100 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc: Những thành tựu nổi bật

Theo TTXVN/Vietnam+
Chia sẻ Zalo

Ngày 1/7/2021 đánh dấu 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (01/7/1921 - 01/7/2021). Đây không chỉ là sự kiện trọng đại đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc mà còn là dấu mốc quan trọng đối với toàn thể nhân dân Trung Quốc cũng như sự phát triển của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao tuyên thệ trong lễ míttinh ở Bắc Kinh ngày 28/6, trước thềm kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. (Nguồn: AP)

Trong 100 năm qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã không ngừng phát triển lớn mạnh, từ lúc chỉ có khoảng 60 đảng viên khi mới thành lập đã lên tới gần 95 triệu đảng viên.
Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đoàn kết và lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, phát triển đất nước, với dấu mốc thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949, xây dựng Trung Quốc từ một xã hội nửa thuộc địa, nửa phong kiến bị bần cùng hóa hồi đầu thế kỷ 20 thành nền kinh tế lớn thế hai thế giới với ảnh hưởng ngày càng tăng trên trường quốc tế.
Đảng Cộng sản Trung Quốc không ngừng tìm tòi con đường hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa phù hợp tình hình Trung Quốc, lần lượt đưa ra các mục tiêu phấn đấu "Bốn hiện đại hóa," "Lộ trình ba bước" và "Hai 100 năm" (100 năm thành lập Đảng vào năm 2021, 100 năm thành lập nước vào năm 2049), xác định mục tiêu tầm nhìn đến năm 2035 cơ bản thực hiện hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, đến giữa thế kỷ 21 hoàn thành mục tiêu xây dựng cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và tươi đẹp.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong 100 năm qua, đặc biệt sau 40 năm cải cách mở cửa, Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ, giáo dục, văn hóa, thể thao...
Từ một nước gặp rất nhiều khó khăn vào năm 1949, đến nay, Trung Quốc đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới; vị thế quốc tế không ngừng được nâng cao; Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng 189 lần; tổng lượng thương mại đứng đầu thế giới; là đối tác thương mại lớn nhất của 130 nền kinh tế; đóng góp khoảng 30% cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu; GDP bình quân đầu người tăng hơn 70 lần.
Cùng với đó, Trung Quốc đạt nhiều thành tựu nổi bật về khoa học công nghệ: đưa người lên vũ trụ xây dựng trạm không gian Thiên Cung; tàu thăm dò vũ trụ đáp thành công lên bề mặt Sao Hỏa; đưa vào sử dụng hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu phủ sóng toàn cầu, công nghệ đường sắt cao tốc dẫn đầu thế giới với tổng chiều dài đạt 37.900km...
Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang có xu hướng gia tăng, việc thiết lập cơ chế thương mại đa phương gặp nhiều khó khăn, xu thế toàn cầu hóa kinh tế gặp những trở ngại nhất định, Trung Quốc chủ trương tiếp tục mở cửa nền kinh tế, nỗ lực tham gia quản trị kinh tế toàn cầu thông qua các cơ chế đa phương cũng như sáng kiến khu vực và quốc tế, tích cực thúc đẩy xây dựng quan hệ đối tác toàn cầu.
Kinh tế Trung Quốc hiện là một trong những đầu tàu của nền kinh tế thế giới, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang tác động nặng nề tới các nền kinh tế và làm đứt gãy chuỗi cung ứng, Trung Quốc đã nhanh chóng kiểm soát tốt dịch bệnh, trở thành nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới đạt tốc độ tăng trưởng dương trong năm 2020; thực hiện thắng lợi cuộc chiến xóa đói giảm nghèo toàn diện; hoàn thành đúng hạn mục tiêu "100 năm" lần thứ nhất, xây dựng toàn diện xã hội khá giả.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: THX/TTXVN)

Bên cạnh những thành quả vượt bậc về kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ, nỗ lực chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy chính trị được Đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành nhiều năm qua đã đem lại những kết quả rõ rệt, góp phần làm gia tăng uy tín của đảng và củng cố niềm tin của nhân dân.
Đảng Cộng sản Trung Quốc kỷ niệm 100 năm thành lập khi đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XX, dự kiến diễn ra vào năm 2022.
Trong bối cảnh cục diện thế giới đang diễn biến khó lường, cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt, đặc biệt là đại dịch Covid-19 vẫn đang ảnh hưởng nặng nề trên toàn cầu, Trung Quốc cũng đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn như sự phát triển không đồng đều, thiếu bền vững, tình trạng bất bình đẳng và khoảng cách giàu-nghèo gia tăng, ô nhiễm môi trường...
Điều đó đòi hỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo, hoạch định đường hướng cũng như lộ trình cụ thể để vượt qua những khó khăn, thách thức để hoàn thành những mục tiêu đặt ra, đặc biệt là mục tiêu "100 năm thứ hai" vào năm 2049.
Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam có lịch sử giao lưu hữu nghị gần 100 năm qua. Hai bên đã ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc chiến chống chủ nghĩa đế quốc thực dân xâm lược, cũng như xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, hai bên tiếp tục duy trì trao đổi chiến lược cấp cao, cùng bảo vệ sự phát triển thịnh vượng của sự nghiệp chủ nghĩa xã hội, phát huy vai trò định hướng cho việc phát triển quan hệ Việt - Trung hiện nay và tương lai.
Trong thời gian qua, mặc dù có những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, nhưng với quyết tâm, thiện chí và nỗ lực chung của cả hai bên, hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước đã chủ động, sáng tạo, có nhiều cách làm linh hoạt, hạn chế tối đa tác động tiêu cực của dịch bệnh, quan hệ chính trị duy trì đà phát triển tốt đẹp, hợp tác kinh tế, thương mại tăng trưởng ấn tượng, hợp tác phòng chống dịch bệnh được triển khai hiệu quả.
Năm 2021 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với mỗi Đảng, mỗi nước; là năm khởi đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, là năm kỷ niệm 100 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc và là năm Trung Quốc bắt đầu thực hiện Quy hoạch 5 năm lần thứ 14, hai bên khẳng định quyết tâm cùng nhau hợp tác, kiểm soát những bất đồng, thúc đẩy giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực, đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung tiếp tục giành được những thành quả mới to lớn hơn nữa trong thời gian tới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần