Lập thiết kế đô thị, quy chế quản lý các tuyến phố Hà Nội:

Yêu cầu cấp thiết

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025”, từ năm 2021 đến nay, các quận của Hà Nội đã hoàn thành chỉnh trang nhiều tuyến phố.

Tuy nhiên, để việc cải tạo tuyến phố có chiều sâu, đồng thời công tác quản lý được bài bản, lâu dài, TP cần đẩy nhanh công tác lập, phê duyệt thiết kế đô thị các tuyến phố và xây dựng hoàn chỉnh các quy chế quản lý.

Kết quả bước đầu

Cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan quản lý, chính quyền các quận và người dân Hà Nội, công tác chỉnh trang, quản lý sử dụng lòng đường, vỉa hè các tuyến phố tại khu vực các quận trung tâm đã đạt được kết quả bước đầu.

Việc thực hiện đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật như lát đá vỉa hè, hạ ngầm đường dây điện, viễn thông, đồng bộ cây xanh, hệ thống chiếu sáng, bảo đảm các tiêu chí công nhận tuyến phố văn minh đô thị đã được các quận đồng loạt triển khai. Sau khi được cải tạo, chỉnh trang nhiều tuyến phố đã có diện mạo đô thị đổi mới, khang trang, văn minh, thông thoáng.

Trục đường Vành đai 2 tại quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Trục đường Vành đai 2 tại quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Tại quận Đống Đa có 80 tuyến đường, phố, trong đó các tuyến trục chính xuyên tâm quan trọng như: Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng - Tây Sơn; Nguyễn Chí Thanh; Vành đai 1; Vành đai 2…, nhưng hạ tầng kỹ thuật cơ bản chưa đáp ứng được yêu cầu so với sự phát triển về kinh tế - xã hội.

Hiểu rõ vấn đề này, chính quyền quận Đống Đa đã nhanh chóng xây dựng và triển khai hàng loạt kế hoạch cải tạo và chỉnh trang nhiều tuyến phố.

Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa Trương Minh Quang cho biết, đến nay, trên địa bàn quận có 51/80 tuyến phố đã hoàn thành công tác hạ ngầm, 15 tuyến đã được đầu tư cải tạo, chỉnh trang đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, trong đó tuyến Nguyễn Chí Thanh được tập trung đầu tư, là điểm nhấn của quận về tuyến phố trật tự và văn minh đô thị.

Đối với quận Ba Đình, Chủ tịch UBND quận Tạ Nam Chiến thông tin, triển khai thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU, hiện quận đã hoàn thành cải tạo, chỉnh trang 13 tuyến phố; tổ chức thiết kế đô thị các tuyến đường mở mới và một số trục đường quan trọng làm cơ sở để quản lý công trình xây dựng và quản lý đô thị theo thẩm quyền của quận.

Ngoài ra, quận cũng tăng cường kiểm soát không gian, kiến trúc cảnh quan hai bên tuyến đường làm cơ sở cho công tác chỉnh trang đô thị theo định hướng phát triển đô thị; không để phát sinh các công trình siêu mỏng, siêu méo và các công trình vi phạm trật tự xây dựng trên các tuyến đường mở mới.

Bên cạnh việc chỉnh trang, công tác kiểm tra quản lý sử dụng hè phố, lòng đường cũng được TP tăng cường. Vào tháng 2/2023, Ban Chỉ đạo 197 TP ban hành Kế hoạch số 01/KH-BCĐ197 về “Tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn TP Hà Nội năm 2023”.

Sau gần một tháng ra quân (từ 1 - 25/3) tổng kiểm tra, xử lý vi phạm, với sự quyết tâm, quyết liệt của các lực lượng chức năng, xử lý vi phạm về an toàn giao thông tăng 29,6%, xử lý vi phạm về trật tự đô thị tăng 87,6% so với cùng thời gian liền kề, tình hình trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị trên địa bàn TP, nhất là tại 12 quận nội thành đã có nhiều chuyển biến tích cực...

Phân loại để có giải pháp cụ thể cho từng nhóm

Mặc dù công tác chỉnh trang, quản lý sử dụng lòng đường, vỉa hè các tuyến phố tại khu vực trung tâm đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để nâng tầm công tác chỉnh trang đô thị đẹp và bền vững, không tái diễn tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” trong việc quản lý, sử dụng vỉa hè thì việc lập quy hoạch thiết kế đô thị các tuyến phố là yêu cầu cấp thiết.

KTS Phạm Hoàng Phương - Viện Kiến trúc quốc gia, Bộ Xây dựng, khẳng định, công tác lập quy hoạch thiết kế đô thị trong đó bao gồm các nội dung tổ chức không gian và quản lý không gian vỉa hè, lòng đường cho các tuyến phố, tuyến đường là một việc quan trọng và cần thiết đối với Hà Nội hiện nay. Đây sẽ là cơ sở pháp lý chặt chẽ cho công tác quản lý đồng bộ và khoa học.

Tuy nhiên, để tránh lãng phí và đầu tư dàn trải, vị chuyên gia khuyến nghị, trước tiên cần thực hiện nghiên cứu đánh giá phân loại không gian lòng hè đường theo các nhóm loại chức năng sử dụng.

Cụ thể, phân nhóm các tuyến phố có không gian vỉa hè, lòng đường đơn chức năng chỉ dành cho người đi bộ; nhóm các tuyến phố có không gian vỉa hè, lòng đường đa chức năng như cho phép kết hợp kinh doanh thương mại dịch vụ, cà phê giải khát, để xe, kèm theo các tiêu chí và yêu cầu về quy mô diện tích, vị trí, tổ chức cây xanh bóng mát, trang trí và thiết bị đô thị đi kèm, yêu cầu về vệ sinh, an toàn... Trước khi thực hiện đại trà, cần triển khai thí điểm, đúc rút bài học kinh nghiệm và khắc phục các vấn đề tồn tại trong thực tiễn.

Đặc biệt, kèm theo nội dung quy hoạch thiết kế đô thị, cần thực hiện lập quy chế quản lý cho các tuyến phố bao gồm tất cả nội dung: quản lý công trình kiến trúc, cây xanh, thiết bị đô thị, quản lý tổ chức các dịch vụ thương mại (theo ngành hàng, theo giờ…), cũng như các nội dung về duy tu, bảo dưỡng, bảo, đảm an toàn, vệ sinh…

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, đối với các tuyến phố đã ổn định chức năng tại khu vực trung tâm Hà Nội, thiết kế đô thị thường phải là một đồ án riêng với nhiều nội dung cần xác định rõ như: mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, tầng cao, khoảng lùi công trình, màu sắc vật liệu, hình thức kiến trúc công trình, hệ thống cây xanh và cảnh quan… Như vậy, để thực hiện được một đồ án thiết kế đô thị tuyến phố đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ và nguồn lực thực hiện lớn.

Trong bối cảnh TP đang quyết tâm đẩy mạnh công tác quản lý sử dụng hè phố, lòng đường đi vào nề nếp thì không nhất thiết phải đợi đủ đồng bộ các tiêu chí để làm thiết kế đô thị mà có thể tách riêng, xây dựng ngay một quy chế về khai thác sử dụng, quản lý lòng đường, vỉa hè trong đô thị.

Cũng theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, đặc trưng vỉa hè Hà Nội rất khác so với các TP khác, nó không chỉ là không gian trung chuyển giữa lòng đường với nhà dân mà nó còn là không gian cảnh quan mang đậm sắc màu đặc trưng của từng khu vực, tuyến phố.

Vì vậy, muốn khai thác hiệu quả phải nhận diện đúng giá trị đặc thù và phân loại theo từng nhóm để vừa bảo đảm kiến trúc, giá trị di sản nhưng vẫn phục vụ khai thác kinh tế.

“Các phương thức giải quyết cho thuê vỉa hè như đề xuất là chỉ định thầu, đấu thầu… chỉ là giải pháp kinh doanh đơn thuần, chưa xem xét đến các hộ dân chịu tác động trực tiếp của việc cho thuê vỉa hè.Do đó TP cần phân loại, tùy từng vị trí, từng tuyến phố, chức năng của công trình lân cận để có giải pháp thích hợp chứ không nên chỉ có một quy định chung cho toàn TP” - TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nêu giải pháp.

 

Kinh nghiệm ở các nước phát triển, việc quy hoạch thiết kế đô thị đồng bộ kiểm soát không chỉ phần vỉa hè, lòng đường đơn thuần mà quản lý cả không gian phía trên và xung quanh liền kề. Cùng với đó phát triển mạnh hệ thống giao thông công cộng và bãi đỗ xe đã cho phép, hạn chế diện tích lòng lề đường cho phương tiện cá nhân, tối ưu hóa sử dụng không gian lòng đường, vỉa hè cho các chức năng đi bộ và sinh hoạt cộng đồng, thương mại dịch vụ thiết yếu quan trọng.

KTS Phạm Hoàng Phương - Viện Kiến trúc quốc gia, Bộ Xây dựng