Ả Rập Saudi đã chào đón ông Trump xa hoa như thế nào?
Kinhtedothi - Ả Rập Saudi đang phát đi tín hiệu muốn củng cố quan hệ toàn diện với Mỹ, khẳng định vai trò đối tác ưu tiên trong chiến lược khu vực và thu hút đầu tư quốc tế.
Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu chuyến công du Trung Đông với điểm dừng chân đầu tiên tại thủ đô Riyadh, nơi ông được tiếp đón bằng loạt nghi thức ngoại giao đặc biệt. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên trong nhiệm kỳ hai của ông, phản ánh vai trò ưu tiên của Ả Rập Saudi trong chính sách đối ngoại của Washington.
Ngay khi chuyên cơ Air Force One tiến vào không phận quốc gia Trung Đông, sáu tiêm kích F-15 của Không quân Hoàng gia được điều động hộ tống máy bay tổng thống đến sân bay quốc tế King Khalid. Tại nhà ga dành riêng cho nguyên thủ, Thái tử Mohammed bin Salman trực tiếp ra đón Tổng thống Trump. Cả hai cùng bước đi trên thảm tím - màu lễ nghi cấp cao của nước chủ nhà - trong lúc đoàn kỵ binh hộ tống và hàng danh dự trang nghiêm đứng chào dọc hai bên lối đi dẫn vào hoàng cung.

Sau lễ đón chính thức, Tổng thống Trump tham dự Diễn đàn Đầu tư Ả Rập Saudi - Mỹ, nơi quy tụ nhiều lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu như Elon Musk, Stephen Schwarzman, Jane Fraser và Jensen Huang. Tại sự kiện, ông được giới thiệu các dự án trọng điểm trong khuôn khổ tầm nhìn kinh tế dài hạn của nước chủ nhà, bao gồm “The Line” - đô thị thông minh kéo dài 100 dặm, và “Trojena” - khu nghỉ dưỡng trượt tuyết nằm giữa sa mạc. Những dự án này thể hiện quyết tâm của Riyadh trong việc giảm phụ thuộc vào dầu mỏ và thúc đẩy phát triển đa ngành.
Sau các nghi lễ chính thức, Thái tử Mohammed bin Salman đưa Tổng thống Trump tham quan “phòng trưng bày ký ức” - không gian lưu giữ những cột mốc quan trọng trong quan hệ giữa Mỹ và Ả Rập Saudi. Nơi đây trưng bày nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, trong đó có bàn làm việc do Tổng thống Harry S. Truman tặng Vua Abdulaziz và bức ảnh ghi lại cuộc gặp năm 1945 giữa nhà vua và Tổng thống Franklin D. Roosevelt - sự kiện được xem là điểm khởi đầu cho mối quan hệ đồng minh chiến lược giữa hai nước.
Tiếp đó, Thái tử của Ả Rập Saudi đích thân lái xe điện đưa Tổng thống Trump tham quan khu Diriyah - di sản được UNESCO công nhận, hiện đang được quy hoạch thành tổ hợp văn hóa - thương mại với tổng vốn đầu tư khoảng 60 tỷ USD. Giới phân tích đánh giá đây là cử chỉ mang tính biểu tượng, thể hiện cam kết của Riyadh trong việc đặt quan hệ đối tác với Mỹ vào vị trí then chốt trong chiến lược phát triển dài hạn của quốc gia.
Tổng thống Trump nghỉ đêm tại khách sạn Ritz - Carlton Riyadh - nơi từng được sử dụng làm nơi lưu trú cho các nguyên thủ quốc gia trong các dịp đặc biệt. Đây cũng chính là khách sạn ông Trump từng ở trong chuyến thăm Ả Rập Saudi năm 2017.
Chuyến công du lần này diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Trump đang củng cố vị thế quốc tế sau một năm đầy biến động trong nước. Theo giáo sư Gregory Gause, chuyên gia về chính trị Trung Đông tại Đại học Texas A&M, việc Riyadh dành cho ông Trump một loạt nghi thức ngoại giao đặc biệt là “tín hiệu rõ ràng cho thấy Ả Rập Saudi coi trọng mối quan hệ cá nhân và chính trị lâu dài với nhà lãnh đạo Mỹ, đồng thời muốn khẳng định vai trò đối tác chủ chốt trong chiến lược toàn cầu của Washington.”
“Đây không chỉ là một nghi thức tiếp đón trọng thị mà còn là cách Riyadh cho thấy họ đang đầu tư vào một mối quan hệ ổn định và có thể dự đoán trong bối cảnh địa chính trị ngày càng phức tạp” - ông Gause nhận định.

Mỹ và Ả rập Saudi đạt thỏa thuận đầu tư 600 tỷ USD
Kinhtedothi - Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thái tử Ả rập Saudi Mohammed bin Salman trong ngày 13/5 đã ký một loạt thỏa thuận hợp tác kinh tế và quốc phòng trị giá 600 tỷ USD, đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ song phương giữa hai quốc gia.

Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng tại Mỹ Latinh giữa căng thẳng thương mại
Kinhtedothi - Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại toàn cầu lheo thang, Trung Quốc đang thể hiện quyết tâm tăng cường ảnh hưởng tại khu vực Mỹ Latin và Caribe bằng chiến lược đầu tư sâu rộng, hợp tác toàn diện và lời kêu gọi vì một trật tự thế giới công bằng hơn.

Mỹ lên kế hoạch dỡ bỏ lệnh trừng phạt Syria
Kinhtedothi - Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ chấm dứt lệnh trừng phạt đối với Syria, đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực bình thường hóa quan hệ với chính quyền mới tại Damascus sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.