10 năm triển khai Chương trình Giáo dục mầm non: 99% trẻ được học 2 buổi/ngày

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, sau 10 năm triển khai Chương trình Giáo dục mầm non, đến nay, cả nước có trên 5,2 triệu trẻ em được học 2 buổi/ngày; số giáo viên mầm non và phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ cũng tăng đáng kể.

99% trẻ mầm non được học 2 buổi/ngày 
99% trẻ mầm non được học 2 buổi/ngày 

Chương trình Giáo dục Mầm non được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký quyết định ban hành kèm theo Thông tư số 17/2009/TT-BGDĐT ngày 25/7/2009. Sau hơn 10 năm tổ chức thực hiện, với sự chỉ đạo sâu sát, hiệu quả của Bộ GD&ĐT, sự triển khai kịp thời, đồng bộ với nhiều biện pháp linh hoạt, sáng tạo của các địa phương, cơ sở giáo dục mầm non, đến nay Chương trình giáo dục mầm non đã được thực hiện ở gần 15.500 cơ sở (đạt 100%), trong đó có trên 5,2 triệu trẻ (99%) học 2 buổi/ngày theo Chương trình giáo dục mầm non.

Chương trình giáo dục mầm non đã thể hiện tính ưu việt, khoa học, phù hợp với thực tiễn và góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục mầm non.

Cụ thể: Chương trình thể hiện tính chất của Chương trình khung quốc gia, tạo cơ hội cho cơ sở giáo dục và giáo viên chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong triển khai thực hiện; Chương trình hướng đến sự phát triển toàn diện, tích hợp, lấy trẻ làm trung tâm, phương châm giáo dục “học bằng chơi, bằng trải nghiệm” của trẻ, tạo điều kiện đảm bảo cho trẻ phát triển liên tục, đáp ứng sự đa dạng của các vùng miền, các đối tượng trẻ.

Năm học 2019-2020, toàn quốc huy động khoảng 5,8 triệu trẻ em đến trường để thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục theo Chương trình giáo dục mầm non, tăng gần 1,9 triệu trẻ so với năm học 2010-2011; tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đạt 90,1%, tăng 7,1%; Tỷ lệ trẻ nhà trẻ học 2 buổi ngày là 99,8%, tăng 13,2%; trẻ mẫu giáo học 2 buổi/ngày đạt 98,9%, tăng 26,1%.

Năm học 2019-2020, toàn quốc có gần 365.000 giáo viên mầm non, tăng xấp xỉ 150.000 giáo viên; tỷ lệ giáo viên mầm non có trình độ cao đẳng sư phạm trở lên tăng 34,8% so với năm học 2010-2011.

Năm học 2019-2020 toàn quốc có khoảng 202.000 phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, tăng trên 77.300 phòng so với năm học 2010-2011; trong đó, phòng kiên cố tăng gần 90.000 phòng; phòng học bán kiên cố giảm 15,3%; phòng học tạm giảm 8,7%; phòng học nhờ, mượn giảm trên 11.500 phòng so với năm học 2010-2011.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ GD&ĐT cũng chỉ ra một số hạn chế của giáo dục mầm non, đặc biệt là chất lượng đội ngũ và công tác bồi dưỡng, tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ và tài liệu nguồn cho giáo viên có một số yếu tố cần được quan tâm để đảm bảo điều kiện thực hiện chương trình giáo dục mầm non, như: Chế độ chính sách, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc thực hiện chương trình; số trẻ/lớp; không gian, diện tích lớp và đồ dùng, đồ chơi, học liệu cho trẻ.

Một vấn đề quan trọng khác, đó là lương giáo viên mầm non còn thấp, chưa tương xứng với công việc. Các trường mầm non chưa bố trí đủ giáo viên, nhân viên theo định mức; thiếu nhân viên y tế, dinh dưỡng chuyên trách; còn khoảng cách vùng miền trong tiếp cận chương trình giáo dục mầm non và các điều kiện thực hiện Chương trình…cũng là những điểm khó khăn của giáo dục mầm non hiện nay và rất cần các biện pháp chung tay tháo gỡ.

Valid: True