4 điểm yếu của nền kinh tế Trung Quốc

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Thủ tướng Lưu Hạc, Thống đốc Ngân hàng trung ương Dịch Cương và các quan chức cấp cao khác của Trung Quốc đã công khai phản ánh những nguy cơ mà hệ thống tài chính của nền kinh tế thứ 2 thế giới đang phải đối mặt.

Khách hàng biểu tình phản đối việc đóng băng tiền gửi của các ngân hàng ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, tháng 7/2022. Ảnh: Reuters
Khách hàng biểu tình phản đối việc đóng băng tiền gửi của các ngân hàng ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, tháng 7/2022. Ảnh: Reuters

1. Kinh tế biến động

Trong khi tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý III/2022 của Trung Quốc gây bất ngờ với việc đạt 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái, so với 0,4% trong quý II, nền kinh tế nước này vẫn chậm lại trong tháng 10 vừa qua, được cho là bởi các biện pháp kiểm soát Covi-19 khắc nghiệt và nhu cầu chậm lại.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn lời Phó Thủ tướng Lưu Hạc, cố vấn kinh tế hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình, cho biết nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với "áp lực nhân 3" do nhu cầu thu hẹp, cú sốc nguồn cung và kỳ vọng suy yếu. Nhưng ông cũng nhấn mạnh, Trung Quốc sẽ không theo đuổi các biện pháp kích thích kinh tế "ào ạt như lũ".

Thay vào đó, trọng tâm chính sách của Bắc Kinh được cho sẽ là tránh biến động kinh tế lớn, trong khi hướng tới mục tiêu tăng trưởng "hợp lý". Ông Lưu nói: "Các yếu tố rủi ro trong một số lĩnh vực đang gia tăng, tốc độ già hóa cũng gia tăng, trong khi các lợi thế truyền thống như chi phí lao động đang yếu đi, các hạn chế về tài nguyên và môi trường đang bị thắt chặt và năng lực đổi mới khoa học - công nghệ chưa đủ mạnh".

"Điều cấp thiết là phải nỗ lực từ cả hai phía cung và cầu" - Phó Thủ tướng Trung Quốc nói, nhấn mạnh rằng cả chính sách tài khóa và tiền tệ phải được thực hiện kịp thời, và phải hành động ngay cả khi kỳ vọng của thị trường chưa ổn định.

2. Nguồn lực tài chính địa phương yếu

Suy yếu tài chính của chính quyền địa phương đang là mối quan tâm ngày càng tăng, một phần do chính sách zero-Covid của Trung Quốc đang tiêu tốn nguồn lực của địa phương, trong khi sự sụt giảm của thị trường bất động sản đã kéo tụt doanh thu của các chính quyền địa phương.

Theo số liệu của China Merchant Securities, nguồn thu ngân sách chung tại các chính quyền địa phương của Trung Quốc đã giảm 6,6% trong 9 tháng tháng đầu năm, trong khi chi phí tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Nợ chính quyền địa phương dự kiến ​​cũng sẽ đạt mức cao kỷ lục sau khi Bắc Kinh thúc đẩy chi tiêu nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng trong năm nay nhằm thúc đẩy nền kinh tế.

Bộ Tài chính Trung Quốc cũng đã thắt chặt giám sát đối với các nguồn tài trợ của chính quyền địa phương (LGFV) - nền tảng hỗ trợ các chính quyền cấp tỉnh huy động tiền mà không đưa nó vào bảng cân đối kế toán chính thức, làm dấy lên lo ngại về "nợ tiềm ẩn".

Hiện chưa có con số chính thức về quy mô nợ tiềm ẩn của các chính quyền địa phương ở Trung Quốc, mặc dù một số chuyên gia đã ước tính con số có thể đã lên hơn 40 nghìn tỷ Nhân dân tệ (5,52 nghìn tỷ USD).

Bộ trưởng Bộ Tài Chính Trung Quốc Lưu Cương cho biết, Chính phủ Bắc Kinh sẽ thúc đẩy việc giám sát rủi ro nợ tiềm ẩn, nhưng ông thừa nhận vẫn còn những thiếu sót trong kiểm soát ngân sách cũng như việc sử dụng các nguồn tài chính ở chính quyền trung ương.

"(Trung ương) cần tăng cường hướng dẫn và khuyến khích địa phương, và dần dần rút khỏi các lĩnh vực mà cơ chế thị trường có thể điều tiết hiệu quả" - Phó Thủ tướng Lưu Hạc nói, đề cập đến việc chuyển giao các quỹ của chính quyền trung ương.

Theo ông, các khoản điều chuyển đặc biệt từ chính quyền trung ương sẽ nhằm vào các khu vực yếu kém về tài chính, bao gồm miền Trung và miền Tây Trung Quốc, các khu vực biên giới và các khu vực chịu trách nhiệm về an ninh quốc phòng, an ninh lương thực và an ninh năng lượng.

3. Quy định thiếu sót

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cũng dẫn lời Chủ nhiệm Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc Quách Thụ Thanh, ông nhấn mạnh những rủi ro khác nhau trong hệ thống tài chính do nhà nước quản lý có thể đến từ sự khó lường của đại dịch hay suy thoái toàn cầu.

Ông nói rằng các ngân hàng và thị trường vốn của Trung Quốc vẫn chưa thể hỗ trợ đầy đủ cho nền kinh tế, sự luân chuyển dòng tiền yếu và việc mất kết nối giữa cung và cầu là những trở ngại cho sự phát triển chất lượng cao.

"Sự phát triển của Trung Quốc đã bước vào thời kỳ tồn tại những cơ hội, rủi ro và thách thức chiến lược" - ông Thanh nói, đồng thời phản ánh những khiếm khuyết trong việc quản lý các công ty công nghệ và các tổ chức tài chính của Trung Quốc. Kể từ cuối năm 2020, Bắc Kinh đã đưa ra các quy định chặt chẽ hơn đối với lĩnh vực công nghệ trong nước, nhằm kiềm chế quyền lực của một số "ông lớn" nước nhà.

"Vừa đảm bảo cạnh tranh công bằng, khuyến khích đổi mới công nghệ đồng thời ngăn chặn sự bành trướng gây mất trật tự là nhiệm vụ khó khăn mà chúng tôi đang phải đối mặt" - vị quan chức ngành ngân hàng Trung Quốc cho biết - "Bảo mật dữ liệu, chống độc quyền và các hoạt động mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng tài chính đã trở thành những mối quan tâm mới. Cách biệt giữa trình độ công nghệ tại các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp là rõ ràng".

Trong khi đó, hàng loạt vụ bê bối diễn ra tại các ngân hàng thương mại của Trung Quốc cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo. Vào tháng 7, hoạt động cho vay ở các ngân hàng phát triển nông thôn tại tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) đã dẫn đến các cuộc biểu tình của những người gửi tiết kiệm, khi khách hàng bị đóng băng tiền gửi trong hơn 4 tháng.

Ông Quách Thụ Thanh không nêu tên bất kỳ trường hợp cụ thể nào, nhưng cho biết sự thiếu minh bạch của cơ cấu cổ phần tại các tổ chức tài chính và quản trị công yếu kém là những dấu hiệu cho thấy "sự suy yếu dần về vai trò lãnh đạo của Đảng" trong lĩnh vực tài chính.

"Do đó, cần phải tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng địa phương đối với các tổ chức tài chính" - ông Thanh nói - "Nguồn lực giám sát tài chính nhìn chung vẫn còn thiếu, nhân tài giám sát chất lượng cao tương đối khan hiếm và tiêu chuẩn giám sát cơ sở còn rất yếu. Trong một số khía cạnh chính của quản trị tài chính, hiện vẫn chưa có đủ thẩm quyền pháp lý để làm điều đó".

4. Các gói cứu trợ dễ dãi của nhà nước

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) Dịch Cương, các tổ chức tài chính và cổ đông cần có trách nhiệm giải trình và có khả năng "tự giải cứu mình" trong lúc khó khăn.

Đã có một số gói cứu trợ lớn trong vài năm qua, bao gồm cho cả công ty quản lý tài sản nhà nước China Huarong Asset Management, đặt ra câu hỏi về việc Bắc Kinh sẽ còn đi đến đâu để cứu các công ty nhà nước của mình, khi nhiều công ty trong số đó đang phải gánh những khoản nợ không nhỏ.

China Huarong Asset Management - công ty đã mở rộng hoạt động kinh doanh ngoài mục đích ban đầu thông qua việc tăng cường vay nợ nước ngoài và lấn sân sang kinh doanh chứng khoán, cho vay thương mại và cho thuê - đã nhận được khoản bảo lãnh của nhà nước vào năm 2021 để tránh vỡ nợ hàng tỷ USD do các nhà đầu tư quốc tế nắm giữ. Chủ tịch tiền nhiệm của Huarong, Lại Tiểu Dân, đã bị tuyên án tử hình sau khi nhận tội hối lộ và tham ô, án đã được thi hành án hồi năm ngoái.

Ông Cương cho biết, một gói cứu trợ của nhà nước cần được xem xét vô cùng thận trọng để ngăn chặn rủi ro đạo đức, trong khi sự can thiệp của nhà nước cần được giảm thiểu.

"Các tổ chức tài chính nên thiết lập một cơ chế bổ sung vốn theo định hướng thị trường, trích lập các khoản dự phòng theo quy định của pháp luật, tăng cường nỗ lực xử lý các tài sản kém hiệu quả và hình thành một bảng cân đối kế toán lành mạnh" - Thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc nói - "Chúng ta phải cải thiện cơ chế khuyến khích và hạn chế, tôn trọng quyền hoạt động độc lập của các tổ chức tài chính, giảm can thiệp hành chính vào hoạt động kinh doanh của các tổ chức tài chính".