9 người chết và mất tích do thiên tai chỉ trong hơn 1 tuần qua

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù mới bước vào giai đoạn đầu của mùa mưa bão nhưng các loại hình thiên tai diễn biến rất phức tạp, để lại hậu quả nghiêm trọng tại nhiều tỉnh thành, nhất là khu vực phía Bắc.

Thống kê của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai sáng 9/7 cho biết, từ đầu tháng 7 đến nay, nước ta đã chịu ảnh hưởng của 6 trận mưa lớn; 5 trận mưa dông, lốc, sét; 10 vụ sạt lở bờ sông; 3 trận động đất; 1 trận gió mạnh trên biển.

Trong hơn 1 tuần qua, các loại hình thiên tai đã khiến ít nhất 9 người chết và mất tích; 5 người bị thương. Bên cạnh đó, 10 nhà dân bị sập đổ, 62 ngôi nhà hư hỏng, tốc mái, cùng 87 nhà dân bị ngập nước.

Hình ảnh 4 người dân thị xã Pắc Miầu (tỉnh Cao Bằng) trước khi bị lũ cuốn trôi những ngày đầu tháng 7/2022.
Hình ảnh 4 người dân thị xã Pắc Miầu (tỉnh Cao Bằng) trước khi bị lũ cuốn trôi những ngày đầu tháng 7/2022.

Sản xuất của người dân cũng chịu ảnh hưởng lớn. Riêng về nông nghiệp, 358ha lúa, 16ha hoa màu, 1ha cây trồng khác thiệt hại; 519 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Cùng với đó là 11ha nuôi trồng thuỷ sản; 6 phương tiện khai thác thủy, hải sản bị thiệt hại.

Mưa lớn kéo theo lũ quét gây hư hỏng nhiều cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Cụ thể, 20m kè, kênh mương; 214m bờ sông, bờ biển sạt lở. Ngoài ra, 87m đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng với 640m3 đất đá, bê tông bị sạt lở; 2 cầu bị hư hỏng. Thiệt hại về kinh tế ước tính gần 10 tỷ đồng.

Thống kê từ đầu năm 2022 đến nay, nước ta đã xảy ra 1 trận bão, 102 trận mưa lớn, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất, 101 trận dông lốc, 55 vụ sạt lở bờ sông, 134 trận động đất; 3 trận gió mạnh trên biển và 2 đợt rét đậm, rét hại.

Hồ chứa thuỷ điện liên tục phải xả lũ để bảo đảm an toàn hồ đập và vùng hạ du.
Hồ chứa thuỷ điện liên tục phải xả lũ để bảo đảm an toàn hồ đập và vùng hạ du.

Thiên tai từ đầu năm 2022 đã khiến 77 người chết và mất tích. 146 nhà dân bị sập đổ, 3.777 nhà hư hỏng, tốc mái. 168.432ha lúa, hoa màu ngập úng, thiệt hại; 17.582 con gia súc, 56.546 con gia cầm bị chết. 305 ghe, thuyền bị chìm, hư hỏng. 3.690ha diện tích nuôi trồng thủy sản, 8.803 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. 31 cầu tạm bị hư hỏng, cuốn trôi; sạt lở 25,047km đường giao thông. Thiệt hại về kinh tế ước khoảng 4.030 tỷ đồng.

Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Vũ Xuân Thành cho biết, để chủ động ứng phó thiên tai, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 1 chỉ thị về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; 2 công điện chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ; 1 công điện chỉ đạo tập trung ứng phó bão số 1 và mưa lũ.

17 đoàn công tác do lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Ban Chỉ đạo, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Phòng, chống thiên tai đã đi kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai và khắc phục hậu quả tại các địa phương. Đồng thời ban hành hàng chục văn bản chỉ đạo, điều hành...

Nhận định thời gian tới, diễn biến thiên tai còn phức tạp, khó lường, ông Vũ Xuân Thành đề nghị các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết. Rà soát phương án ứng phó với từng loại hình thiên tai trên tinh thần chủ động cao nhất, sẵn sàng theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm hạn chế tối đa thiệt hại có thể xảy ra.

Đọc tiếp