Cụ thể, Vietnam Airlines đề xuất tăng từ 50.000 - 250.000 đồng/vé cho các chặng bay từ 500 - 1.280km trở lên. Giá vé trần sẽ được giữ nguyên với các đường bay phát triển kinh tế - xã hội, nhóm đường bay khác dưới 500km.
Phương án áp giá sàn thứ hai của Vietnam Airlines đưa ra là bằng 35% trần giá vé đề xuất, cao hơn phương án thứ nhất. Theo đó, giá sàn cho các đường bay từ dưới 500 - 1.280km trở lên sẽ tăng dần từ 560.000 đồng lên cao nhất là 1,4 triệu đồng. Chưa dừng lại, Vietnam Airlines còn mong muốn có thêm nhiều hỗ trợ để DN phát huy vai trò, trách nhiệm là hãng hàng không quốc gia. Theo lý giải của Vietnam Airlines, cơ sở để họ đưa ra “yêu sách” tăng giá trần và áp giá sàn là bài toán để hãng vượt qua khó khăn trong giai đoạn Covid-19, giảm bớt cạnh tranh.
Ngay khi đưa ra đề xuất trên, Vietnam Airlines đã vấp phải sự phản ứng của dư luận và giới chuyên gia. Rất nhiều ý kiến không đồng tình, cho rằng không thể cầu cứu can thiệp hành chính vào giá cả và cần tôn trọng cơ chế thị trường. Giới chuyên gia cùng chung một quan điểm, áp giá sàn là hình thức hạn chế các chương trình kích cầu, làm khó cho các hãng bay khác. Do đó, nếu “yêu sách” của Vietnam Airlines được thông qua, các hãng hàng không sẽ không thể tung ra những chương trình với giá vé máy bay siêu rẻ hoặc thậm chí 0 đồng mà phải tuân theo mức giá sàn này. Trong bối cảnh ngành hàng không vừa trải qua giai đoạn dài chịu thiệt hại nặng bởi Covid-19 và đang rất cần các gói khuyến mại, kích cầu để thu hút hành khách sử dụng dịch vụ và phục hồi sản xuất, thì “yêu sách” của Vietnam Airlines chẳng khác nào một gáo nước lạnh đổ thẳng lên đầu các hãng hàng không trong nước.
Cần phải thấy rằng, đây không phải lần đầu tiên Vietnam Airlines đưa ra “yêu sách” áp sàn giá vé máy bay. Trước đó, vào tháng 3/2017, chính hãng hàng không này đã từng gửi Bộ GTVT phương án áp giá sàn cho một vé máy bay hạng phổ thông nội địa là 1,54 triệu đồng, còn giá trần 4,2 triệu đồng. Đương nhiên, vào thời điểm đó, đề xuất của Vietnam Airlines đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, phản đối và Bộ GTVT đã không thể đồng ý. Một chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kinh tế đã không khỏi bất ngờ trước “yêu sách” mới đây mà Vietnam Airlines đưa ra, không chỉ bởi đây là đòi hỏi... không giống ai mà cách giải thích mà hãng hàng không này đưa ra cho đề xuất của mình cũng khó có thể chấp nhận được. Vị chuyên gia này không quên nhắc lại “nguyên tắc vàng” để hàng không và du lịch, hai lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề nhất vì Covid-19 lúc này là phải làm thế nào để khuyến khích người dân quay trở lại, sử dụng dịch vụ của ngành mình. Chưa dừng lại ở đó, Vietnam Airlines còn sử dụng một mệnh đề sốc khác để bao biện cho đòi hỏi của mình là để các hãng hàng không “giảm bớt cạnh tranh, giẫm đạp lên nhau để tự làm yếu mình”. Hóa ra, trong con mắt của những vị lãnh đạo Vietnam Airlines, sự cạnh tranh sôi động của 6 hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Pacific Airines, Vietravel Airlines và VASCO đã giúp người dân có cơ hội mua được vé máy bay giá rẻ, phù hợp với thu nhập của đa số khách hàng trong thời gian qua chính là các hãng bay đang “giẫm đạp lên nhau” và “tự làm yếu mình”?Không hiểu Vietnam Airlines dựa vào điều gì để đưa ra cách đánh giá mang tính quy chụp này. Đây chính là lúc Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam phải thể hiện được vai trò để đưa ra phán quyết chính xác nhất về “yêu sách” của Vietnam Airlines. Việc trước mắt cần làm là phải đặt vào vị trí trọng tài để lấy ý kiến, thảo luận, lắng nghe tất cả hãng bay và đưa ra chính sách tốt cho các hãng nhằm mang lợi ích cho xã hội.