Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

20 năm trôi qua, người Mỹ lúc này nghĩ gì về sự kiện 11/9?

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ở thời điểm nước Mỹ sắp kỷ niệm 20 năm vụ tấn công khủng bố ngày 11/9, một cuộc khảo sát cho thấy đa phần người dân nước này tin rằng tác động của thảm kịch năm 2001 lớn hơn nhiều đại dịch Covid-19 và thay đổi vĩnh viễn cuộc sống của họ.

*Bài viết sử dụng các bức ảnh về sự kiện 11/9/2001 được Cơ quan Mật vụ Hoa Kỳ công bố lần đầu tiên nhân lễ kỷ niệm 20 năm.
Các tòa tháp của Trung tâm Thương mại Thế giới sau khi cả 2 máy bay đã lao vào. 
Theo cuộc khảo sát của Fox News, 64% người Mỹ được hỏi tin rằng các cuộc tấn công đã thay đổi cách sống của người dân “vĩnh viễn”, với 24% số khác cho rằng những thay đổi chỉ là “tạm thời”. Để so sánh, một cuộc thăm dò quy mô tương tự của Fox News được thực hiện vào tháng 6 vừa qua cho thấy, 50% người Mỹ được hỏi tin rằng đại dịch Covid-19 đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của họ, trong khi 42% cho là tạm thời.

Ground Zero tại New York - nơi chịu ảnh hưởng bởi các vụ tấn công - sau khi các tòa tháp sụp đổ, ngày 11/9/2001.

Gần 3.000 người đã thiệt mạng vào ngày 11/9/2001 khi các máy bay bị không tặc al-Qaeda cướp quyền kiểm soát lao vào Tháp Đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York, Lầu Năm Góc và một cánh đồng ở Shanksville, Pennsylvania (sau khi được cho là nhắm đến Đồi Capitol nhưng thất bại).
Cú đánh thẳng vào ngay “trái tim” tài chính - văn hóa - chính trị Mỹ này đã dẫn đến sự thành lập của Bộ An ninh Nội địa (DHS), cũng như việc nâng cao biện pháp an ninh tại các sân bay, sự kiện lớn, các khu vực công cộng, cũng như mọi địa điểm du lịch trên khắp nước Mỹ.
Quang cảnh đổ nát tại Ground Zero, ngày 11/9/2001.

Cả một thế hệ đã trưởng thành kể từ sáng ngày 11/9/2001. Trong khi đó, thủ lĩnh sáng lập al-Qaeda Osama bin Laden đã bị truy lùng và tiêu diệt vào năm 2011 trong một cuộc đột kích của lực lượng Mỹ ở Pakistan. Một tòa nhà chọc trời mới đã mọc lên ở Manhattan, thay thế cho Tòa tháp Đôi của 20 năm trước.
Và cách đây chưa đầy 2 tuần, những người lính Mỹ cuối cùng đã rời sân bay Kabul, kết thúc cái gọi là “cuộc chiến vô tận” mà Tổng thống Mỹ George W. Bush đã phát động tại Afghanistan ngay sau vụ khủng bố, nhằm tiêu diệt al-Qaeda và chế độ Taliban đã dung dưỡng lực lượng này.
Quan chức Sở Mật vụ hộ tống Tổng thống Bush tại Ground Zero, ngày 14/9/2001. 

Theo khảo sát của Fox New, khi được yêu cầu chấm điểm 5 hành động mà Chính phủ liên bang Mỹ đã thực hiện để đối phó với các cuộc tấn công năm 2001, hầu hết người Mỹ lúc này tán thành việc tăng cường an ninh tại các sân bay và thành lập DHS - với tỉ lệ tương ứng 69% và 63% người được hỏi nói rằng đó là “phản ứng phù hợp”. Chỉ 15% cho rằng việc tăng cường an ninh sân bay là một “phản ứng thái quá”, trong khi 18% nói điều tương tự đối với việc thành lập DHS.
Trong khi đó, không có nhiều sự ủng hộ với cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan, với chỉ 49% nói rằng đó là “phản ứng thích hợp” đối với sự kiện 11/9 (giảm từ 56% vào năm 2011), và 25% mô tả đó là “phản ứng thái quá” (tăng từ 21% vào năm 2011). 20% số khác cho biết hành động quân sự của Mỹ ở Afghanistan là “không đủ”, tăng từ 17% vào năm 2011.
Toàn bộ đội ngũ nhân viên cấp cao của Sở Mật vụ tập trung tại Trung tâm Khủng hoảng vào ngày 11/9/2001. 

Một lưu ý là cuộc khảo sát được thực hiện vào đầu tháng 8 năm nay, trước khi Taliban lật đổ Chính phủ Afghanistan và buộc các lực lượng quân đội, công dân phương Tây và đồng minh Afghanistan của họ phải sơ tán một cách hỗn loạn. Taliban từng che chở cho bin Laden đang trở lại nắm quyền ở Afghanistan.
Còn tại nhà tù Vịnh Guantanamo, bị cáo chủ mưu vụ 11/9 Khalid Sheikh Mohammed và 4 người đàn ông khác vẫn tiếp tục chờ xét xử, 9 năm sau khi cáo buộc được đưa ra. Ngay cả câu chuyện đầy đủ về cách các cuộc tấn công xảy ra hiện vẫn còn là bí mật. Tuần trước, Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden đã ra lệnh công bố các tài liệu mật từ cuộc điều tra của FBI liên quan đến sự kiện này trong 6 tháng tới.
Nỗ lực cứu hộ tại Ground Zero, ngày 11/9/2001.

Tiếp quản Nhà Trắng từ người tiền nhiệm Donald Trump vào đầu năm nay, khi đất nước vẫn đang quay cuồng bởi đại dịch Covid-19, những bất đồng chính trị và chia rẽ sắc tộc sâu sắc, ông Biden cam kết sẽ đưa quân đội Mỹ rời khỏi Afghanistan sau 4 đời Tổng thống, được xem như một hành động ý nghĩa hướng tới lễ kỷ niệm 20 năm vụ tấn công 11/9.

Nhưng thay vì một không khí đoàn kết, chính quyền Biden lại đang đối mặt với phản ứng giận dữ ngay tại quê nhà về cuộc di tản hỗn loạn với nhiều đau thương ở Kabul. Ngày 26/8, 13 quân nhân Hoa Kỳ đã thiệt mạng trong vụ đánh bom liều chết ở sân bay Kabul, trở thành những người Mỹ cuối cùng bỏ mạng tại cuộc chiến Afghanistan.
Khi cùng Đệ nhất phu nhân tới thăm 3 địa điểm tưởng niệm vào thứ 7 tuần này, Tổng thống Joe Biden hẳn sẽ cảm nhận rõ hơn sức nặng của 20 năm lịch sử, điều nước Mỹ và chính ông muốn khép lại bằng mọi giá.
Thêm một hình ảnh về tòa tháp bị không tặc tấn công, ngày 11/9/2001. 

Bất chấp tác động lâu dài của vụ khủng bố và cuộc chiến kéo theo sau đó, người Mỹ dường như vẫn lưỡng lự trước câu hỏi liệu ngày 11/9 có nên là một sự kiện tưởng niệm cấp liên bang hay không, với 47% người trả lời Fox News rằng “nên” và 46% còn lại đưa ra ý kiến ngược lại.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy chỉ 58% số người Mỹ được hỏi “vô cùng lo lắng” hoặc “rất lo lắng” về các cuộc tấn công khủng bố của lực lượng Hồi giáo tại Mỹ trong tương lai - đặt nó ở cuối danh sách 13 vấn đề bao gồm lạm phát (86%), tội phạm bạo lực (81%), sự bành trướng của Trung Quốc (73%), đại dịch Covid-19 (69%), phân biệt chủng tộc (66%) và biến đổi khí hậu (60%).

Nhưng với nhiều người Mỹ, sự kiện 11/9 dường như sẽ tồn tại mãi mãi. “Tôi cảm thấy như nó vừa xảy ra”, Monica Iken-Murphy - người đã mất chồng khi mới 37 tuổi ở Trung tâm Thương mại Thế giới - chia sẻ với AFP, rằng với cô, cũng như bao người sống sót khác, nỗi đau chưa bao giờ nguôi.