) thì thời gian hoàn vốn sẽ trên 50 năm. Điều này cho thấy dự án có rủi ro cao, đặc biệt là số liệu dự báo các yếu tố cấu thành phương án tài chính của dự án.

Bên cạnh đó, trong 31 năm đầu khai thác, dự án không có khả năng hoàn trả nợ gốc vay. Như vậy, nguồn vốn thực hiện dự án chủ yếu dựa vào nguồn vốn tín dụng. Trong khi phương án tài chính không đảm bảo trả nợ, sẽ rất khó có khả năng huy động được nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng.