Yêu cầu củng cố khuôn khổ pháp luật về phòng, chống tra tấn ở Việt Nam

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước khi tham gia Công ước chống tra tấn, để bảo vệ quyền con người, quyền công dân, pháp luật Việt Nam đã quy định tương đối cơ bản và đầy đủ cơ chế bảo đảm quyền không bị tra tấn, đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc bị hạ nhục.

Tuy nhiên vẫn còn một số khoảng trống cần tiếp tục giải quyết. Việc khỏa lấp các khoảng trống này, qua đó hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về phòng, chống tra tấn ở nước ta là một việc làm cấp thiết. Và để củng cố khuôn khổ pháp luật hiện hành về phòng, chống tra tấn, cần thực hiện những sửa đổi, bổ sung.

 Ảnh minh hoạ

Cần xác định rõ định nghĩa về tra tấn trong Bộ luật Hình sự, đồng thời hình sự hóa hành vi tra tấn. Đó là bởi mặc dù Bộ luật Hình sự hiện đã có hai tội danh là tội bức cung và tội dùng nhục hình, nhưng các tội này rõ ràng chưa bao trùm hết nội hàm của hành vi tra tấn theo định nghĩa rất rộng nêu trong Công ước chống tra tấn của Liên hợp quốc. Theo tác giả, nhất thiết cần quy định thêm tội tra tấn và đưa ra những định nghĩa cụ thể về các hành vi tra tấn, đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo và hạ nhục phù hợp với những tiêu chuẩn liên quan của pháp luật quốc tế.

Ngoài ra, trong Bộ luật Tố tụng Hình sự đã bổ sung các quy định bảo đảm quyền im lặng của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, bảo đảm sự có mặt của luật sư khi lấy lời khai của bị can, bị cáo, tuy nhiên, cần nghiên cứu cải tiến các thủ tục tố tụng hiện hành, kể cả nghiên cứu đặt ra các thủ tục tố tụng đặc biệt nếu cần thiết để bảo đảm các hành vi tra tấn sẽ được điều tra, truy tố và xét xử một cách nhanh chóng và nghiêm minh. Điều này là bởi cũng như ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới, thủ phạm của hành vi tra tấn ở Việt Nam là những người tiến hành tố tụng, trong khi việc điều tra, truy tố và xét xử cũng do các cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành nên không thể tránh khỏi những trường hợp cố ý trì hoãn, bao che cho những kẻ vi phạm.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu cải thiện điều kiện giam giữ trong các cơ sở tạm giam, các trại giam, và điều kiện sinh hoạt, học tập trong các trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện, cơ sở học tập bắt buộc. Điều này là bởi theo quan điểm chung của cộng đồng quốc tế, điều kiện giam giữ, sinh hoạt trong các cơ sở đã nêu nếu ở tình trạng tồi tệ sẽ bị coi là cấu thành hành vi đối xử dã man, vô nhân đạo, hạ thấp nhân phẩm và trong một số trường hợp sẽ cấu thành hành vi tra tấn (ví dụ như việc cán bộ quản giáo khuyến khích hay để mặc cho tình trạng bạo lực xảy ra giữa các tù nhân, người bị tạm giam, tạm giữ...). Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường giám sát, thanh tra các cơ sở thẩm vấn và giam giữ (nhà tạm giữ, trại tạm giam, trường giáo dưỡng…), bao gồm việc triển khai đồng bộ lắp các thiết bị giám sát tự động (camera) tại các cơ sở này để phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi bức cung, nhục hình, tra tấn.

Cần nghiên cứu tăng cường các biện pháp giáo dục, tuyên truyền về cấm tra tấn và về quyền con người của những người bị tước tự do cho các đối tượng có liên quan, đặc biệt là những cán bộ tiến hành tố tụng, vì đó là một trong các biện pháp chủ động, tích cực nhất trong việc phòng ngừa tra tấn. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy rất ít quốc gia pháp luật cho phép thực hiện các hành động tra tấn, nhưng trên thực tế hành động như vậy vẫn diễn ra do các quan chức thực thi pháp luật thiếu hiểu biết hoặc có ý thức chấp hành pháp luật kém.

Cùng với các biện pháp xử phạt, giáo dục, tuyên truyền về cấm tra tấn và quyền con người của những người bị tước tự do sẽ góp phần giảm đáng kể hành vi tra tấn của các quan chức thực thi pháp luật. Liên quan đến vấn đề này, cần nghiên cứu đưa vào hoặc sửa đổi, bổ sung nội dung về chống tra tấn và quyền con người của những người bị tước tự do trong chương trình giảng dạy của các trường ĐH luật và các trường đào tạo cán bộ thực thi pháp luật ở mọi cấp.

Thêm vào đó, cũng cần xây dựng và thực hiện các chương trình tập huấn bắt buộc về những nội dung đã nêu cho các cán bộ quản giáo, cảnh sát điều tra, nhân viên an ninh, nhân viên dân sự và y tế làm việc trong các cơ sở giam giữ, giáo dục, cai nghiện tập trung... Ngoài ra, cần xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung các bộ quy tắc đạo đức cho những đối tượng đã nêu trong đó nhấn mạnh vấn đề cấm tra tấn và tôn trọng, bảo vệ các quyền con người của những người bị tước tự do.

Nghiên cứu hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan và cán bộ tiến hành tố tụng, đặc biệt trong các hoạt động điều tra và giam giữ là việc cần thiết. Trong vấn đề này, cần đặc biệt phát huy vai trò giám sát của Ủy ban Tư pháp và của các đại biểu Quốc hội, đồng thời cần mở rộng các điều kiện cho phép các cơ quan thông tin đại chúng được giám sát thường xuyên và hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp, kể cả các cơ sở giam giữ. Ngoài ra, cần khuyến khích sự hình thành và hoạt động của các tổ chức phi chính phủ hoạt động trên lĩnh vực nhân quyền, đặc biệt là các tổ chức chuyên hoạt động bảo vệ quyền của những người bị tước tự do, chống tra tấn và hỗ trợ nạn nhân bị tra tấn.

Triển khai các quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 và Nghị định số 68/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo hướng đơn giản hóa các thủ tục xác định thiệt hại và yêu cầu bồi thường Nhà nước, đồng thời quy định xem xét bồi thường những thiệt hại cả trực tiếp và gián tiếp, cả về vật chất và tinh thần, qua đó bảo đảm nạn nhân bị tra tấn, đối xử và trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo và hạ nhục có thể được bồi thường một cách nhanh chóng và thỏa đáng.

Ngoài ra, cần xây dựng các chương trình, chính sách, cơ chế riêng, dài hạn về chống tra tấn (hoặc đặt trong các chương trình, chính sách, cơ chế chung về bảo vệ quyền con người), trong đó huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự, các cơ quan truyền thông, giới luật gia… để phát hiện, ngăn chặn, xử lý hiệu quả những hành vi tra tấn. Bên cạnh đó là tăng cường đối thoại, hợp tác quốc tế, khu vực trong các hoạt động phòng, chống tra tấn và bảo vệ quyền của những người bị tước tự do, trong đó bao gồm việc mời các báo cáo viên đặc biệt về tra tấn, nhóm công tác về bắt bớ tùy tiện và các tổ chức phi chính phủ quốc tế về nhân quyền... đến thăm và giám sát các cơ sở giam giữ trong nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần