Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ả Rập Saudi tuyên bố “không chịu trách nhiệm” nếu giá dầu leo dốc

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới Ả Rập Saudi cho biết họ "không chịu bất kỳ trách nhiệm nào" về sự thiếu hụt nguồn cung dầu toàn cầu.

AP đưa tin, cơ quan Báo chí Nhà nước Ả Rập Saudi dẫn lời Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố "họ sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào đối với sự thiếu hụt nguồn cung dầu cho thị trường toàn cầu sau các cuộc tấn công của lực lượng phiến quân Houthi vào các cơ sở dầu mỏ”.

Bộ Năng lượng Ả Rập Saudi thừa nhận sản lượng dầu ở Yanbu sẽ tạm thời giảm khoảng 400.000 thùng/ngày. Ảnh: AP
Bộ Năng lượng Ả Rập Saudi thừa nhận sản lượng dầu ở Yanbu sẽ tạm thời giảm khoảng 400.000 thùng/ngày. Ảnh: AP

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ả Rập Saudi nêu rõ: "Cộng đồng quốc tế phải đảm nhận trách nhiệm bảo tồn nguồn cung cấp năng lượng nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công gây nguy hiểm nhằm vào năng lực sản xuất của vương quốc dầu mỏ và khả năng thực hiện các cam kết của mình".

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh các cuộc tấn công dữ dội của phiến quân Houthi ở Yemen đã làm ảnh hưởng đến sản lượng dầu tại vương quốc này.

Theo Bộ Năng lượng Ả Rập Saudi, hôm 20/3, lực lượng phiến quân Houthi đã tiến hành một trong những cuộc tấn công dữ dội nhất tại nước này, làm gián đoạn hoạt động sản xuất tại nhà máy lọc dầu Yasref ở cảng Yanbu.

Hiện chưa có con số cụ thể về mức độ thiệt hại do cuộc tấn công trên. Tuy nhiên, Bộ Năng lượng Ả Rập Saudi thừa nhận sản lượng dầu ở Yanbu sẽ tạm thời giảm khoảng 400.000 thùng/ngày.

Tuyên bố nói trên cho thấy sự thay đổi rõ rệt so với các phát ngôn thận trọng thường thấy của nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới. Giới chức Ả Rập Saudi nhận thức được rằng ngay cả những bình luận nhỏ nhất của họ cũng có thể làm thay đổi giá dầu và khiến thị trường nhiên liệu biến động mạnh.

Hiện chính quyền Riyadh vẫn đang bế tắc và chưa thể đạt được một thỏa thuận hạn chế việc tăng sản lượng với Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và các nước sản xuất dầu chủ chốt khác.

Các quốc gia sản xuất dầu vùng Vịnh cho đến nay vẫn từ chối lời kêu gọi bơm thêm dầu thô do Mỹ đưa ra nhằm kiềm chề đà tăng của giá dầu trong bối cảnh cuộc xung đột Nga-Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Giá xăng dầu đã đạt mức cao kỷ lục trên thế giới. Theo Hiệp hội ô tô Mỹ (AAA), giá xăng ở nước này đạt mức cao nhất 4,25 USD/gallon (3,78 lít) vào ngày 21/3, sát mốc kỷ lục 4,33 USD hồi đầu tháng.

Sau khi leo dốc trong phiên đầu tuần, giá dầu tiếp tục đi lên trong phiên ngày 22/3, giữa bối cảnh một số thành viên thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang thảo luận về khả năng ban hành lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Nga và lo ngại về tình trạng gián đoạn nguồn cung tại Ả Rập Saudi.

Giá dầu Brent cộng 0.2% lên mức 115,88 USD/thùng, còn giá dầu WTI trượt nhẹ về còn 112,02 USD. Cả hai mặt hàng dầu này đều leo dốc hơn 7% trong phiên ngày thứ Hai.

Các ngoại trưởng EU đang chia rẽ về việc có nên tham gia với Mỹ trong việc cấm vận dầu thô từ Nga hay không, khi một số nước trong đó có Đức cho rằng khối này đang quá phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.

Về nguồn cung, báo cáo mới nhất từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, còn gọi là OPEC+, cho thấy một số thành viên vẫn đang thiếu hạn ngạch theo thỏa thuận tăng dần sản lượng đã được thống nhất trước đó. Theo báo cáo trên, sản lượng của OPEC trong tháng 2 vừa qua thấp hơn mức mục tiêu hơn 1 triệu thùng/ngày.

Trong khi đó, tại Mỹ, các công ty năng lượng vẫn đang gặp khó khăn trong việc gia tăng số giàn khoan hoạt động, bất chấp giá dầu tăng kỷ lục trong thời gian gần đây.

Triển vọng nguồn cung yếu và giá tăng đã khiến Cơ quan Năng lượng Quốc tế hôm 18/3 đưa ra các biện pháp để cắt giảm 2,7 triệu thùng dầu/ngày trong vòng 4 tháng - bao gồm đi chung xe, giới hạn tốc độ thấp hơn và sử dụng các phương tiện giao thông công cộng giá rẻ.