Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ám ảnh nguy cơ suy thoái, chứng khoán Mỹ giao dịch ảm đạm

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ trái chiều trong phiên đầu tuần khi giới đầu tư vẫn lo ngại rủi ro suy thoái kinh tế do chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh tay của Fed.

Chứng khoán Mỹ trái chiều trong phiên đầu tuần. Ảnh: AP
Chứng khoán Mỹ trái chiều trong phiên đầu tuần. Ảnh: AP

Chốt phiên giao dịch ngày 24/4, chỉ số Nasdaq Composite sụt 0,29% xuống còn 12.037,20 điểm, trong khi đó, chỉ số Dow Jones cộng 0,2% lên 33.875,40 điểm và S&P 500 nhích 0,09% lên 4.137,04 điểm.

Trong phiên giao dịch này, giới đầu tư thận trọng chờ đợi kết quả lợi nhuận của các công ty công nghệ vốn hóa lớn, đánh dấu nửa chặng đường của mùa báo cáo lợi nhuận quý I/2023.

Alphabet, Amazon và Meta Platforms, vốn chiếm hơn 14% giá trị của chỉ số chuẩn S&P 500, dự kiến ​​báo cáo kết quả kinh doanh quý I trong tuần này.

Chuyên gia Chris Harvey, Trưởng bộ phận chiến lược chứng khoán tại Wells Fargo Securities, nhận định trên đài CNBC: “Thị trường Phố Wall đang chờ đợi kết quả lợi nhuận từ các công ty công nghệ. Đây là một tuần rất sôi động về số liệu lợi nhuận, do đó chúng tôi đang hành động rất thận trọng”.

Cổ phiếu dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin là những nhóm tăng mạnh nhất trong 11 nhóm ngành thuộc chỉ số S&P 500 từ đầu năm đến nay khi lần lượt leo dốc 19% và 18%.

Đà phục hồi của nhóm cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn đã tạo lực đẩy quan trọng cho chứng khoán Mỹ trong những tháng đầu năm. Chính vì vậy, nhà đầu tư lo ngại sự hỗ trợ này khó có thể được duy trì trước nguy cơ kinh tế Mỹ giảm tốc.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã trụ vững trong giai đoạn đầu của mùa báo cáo tài chính nhờ kết quả kinh doanh tốt hơn dự báo của các ngân hàng lớn.

Trong số những công ty thuộc chỉ số S&P 500 đã công bố kết quả kinh doanh, khoảng 76% có lợi nhuận vượt dự báo của giới phân tích, theo số liệu của FactSet. Tuy nhiên, các chuyên gia thị trường đang dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp S&P 500 trong quý I/2023 giảm 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Refinitiv.

Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng theo dõi chặt chẽ dữ liệu kinh tế mới để xem liệu lạm phát có hạ nhiệt hay không, và liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp vào đầu tháng 5. Số liệu GDP quý I và tâm lý người tiêu dùng tháng 4 sẽ được công bố trong tuần này.

Nếu lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt và tăng trưởng kinh tế sa sút, Ngân hàng trung ương Mỹ có thể sớm dừng chiến dịch nâng lãi suất và chuyển sang chính sách nới lỏng tiền tệ.

Chiến lược gia về đầu tư John Stoltzfus của Công ty tư vấn Oppenheimer cho rằng, nhà đầu tư Phố Wall trong tuần này sẽ duy trì tâm lý thận trọng chờ đợi những số liệu kinh tế trước thềm cuộc họp chính sách của Fed vào ngày 2-3/5 tới.

“Thị trường chứng khoán Mỹ trong những phiên giao dịch tới sẽ ảnh hưởng một phần từ những suy đoán về chính sách điều hành lãi suất của Fed tại cuộc họp tới” – ông Stoltzfus cho hay.

Theo chuyên gia Stoltzfus, đà phục hồi của thị trường cổ phiếu trong ngắn hạn đang chịu áp lực trước những lo ngại về thời gian Fed tiếp tục tăng lãi suất, và liệu những nỗ lực kiềm chế lạm phát của Ngân hàng trung ương Mỹ có đẩy nền kinh tế vào suy thoái hay không.