Trong tháng thứ hai liên tiếp, Ả Rập Saudi - nhà sản xuất hàng đầu của Tổ chức Xuất khẩu Dầu mỏ thế giới (OPEC) - đã tự nguyện gia hạn cắt giảm sản lượng dầu 1 triệu thùng/ngày thêm một tháng nữa, lần này là đến tháng 8.
Quyết định mới nhất sẽ đưa sản lượng của vương quốc dầu mỏ xuống gần 9 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất trong vài năm.
Theo tờ Oilprice, Ả Rập Saudi đã “đơn thương độc mã” hy sinh khối lượng bán ra để cứu giá dầu suy yếu, nhưng cho đến nay không mấy thành công.
Giá dầu Brent lao dốc 13% trong nửa đầu năm nay, về ngưỡng khoảng 75 USD/thùng, mặc dù Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và các nước sản xuất dầu chủ chốt khác, bao gồm Nga (được gọi là nhóm OPEC+) đã giảm mạnh nguồn cung.
Sau thông báo của Ả Rập Saudi, giá dầu đã khởi sắc hơn trong tuần này. Chốt phiên giao dịch ngày 5/7, giá dầu WTI tăng 2 USD, tương đương 2,9%, lên mức 71,79 USD/thùng. Giá dầu Brent cũng tăng 0,5%, lên mức 76.65 USD/thùng, sau khi tăng 1.60 USD/thùng vào ngày thứ Ba (04/07).
Tuy nhiên, các nhà giao dịch dầu mỏ vẫn hoài nghi hiệu quả từ việc tự nguyện giảm sản lượng của nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Marwan Younes, giám đốc đầu tư của quỹ phòng hộ Massar Capital Management, cho biết đà phục hồi của giá dầu chỉ duy trì trong ngắn hạn.
“Vấn đề là việc cắt giảm sản lượng diễn ra trong bối cảnh thị trường dầu mỏ đang chịu nhiều áp lực đi xuống, tác động sẽ bị hạn chế” - giám đốc chiến lược hàng hóa Ole Hansen tại Ngân hàng Saxo nói với tờ Wall Street Journal.
Theo CNBC, một cuộc khảo sát gần đây cho thấy hoạt động các nhà máy trên toàn cầu sụt giảm, phản ánh nhu cầu suy yếu ở Trung Quốc và châu Âu.
Vào tháng 6 vừa qua, các nhà đầu cơ dầu mỏ tại Phố Wall đã đặt cược giá dầu tiếp tục đi xuống, sau khi Ả Rập Saudi thông báo gia hạn việc tự nguyện giảm sản lượng lần thứ nhất.
Chuyên gia Jeff Currie của ngân hàng Goldman Sachs một lần nữa giảm dự báo giá dầu Brent giao tháng 12, lần này xuống còn 86 USD/thùng từ mức 95 và 100 USD trước đó.
Currie giải thích lý do giảm dự báo giá dầu Brent là vì nguồn cung tăng mạnh từ Nga, Iran và Venezuela cùng với rủi ro suy thoái cũng gia tăng.
Các nhà phân tích tại ngân hàng Citi Bank cũng khá bi quan khi nhận định việc cắt giảm của Riyadh khó có khả năng kéo giá dầu lên mức cao 80 hoặc 90 USD, do triển vọng nhu cầu mờ nhạt và nguồn cung ngoài OPEC tăng mạnh hơn vào cuối năm.
Vụ phá sản của Ngân hàng Silicon Valley (SVB) ở Mỹ vào tháng 3 đã kích hoạt dòng vốn ồ ạt chảy từ dầu sang kim loại quý khi giới đầu tư lo ngại xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính và ngân hàng mới.
Theo các nhà phân tích hàng hóa tại Standard Chartered, sự sụp đổ của SVB đã dẫn đến xu hướng bán khống nhanh chưa từng có trên thị trường dầu mỏ thế giới. Cụ thể, khối lượng bán khống đầu cơ đã tăng 6 lần so với giai đoạn sau sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers và Bear Stearns vào năm 2008.
Đúng như dự đoán của giới đầu cơ, giá dầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm chỉ trong vài ngày trước khi bắt đầu phục hồi chậm chập nhờ quyết định cắt giảm sản lượng tự nguyện của một số thành viên OPEC+ vào ngày 2/4.
Dự báo tích cực từ IEA
Mặc dù vậy, không phải tất cả đều đưa ra nhận định bi quan về thị trường “vàng đen”. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), mức tiêu thụ dầu toàn cầu vẫn đang trên đà tăng 2 triệu thùng/ngày trong năm nay, lên mức cao nhất mọi thời đại là 101,9 triệu thùng/ngày.
Lượng dầu tồn kho đang dần thắt chặt và sẽ tiếp tục cạn kiệt khi liên minh OPEC+ thực hiện các đợt cắt giảm sản lượng mới. Dự trữ dầu thô lần đầu tiên giảm xuống dưới mức trung bình 5 năm trong năm nay.
Trong tuần trước, nhu cầu xăng đã tăng 992 nghìn thùng/ngày, đạt mức cao nhất trong 15 tháng là 9,511 triệu thùng/ngày.
Bên cạnh đó, ngân hàng Standard Chartered dự đoán, việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ cuối cùng sẽ chấm dứt tình trạng dư thừa nguồn cung trên thị trường dầu mỏ toàn cầu trong vài tháng qua.
Theo các nhà phân tích, lượng lớn dầu dư thừa bắt đầu hình thành vào cuối năm 2022 và kéo dài sang quý I/2023. Theo ước tính, lượng dầu tồn kho hiện cao hơn 200 triệu thùng so với đầu năm 2022 và cao hơn 268 triệu thùng so với mức tối thiểu của tháng 6/2022.
Thậm chí, một số nhà phân tích dầu mỏ lạc quan hơn khi cho rằng lượng dư thừa nguồn cung trong 2 quý vừa qua sẽ biến mất vào tháng 11 tới nếu việc cắt giảm được duy trì cả năm. Trong một kịch bản thận trọng hơn, điều tương tự sẽ đạt được vào cuối năm nếu việc cắt giảm hiện tại được đảo ngược vào khoảng tháng 10 và vào thời điểm đó, dầu sẽ tăng giá.