Theo đó, việc từ chức đã được thống nhất xong xuôi, khi căn bệnh viêm loét đại tràng mạn tính của ông Abe đang có dấu hiệu tái phát, khiến nhà lãnh đạo đã phải nhập viện 2 lần chỉ trong 1 tuần.
Ông Abe từng từ chức ngay từ nhiệm kỳ Thủ tướng đầu tiên của mình vào năm 2007, với lý do sức khỏe kém sau một năm vướng vào những bê bối trong nội các của mình, kéo theo thất bại bầu cử lớn đối với đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông.
Tháng 12/2012, Shinzo Abe trúng cử Thủ tướng Nhật Bản một lần nữa, với cam kết phục hồi tăng trưởng kinh tế bằng chương trình kích thích "Abenomics" - sự kết hợp của chính sách tiền tệ nới lỏng, cải cách và chi tiêu tài khóa. Ông cũng cam kết tăng cường khả năng phòng thủ của Nhật Bản và sửa đổi hiến pháp theo chủ nghĩa hòa bình.
Trong bối cảnh khủng hoảng do đại dịch Covid-19, Nhật Bản vừa chứng kiến mức sụt giảm kinh tế kỷ lục trong quý II/2020, do tiêu dùng trong nước và nhu cầu của thế giới đối với ô tô, cũng như các mặt hàng xuất khẩu khác của nước này giảm mạnh.
Giữa tin đồn từ chức gần đây, ông Abe dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp báo lúc 5 giờ chiều 28/8 (15 giờ chiều nay - giờ Việt Nam).
Việc Thủ tướng Abe từ chức sẽ kích hoạt một cuộc chạy đua lãnh đạo trong LDP, và người chiến thắng phải được bầu chính thức tại Quốc hội. Và vị lãnh đạo tiếp theo của Nhật Bản có khả năng sẽ đột ngột điều chỉnh mọi thứ, từ quan hệ với Trung Quốc đến chính sách tiền tệ... Dưới đây là một số người kế nhiệm Thủ tướng Abe tiềm năng lúc này:
Cựu Bộ trưởng quốc phòng Shigeru Ishiba, 63 tuổi
Nhật Bản sẽ không tổ chức bầu cử quốc gia cho đến năm 2021, vì vậy khả năng một nhà lãnh đạo mới của LDP sẽ kế nhiệm Thủ tướng Abe. Các cuộc thăm dò cho thấy ông Ishiba là lựa chọn hàng đầu của các cử tri.
Shigeru Ishiba là một người ủng hộ các chính sách kinh tế được coi là dân túy hơn ông Abe, từng phê phán thực trạng "của cải đang tích lũy trong tay của các cổ đông và chủ sở hữu DN", Ông cũng nghi ngờ về tính bền vững của chính sách tiền tệ của Ngân hàng T.Ư Nhật Bản.
Trên mặt trận quốc tế, Shigeru Ishiba đã đồng hành với Thủ tướng Abe trong việc cố gắng duy trì mối quan hệ ổn định với Bắc Kinh. Tháng trước, ông Ishiba cũng kêu gọi một nhóm LDP suy nghĩ về hậu quả của việc họ kêu gọi hủy chuyến thăm cấp nhà nước đã lên kế hoạch tới Tokyo của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Tuy nhiên, Shigeru Ishiba được cho tỏ ra nhiều do dự hơn Shinzo Abe về việc cố gắng thay đổi hiến pháp hòa bình của đất nước.
Bộ trưởng quốc phòng Taro Kono, 57 tuổi
Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm Kono là người nói tiếng Anh thành thạo và tốt nghiệp ĐH Georgetown. Ông có quan điểm tương đối cứng rắn với Trung Quốc, khi mới đây đã thúc đẩy việc hợp tác chặt chẽ giữa Nhật Bản với liên minh tình báo Five Eyes - bao gồm Mỹ, Canada, Anh, Australia và New Zealand.
Năm 2017, Taro Kono từng thúc giục Ngân hàng T.Ư Nhật Bản vạch ra một chiến lược để loại bỏ chính sách tiền tệ nới lỏng. Ông cũng được biết đến là người ủng hộ các chính sách cắt giảm chi phí quân sự, để từ đó hủy bỏ kế hoạch triển khai lá chắn phòng thủ tên lửa đạn đạo Mỹ Aegis Ashore năm nay. Động thái này đã được các cử tri ủng hộ mạnh mẽ.
Cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida, 63 tuổi
Thủ tướng Abe từng ca ngợi ông Kishida là một nhà lãnh đạo tiềm năng, bổ nhiệm ông làm Ngoại trưởng Nhật Bản và sau đó là một vị trí cấp cao trong đảng LDP. Tuy nhiên, dù được coi là ôn hòa hơn ông Abe, ông Kishida được cho đã ký một thỏa thuận xấu với Hàn Quốc vào năm 2015 về việc chấm dứt tranh cãi giữa 2 nước trong vấn đề phụ nữ mua vui phục vụ quân đội Nhật trong Thế chiến II.
Về vấn đề kinh tế, cựu nhân viên ngân hàng Fumio Kishida chủ trương thúc đẩy lãi suất ở mức thấp, đồng thời kêu gọi chi tiêu dồi dào để chống lại cuộc khủng hoảng hiện nay của Nhật Bản, nhưng khuyến cáo thận trọng với ý tưởng cắt giảm thuế. Ông cũng đề cập đến tầm quan trọng của việc tái thiết lập kỷ luật tài khóa trong tương lai.
Chánh Văn phòng nội các Yoshihide Suga, 71 tuổi
Đảm nhiệm Chánh văn phòng nội các - "cánh tay phải" của ông Abe - kể từ năm 2012, ông Suga được xem là người luôn thay thế mỗi khi Thủ tướng đột ngột vắng mặt vì bất cứ lý do gì, bao gồm cả tình huống hồi năm 2007.
Mặc dù Yoshihide Suga hiếm khi đưa ra một nền tảng chính sách thay thế, nhưng ông được cho đã thúc đẩy các vấn đề cụ thể, bao gồm các khoản trợ cấp gây tranh cãi của chính phủ cho việc đi lại trong nước trong bối cảnh đại dịch.
Bộ trưởng Tài chính Taro Aso, 79 tuổi
Tương tự ông Suga, Taro Aso cũng là một thành viên quan trọng trong bộ máy của Thủ tướng Abe. Ông cũng là Phó thủ tướng lâu năm nhất của Nhật Bản, nhưng với độ tuổi của mình, ông khó có khả năng đóng vai trò Thủ tướng quá lâu.
Ông Aso cũng được cho đã có 1 năm không thành công trong vai trò Phó Thủ tướng nhiệm kỳ 2008 - 2009, khi Đảng Dân chủ giành chiến thắng vượt trội trước LDP.