Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Vì sao đồng ruble sinh lời mạnh nhất năm 2025?

Kinhtedothi - Các nhà phân tích cho rằng yếu tố địa chính trị và các quyết định kịp thời về chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nga đã giúp đồng ruble Nga trở thành đồng tiền có hiệu suất tốt nhất toàn cầu trong năm 2025, vượt qua cả các tài sản trú ẩn truyền thống như vàng và đồng USD.

Theo đài RT, đồng ruble đã tăng tới 38% so với đồng USD kể từ đầu năm, đánh dấu sự trở lại ngoạn mục của đồng nội tệ Nga vốn chịu áp lực nặng nề từ các lệnh trừng phạt của phương Tây trong hơn 3 năm qua.

Đồng ruble Nga đã vượt qua các tài sản trú ẩn truyền thống như vàng, và bỏ xa các loại tiền tệ hàng đầu khác như USD, trở thành đồng tiền có hiệu suất sinh lời tốt nhất toàn cầu trong năm 2025.

Đồng ruble Nga ở thành đồng tiền có hiệu suất sinh lời tốt nhất toàn cầu trong năm 2025. Ảnh: Tass

Đà phục hồi ấn tượng của đồng ruble diễn ra trong bối cảnh hệ thống tài chính toàn cầu đang có những thay đổi lớn, khi các đồng tiền của thị trường mới nổi đang chịu áp lực lớn từ sự thận trọng của giới đầu tư. Tuy nhiên, đồng ruble lại đi ngược xu hướng của thị trường mới nổi.

Đà tăng của đồng ruble cũng vượt qua cả vàng – tài sản từ lâu được coi là nơi trú ẩn an toàn – vốn đã tăng khoảng 23% lên mức cao kỷ lục kể từ tháng 1 vừa qua.

Các chuyên gia cho rằng sự bứt phá của đồng ruble là nhờ sự kết hợp giữa các biến động địa chính trị và các chính sách điều hành tiền tệ hiệu quả của Ngân hàng Trung ương Nga, thu nhập xuất khẩu ổn định.

“Không giống nhiều đồng tiền khác tại thị trường mới nổi, đồng ruble không chịu áp lực từ việc giới đầu tư tháo chạy khỏi tài sản rủi ro. Việc kiểm soát vốn đã giúp Nga gần như miễn nhiễm khỏi tình trạng này” – chuyên gia kinh tế Sofya Donets tại T-Investments nhận định.

Trên thực tế, chính phủ Nga đã áp đặt các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt về tỷ giá và dòng vốn kể từ khi bị phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt vào năm 2022.

Một trong những yếu tố chính giúp củng cố sức mạnh của đồng ruble là chính sách lãi suất quyết liệt của Ngân hàng Trung ương Nga. Vào tháng 10/2024, ngân hàng này đã nâng lãi suất chủ chốt lên mức kỷ lục 21% để kiềm chế lạm phát và vẫn duy trì ở mức đó đến nay.

Các chuyên gia cho rằng động thái này đã làm giảm nhu cầu nhập khẩu, theo đó, giảm nhu cầu ngoại tệ. “Việc làm giảm nhu cầu hàng nhập khẩu thông qua lãi suất cao đã gián tiếp hỗ trợ đồng ruble” - các chuyên gia tại Istar Capital nhận định.

Trong khi đó, các quy định yêu cầu các nhà xuất khẩu phải chuyển đổi một phần thu nhập ngoại tệ sang đồng ruble – một biện pháp được đưa ra nhằm đối phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây – cũng góp phần tăng cường sức mạnh cho đồng nội tệ của Nga.

Các nhà phân tích cũng nhấn mạnh rằng sự “tan băng” trong quan hệ Nga- Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump nhờ các nỗ lực chung nhằm giải quyết cuộc xung đột tại Ukraine, đã làm gia tăng sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường Nga và đồng ruble.

Gạt bỏ những rủi ro từ lệnh cấm vận, các nhà đầu tư nước ngoài đang chuyển hướng sang các quốc gia vẫn giữ mối quan hệ tốt với Nga để tiếp cận đồng ruble, ông Iskander Lutsko, Giám đốc nghiên cứu và quản lý danh mục đầu tư tại Istar Capital có trụ sở tại Dubai cho biết.

Đà tăng của đồng ruble diễn ra trong bối cảnh đồng USD lao dốc, chạm mức thấp nhất 6 tháng vào ngày 14/4 sau khi Washington công bố các đợt tăng thuế mới.

Vào đầu tháng này, Tổng thống Trump đã viện dẫn lý do các thực tiễn thương mại không công bằng quyết định áp thuế đối ứng với hàng hóa nhập khẩu từ gần 90 quốc gia.

Mặc dù ông Trump đã tạm dừng phần lớn các mức thuế mới trong vòng 90 ngày – trừ đối với Trung Quốc – nhưng các thị trường tài chính toàn cầu đã bị ảnh hưởng nặng nề.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng gói thuế “có đi có lại” của Nhà Trằng đã làm lung lay niềm tin của giới đầu tư vào tài sản Mỹ và làm dấy lên nghi ngờ về vai trò trú ẩn an toàn của đồng USD cũng như trái phiếu chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, đồng ruble lại tương đối miễn nhiễm với cuộc chiến thuế quan, bởi Nga không phải là đối tượng bị nhắm tới.

Một số nhà phân tích nhận định, các yếu tố hỗ trợ cho đồng ruble có khả năng sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Theo chuyên gia Lutsko, hiện tại không có bất kỳ yếu tố nào có thể khiến đồng ruble suy yếu trong quý tới khi khả năng hạ lãi suất chưa được Ngân hàng Trung ương Nga tính đến.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Đâu là “chất kích thích” cho đà tăng kỷ lục của giá vàng?

Đâu là “chất kích thích” cho đà tăng kỷ lục của giá vàng?

17 Apr, 09:13 PM

Kinhtedothi - Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng đã leo dốc hơn 25%, ghi nhận đợt tăng mạnh nhất trong vòng một thập kỷ qua. Nguyên nhân là do căng thẳng thương mại, kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất và lực mua mạnh của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ