Xương bồ với tác dụng khai khiếu, hỗ trợ cải thiện vị giác, khứu giác

BS Nguyễn Phú Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xương bồ được dùng làm thuốc bổ, bổ dạ dày, giúp sự tiêu hóa. Mới đây xương bồ được dùng làm thuốc thông cửu khiếu, đặc biệt là hỗ trợ cải thiện các chức năng vị giác, khứu giác một trong những hội chứng hậu Covid-19.

Xương bồ có hai loại: Thạch xương bồ và thủy xương bồ.
Thạch xương bồ (Rhizoma Acori graminei là một loại cỏ sống lâu năm, có thân rễ mọc ngang, đường kính bằng ngón tay, có nhiều đốt, trên có những sẹo lá. Lá mọc đứng nhìn dải, dài 30 - 50cm, rộng 2 - 6mm, chỉ có gân giữa. Hoa mọc thành bông mo ở đầu một cán dẹt dài 10 - 30cm, cán này được phủ bởi một lá bắc, lá bắc này dài 7 - 20cm, rộng từ 2 - 4mm vượt cao hơn cụm hoa rất nhiều, làm cho cụm hoa trông như lệch sang một bên, dài từ 5 - 12cm, đường kính 2 - 4mm. Quả mọng màu đỏ nhạt, một ngăn, có thành gần như khô. Quanh hạt có một chất gôm nhầy.
Thủy xương bồ (Rhizona Acori calami) cũng giống như thạch xương bồ nhưng to và cao hơn. Lá dài từ 50 - 150cm, rộng từ 6 - 30mm. Lá bắc của cán hoa so với loài trước cũng dài hơn, thường dài tới 45cm. Cụm hoa mọc thành bông mẫm, so với cụm hoa trên cũng to và ngắn hơn, thường dài 4 - 8cm, đường kính 6 - 12mm. Mùa hoa tháng 5 - 7, mùa quả tháng 6 - 8.
Thạch xương bồ và thủy xương bồ mọc hoang tại những miền núi phía Bắc và Trung nước ta, thường ở những nơi khe đá, khe suối, chỗ mát. Có thể thu hái quanh năm, nhưng tốt nhất vào mùa Thu ở các tháng 8 - 9. Hái về cắt bỏ lá và rễ con, rửa sạch đất cát và phơi khô.
Trong thạch xương bồ có chừng 0,5 - 0,8% tinh dầu, trong tinh dầu có chừng 86% asaron C12H16O3. Ngoài ra còn có một chất phenol và axít béo.
Trong thủy xương bồ có 1,5 - 3,5% tinh dầu, trong đó có thành phần chủ yếu cũng là asaron C12H16O3 (4 propenyl 1-3 - 5 trimetoxybenzol), rồi đến
asarylandehyt C10H12O4. Ngoài ra còn một glucozit đắng gọi là acorin và chất tanin.
Xương bồ là một vị thuốc được dùng cả trong Tây y và Đông y. Tính vị xương bồ theo Đông y: Vị cay, tính ôn, vào hai kinh tâm và can. Tác dụng tẩy uế, khai khiếu, tuyên khí, trục đờm, dùng chữa thần kinh suy nhược, kém tiêu hóa, thông cửu khiếu, sáng tai mắt, ôn tràn vị, trị phong hàn tê thấp. Trẻ con sốt nóng nấu nước tắm khỏi. Phàm âm huyết không đủ, tinh hoạt, ra nhiều mồ hôi cấm dùng. Kỵ sắt, ghét ma hoàng, đọc đởm, thịt dê, đường và mật. Trên thực tế xương bồ được dùng làm thuốc bổ, bổ dạ dày, giúp sự tiêu hóa. Mới đây xương bồ được dùng làm thuốc điều hòa nhịp tim trong mỗi nhịp xoang nhanh, ngoại tâm thu thành chuỗi, nhịp do huyệt xoang nút.
Ngày dùng 4 - 10g, dùng hàng ngày, kéo dài 1 - 2 tháng.
Hải Thượng Lãn Ông trong Dược phẩm vậng yếu cũng có nhắc đến xương bồ có công dụng khai khiếu.
Theo lương y Nguyễn Đức Nghĩa, xương bồ có tác dụng khái khiếu rất mạnh nên dùng hợp với những người sau khi chữa khỏi Covid-19 mà bị mất vị giác, khứu giác rất tốt. Nhiều người dùng vị thuốc này và đã phục hồi vị giác, khứu giác chỉ sau 7 ngày, thậm chí chỉ 1 ngày.
Cách dùng 20g lá xương bồ không (hoặc 40g tương, rễ xương bồ dùng tốt nhưng hiếm, cân 100g rồi chia 5 phần bằng nhau), 20g gừng tương (cân 100g rồi chia 5 phần bằng nhau), 50g mật ong. Nấu xương bồ với gừng trong 1 lít nước, đun sôi với lửa nhỏ 15 phút, để nguôi pha với mật ong. Uống nước này trong 1 ngày, chia làm 3 lần. Trong bài thuốc, vị mật ong còn có tác dụng bổ phổi cho người sau nhiễm Covid-19.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần