100 giờ sau động đất Trung Á, phép màu vẫn xuất hiện

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại tỉnh Hatay phía nam Thổ Nhĩ Kỳ, một cậu bé 10 ngày tuổi tên Yagiz đã được đưa ra khỏi một tòa nhà đổ nát trong đêm.

Hơn 4 ngày kể từ trận động đất tàn khốc cướp đi 23.000 sinh mạng, công tác cứu hộ vẫn chạy đua với thời gian với hy vọng dù nhỏ nhất để tìm người sống sót. Như một phép màu, nhiều người đã được cứu trong đống đổ nát, bao gồm cả một em bé sơ sinh. 

Một cậu bé được các đội tìm kiếm và cứu nạn tại thành phố Antakya của Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra trên cáng hôm 10/2. 
Một cậu bé được các đội tìm kiếm và cứu nạn tại thành phố Antakya của Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra trên cáng hôm 10/2. 

Tại tỉnh Hatay phía nam Thổ Nhĩ Kỳ, cậu bé 10 ngày tuổi tên Yagiz được đưa ra từ tòa nhà đổ sập, trong khi ở Kırıkhan, lực lượng cứu hộ Đức đã phát hiện Zeynep Kahraman, 40 tuổi, còn sống trong đống đổ nát sau khi người nhà tin rằng bà đã thiệt mạng. 

“Bây giờ tôi tin vào phép màu,” Steven Bayer, trưởng nhóm Tìm kiếm và Cứu nạn Quốc tế, cho biết tại hiện trường. 

Một cậu bé 10 tuổi cũng được cứu trong đêm cùng với mẹ ở quận Samandağ của Hatay sau khi bị mắc kẹt hơn 90 giờ, trong khi ở Diyarbakır ở phía đông, Sebahat Varlı, 32 tuổi và con trai tên Serhat vẫn sống sót 100 giờ sau trận động đất đầu tiên.

Tuy nhiên, hy vọng tìm thấy người sống sót đang dần ít đi. Các chuyên gia cho biết chỉ 6% nạn nhân động đất sống sót trong vòng 5 ngày so với 74% được giải cứu sau 24 giờ. Điều kiện thời tiết khắc nghiệt cũng khiến khả năng sống sót thấp hơn. 

Ở Gaziantep, Thổ Nhĩ Kỳ, nơi nhiệt độ -3C vào sáng 10/2, hàng nghìn gia đình phải ngủ trong ô tô hoặc lều tạm vì nhà cửa đã bị hư hại hoặc san phẳng. “Tôi lo sợ cho bất kỳ ai bị mắc kẹt dưới đống đổ nát ở đây,” Melek Halıcı nói với AFP khi ôm cô con gái hai tuổi trong chăn.

Hàng trăm nghìn người đã mất nhà cửa và thiếu lương thực trong điều kiện thời tiết mùa đông khắc nghiệt dưới 0 độ sau khi thảm họa động đất kép mạnh 7,8 và 7,6 độ richter tấn công Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hôm 6/2.  Hàng chục quốc gia đã cam kết giúp đỡ và gửi các đội khẩn cấp.

Tổ chức Di cư Quốc tế hôm 10/2 cho biết 14 xe tải viện trợ hướng tới tây bắc Syria đang mang theo máy sưởi, lều, chăn và các vật dụng khác rất cần thiết. Đây là khu vực xảy ra nội chiến khiến 90% dân số - khoảng 4 triệu người - phải sống nhờ vào viện trợ ngay cả trước khi động đất xảy ra.

Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã cắt đứt quan hệ ngoại giao hơn một thập kỷ trước, nhưng các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này đang xem xét mở lại một cửa khẩu vào lãnh thổ do chính phủ Syria kiểm soát, cộng với một cửa khẩu thứ hai vào vùng tây bắc do phiến quân kiểm soát.

Vừa qua, đoàn xe cứu trợ thứ hai đã đi vào phía tây bắc Syria từ Thổ Nhĩ Kỳ. 

Các quan chức và nhân viên y tế cho biết 20.213 người đã thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ và 3.553 người ở Syria. Tổng số người tử vong xác nhận hiện tại là 23.766.

Các chuyên gia cho biết con số thương vong sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Liên hợp quốc ước tính có 24,4 triệu người bị ảnh hưởng ở cả 2 nước.

Số người chết trong trận động đất này đã vượt qua con số hơn 17.000 người thiệt mạng trong trận động đất ở tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ năm 1999, và trận vừa qua được xếp là một trong những thảm họa chết chóc nhất trong thế kỷ này, cao hơn cả trận động đất và sóng thần năm 2011 ở Nhật Bản.

Mỹ đã cung cấp gói viện trợ trị giá 85 triệu USD, bao gồm thực phẩm, nơi ở và các dịch vụ y tế khẩn cấp cũng như hỗ trợ nước uống và vệ sinh.

Ngân hàng Thế giới cho biết sẽ viện trợ 1,78 tỷ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ. Các quan chức viện trợ hàng đầu đang lên kế hoạch đến thăm các khu vực bị ảnh hưởng. Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới và giám đốc nhân đạo của Liên Hợp Quốc Martin Griffiths đều lên kế hoạch cho các chuyến đi.