Đoàn Việt Nam do Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, đồng thời là Thống đốc phụ khuyết của Việt Nam tại AIIB làm Trưởng đoàn tham dự Hội nghị.
Tinh gọn, trong sạch và thân thiện môi trường
AIIB có sự tham gia của 80 quốc gia thành viên, được thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu khoảng 26.000 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng khu vực châu Á cho tới năm 2030. Khai mạc Hội nghị, Chủ tịch AIIB, ông Kim Lập Quần cho biết, trong vòng 1,5 năm kể từ sau khi ra đời, với nỗ lực không mệt mỏi của Ban Quản trị và toàn thể đội ngũ cán bộ, AIIB đang dần khẳng định được hiệu quả của mình với mô hình ngân hàng hợp tác đa phương hiện đại theo phương châm “tinh gọn, trong sạch và thân thiện môi trường”, đồng thời bày tỏ hy vọng Hội nghị sẽ là dịp để các Thống đốc đại diện cho các nước thành viên cùng tìm kiếm những hướng đi chiến lược và đưa ra các quyết định lớn về việc quản trị ngân hàng.
AIIB sẵn sàng hỗ trợ vốn cho Việt Nam
Dự kiến từ nay đến cuối năm, AIIB sẽ tiếp tục xem xét kết thêm các thành viên mới khác. Về kết quả hoạt động, AIIB đã phê duyệt tài trợ cho 16 chương trình/dự án với tổng trị giá khoảng 2,5 tỷ USD và tại Hội nghị, lần đầu tiên Ban Giám đốc AIIB đã chính thức phê duyệt khoản góp vốn trị giá 150 triệu USD với khu vực tư nhân để đầu tư một dự án kết nối cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn tại Ấn Độ, qua đó khẳng định quyết tâm tăng cường hợp tác với khu vực tư nhân trong các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Chủ tịch AIIB Kim Lập Quần khẳng định sẽ sẵn sàng đồng hành hỗ trợ Việt nam trong các chương trình dự án đầu tư cơ sở hạ tầng. AIIB có thể áp dụng các hình thức linh hoạt để đáp ứng nhu cầu thực tế của Việt Nam và hỗ trợ sự tham gia của khu vực tư nhân.Cụ thể, AIIB sẵn sàng tập trung hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên, huy động vốn, hỗ trợ khu vực tư nhân, phối hợp và hỗ trợ chính sách. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đánh giá cao những khuyến nghị, tư vấn chính sách của AIIB thời gian qua. Trong đó, AIIB nhấn mạnh về sự cần thiết phải tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng thị trường; phát triển các cơ chế chính sách hấp dẫn để thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư cho cơ sở hạ tầng từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước để từng bước thay thế nguồn vốn ODA.