2015 - năm ẩn chứa nhiều biến động

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời điểm này cách đây một năm, ngay cả những nhà phân tích lão luyện nhất cũng không thể đưa ra được dự đoán về sự bùng phát của dịch Ebola, sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, sự kiện Crimea sáp nhập vào Nga hay sự sụp đổ của giá dầu…

Ảnh hưởng và tác động của những yếu tố bất ngờ này đã để lại nhiều dấu ấn trong các bản dự báo đầy thận trọng về tình hình chính trị, ngoại giao, kinh tế thế giới trong năm 2015.

Sự hỗn loạn của thế giới Ả Rập

Xét về những tội ác mà IS gây ra sau 6 tháng xuất hiện, không ai dám dự đoán vào một kết cục thảm bại của tổ chức này trong năm 2015. Chiến dịch tiêu diệt IS của liên quân quốc tế vẫn được thực thi nhưng sẽ bị hạn chế đáng kể bởi tình hình ngân sách, các đấu đá trong nội bộ của các thành viên. Lực lượng an ninh Iraq chắc chắn sẽ tìm cách chiếm lại Mosul – một trong những nơi đặt đại bản doanh của IS nhưng kết quả của chiến dịch có khả quan hay không phụ thuộc rất lớn vào cách thức tổ chức lại quân đội Chính phủ và sự hợp tác của cộng đồng người Sunni. Tại Syria, tình hình phức tạp hơn rất nhiều với sự đến và đi của các liên minh đối lập với Chính phủ và sự bất hòa giữa các phái. Chiến thắng của quân đội Chính phủ trong cuộc chiến với IS để giành lại phần lãnh thổ phía Bắc Aleppo sẽ khó xảy ra, đi cùng với đó là khả năng IS mở rộng vùng chiếm đóng từ Syria tới sát vùng biên giới Lebanon nhằm thực hiện cuộc thanh trừng tôn giáo mà lãnh đạo tổ chức này đã nhiều lần tuyên bố.
Những người Kurd thiểu số tại Iraq di tản về phía biên giới Syria để tránh sự đàn áp của lực lượng IS.             Ảnh: REUTERS
Những người Kurd thiểu số tại Iraq di tản về phía biên giới Syria để tránh sự đàn áp của lực lượng IS. Ảnh: REUTERS
Sự gia tăng sức mạnh của IS từ Benghazi ở Libya tới Sanaa ở Yemen, sự bất ổn tại 4 quốc gia có vị trí địa chính trị quan trọng và tác động của sự trượt dốc của giá dầu là những yếu tố khiến thế giới Ả Rập có nguy cơ rơi vào hỗn loạn. Tình hình Libya tiếp tục xấu đi trong năm 2015 sẽ là nhân tố làm tăng lượng người di cư bất hợp pháp từ châu Phi tới Địa Trung Hải; giúp lực lượng Jihad đang ẩn nấp trong sa mạc củng cố sức mạnh và tác động tiêu cực đến Nigeria, Ai Cập. Trong thông điệp cuối năm 2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã khẳng định, trong 24 tháng cuối của nhiệm kỳ, ông sẽ không thực hiện bất kỳ hành động vội vã nào nhằm can thiệp vào Trung Đông, cũng là một chỉ dấu cho thấy, sự hỗn loạn của thế giới Ả Rập là rất nghiêm trọng.

IS cũng trở thành một nhân tố tác động tới các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Muốn sử dụng tầm ảnh hưởng lớn của Tehran trong thế giới Ả Rập buộc phương Tây phải có những nhượng bộ nhất định đối với chính quyền của Tổng thống Hassan Rouhani. Tuy nhiên, khoảng cách giữa Tehran với cộng đồng quốc tế vẫn còn rất sâu sắc và nhiều khả năng một thỏa thuận tạm thời sẽ được thông qua với những động thái nới lỏng lệnh trừng phạt từ phương Tây. Bước tiến này có lẽ là quá đủ đối với Tổng thống Hassan Rouhani – người luôn muốn cho người dân thấy khả năng có thể chấm dứt sự cô lập về chính trị, kinh tế kéo dài hàng chục năm qua.

Giá dầu – yếu tố quyết định

Hầu hết các dự báo đều có chung một đặc điểm là thế giới sẽ phải phụ thuộc rất nhiều vào Mỹ, Trung Quốc để thúc đẩy tăng trưởng trong năm nay. Goldman Sachs dự báo, Mỹ tăng trưởng 3% và Trung Quốc ở mức 7%, trong khi nhiều nước châu Âu phải rất vất vả để thoát khỏi vùng tăng trưởng âm. Nhân tố giá dầu mất giá hơn 40% đã cộng thêm cho tăng trưởng toàn cầu 1% nhưng năm 2015 sẽ chứng kiến một vài đợt hồi phục của giá dầu. Trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng tại các nước sản xuất, giá dầu sẽ lấy lại mức giá 100 USD/thùng.

Giá dầu tiếp tục giảm là tin tốt với châu Âu, Mỹ và Trung Quốc nhưng là một thảm họa đối với các nước phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ dầu mỏ như Nigeria, Nga và Venezuela. Theo ước tính, cứ mỗi USD giảm giá dầu thô, Venezuela sẽ mất 700 triệu USD doanh thu/năm, gây ra tình trạng nợ nần và không có nguồn thu để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu. Cuộc khủng hoảng giấy vệ sinh từ năm ngoái sẽ dần chuyển hóa sang cuộc khủng hoảng lúa mì, đường… và gây ra những sóng gió nhất định cho chính trường nước này. Tình hình của Nga cũng không mấy khả quan khi dầu mất giá nhưng sự chủ động đánh sập đồng Ruble của chính quyền trong “Ngày thứ Ba đen tối” cho thấy, Moscow hoàn toàn có khả năng đương đầu với những thách thức. 

Những nhân tố đột phá

Tất nhiên, bên cạnh những nhân tố chứa đựng nguy cơ bất ổn, trong các bản dự báo về tình hình toàn cầu năm 2015 đã xuất hiện nhiều yếu tố hứa hẹn sẽ mang tính đột phá, tác động lớn đến tương lai thế giới như các phát hiện của tàu thám hiểm tự hành Curiosity trên sao Hỏa, Internet vạn vật, các giao dịch thương mại lớn…

Trong những tuần cuối cùng của năm 2014, Curiosity không chỉ phát hiện một lượng lớn khí methane trong bầu khí quyển của sao Hỏa mà còn lần đầu tiên phát hiện các phân tử hữu cơ trong đất đá trên bề mặt của hành tinh này. Vì thế, các nhà khoa học dự báo, hành trình nhằm tìm dấu hiệu của sự sống trên sao Hỏa của tàu Curiosity trong năm 2015 có thể sẽ hé mở những hướng đi đột phá cho lịch sử vũ trụ thế giới và làm thay đổi tương lai của nhân loại.

Cuộc đua tranh của những “gã khổng lồ” về công nghệ trong những năm qua đã làm gia tăng lượng thiết bị kết nối internet và con số này trong năm 2020 được dự báo sẽ là 26 tỷ thiết bị từ máy tính đến điện thoại, đồng hồ thông minh… Sự cạnh tranh về khả năng lưu trữ, phục hồi dữ liệu, cải tiến công nghệ điện toán đám mây sẽ trở nên khốc liệt trong năm nay và cuộc chiến này tạo ra nguy cơ mà con người không hề mong muốn là 80% người lao động sẽ bị mất việc làm vào tay những robot, thiết bị vận hành thông minh.

Liên quan đến vấn đề kinh tế, một loạt thỏa thuận về giá, thuế suất đối với các sản phẩm công nghệ thông tin gần đây giữa Mỹ - Trung Quốc đã mở ra triển vọng về các giao dịch thương mại khổng lồ trong tương lai. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, một số nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil đã vươn lên thành một đối thủ độc lập trên sân chơi kinh tế toàn cầu nên rất khó để Mỹ hay EU đạt được các thỏa thuận thương mại theo hướng có lợi cho mình. Một loạt hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, xuyên khu vực và xuyên lục địa như Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP), Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) có khả năng sẽ về đích trong năm 2015 sau nhiều năm đàm phán kéo dài có khả năng sẽ làm biến đổi hoàn toàn cách thức thực hiện các giao dịch thương mại quốc tế.

Diễn biến trong những ngày đầu năm mới phần nào khẳng định các dự báo về sự biến động của các yếu tố chính trị, kinh tế, ngoại giao trong năm 2015 là chính xác và những nhân tố này tiếp tục thử thách khả năng, bản lĩnh của các quốc gia. Trong cuộc chơi lớn khó phân định thắng thua này, chỉ có sự chủ động, tỉnh táo mới giúp mỗi quốc gia nhận diện được nguy cơ, kịp thời ứng phó với thách thức, nhanh chóng chớp cơ hội để duy trì được sự ổn định, hòa bình, thịnh vượng cho mình.