Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

AmCham sẽ thúc đẩy thương mại-đầu tư Hoa Kỳ tại Việt Nam

Đỗ Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-AmCham sẽ tập trung giảm bớt các rào cản thương mại và xây dựng môi trường kinh doanh tiêu chuẩn cao, minh bạch và ổn định ở Việt Nam.

Ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham Việt Nam) đồng chủ tịch AmCham Hà Nội chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị những kế hoạch và kỳ vọng của ông về mối quan hệ hợp tác ngày càng phát triển giữa hai nước trong nhiệm kỳ mới của ông tại Việt Nam.

Ông John Rockhold-Chủ tịch AmCham Việt Nam (Trái) và ông Adam Sitkoff-Giám đốc điều hành Amcham Hà Nội. Ảnh: AmCham
Ông John Rockhold-Chủ tịch AmCham Việt Nam (Trái) và ông Adam Sitkoff-Giám đốc điều hành Amcham Hà Nội. Ảnh: AmCham

Chúc mừng ông với vai trò mới tại AmCham Vietnam. Ông có thể chia sẻ cảm xúc của ông khi đảm nhận cương vị mới này?

Cám ơn những lời tốt đẹp của bạn. Trở lại đầu năm 1994, cùng thời điểm Amazon được thành lập và ca sỹ trẻ tuổi Justin Bieber đang bắt đầu nổi lên, một nhóm thương nhân Hoa Kỳ đã tổ chức cuộc gặp gỡ đầu tiên của AmCham tại khách sạn Dragon gần hồ Tây, Hà Nội. Cuộc gặp gỡ trên là khởi đầu cho các cuộc họp hàng tháng trên tầng cao nhất của khách sạn Quân đội ở thủ đô Hà Nội.

Chúng tôi đã tổ chức nhiều hoạt động cho các thành viên AmCham từ những ngày đầu tiên đó, bao gồm cuộc giao lưu với các quan chức chính phủ đến thăm, trò chơi bóng mềm, bữa tối truyền thống trong ngày lễ Tạ ơn trong hội trường cũ của khách sạn Metropole và lễ kỷ niệm Ngày Độc lập đầu tiên của Hoa Kỳ hơn 40 năm qua tại Hà Nội.

Kể từ đó, các thành viên của AmCham đã đóng góp đáng kể vào sự chuyển đổi và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Với vị trí Chủ tịch AmCham, nơi được xem là tiếng nói của các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam, tôi sẽ thúc đẩy các hoạt động của hiệp hội nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh cạnh tranh và bền vững cho các công ty và nhà đầu tư tại đây.

Tôi rất mong hợp tác với các đồng nghiệp AmCham của mình để đảm bảo sự thành công liên tục của tổ chức.

Ông cho biết kế hoạch cụ thể để phát triển mối quan hệ hợp tác kinh doanh và đầu tư giữa doanh nghiệp Hoa Kỳ và Việt Nam trong nhiệm kỳ này?

Sứ mệnh của chúng tôi là tăng cường thương mại và đầu tư giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, bán lẻ, giáo dục, sản xuất, dịch vụ và lĩnh vực phi lợi nhuận được thống nhất, bằng một cam kết chung dựa trên các nguyên tắc thương mại tự do, thị trường mở, khối doanh nghiệp tư nhân và luồng thông tin mở.

Chúng tôi hỗ trợ các thành viên đạt được thành công thông qua việc tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, tăng cường quan hệ thương mại song phương và cung cấp các hoạt động và thông tin chất lượng cao cho các thành viên. AmCham cung cấp thông tin thương mại và hướng dẫn cho các công ty đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới hoặc cho những doanh nhân mong muốn hoạt động kinh doanh hay đầu tư tại Việt Nam hoặc tại Hoa Kỳ, cũng như trở thành một diễn đàn - nơi có thể trao đổi kiến ​​thức và kinh nghiệm giữa các thành viên và các diễn giả nổi tiếng.

Gần đây, chúng tôi đã làm việc để tăng cường quan hệ hợp tác với nhiều tỉnh thành ở Việt Nam và đã thành lập các chi hội nhỏ ở khu vực miền Trung, góp phần phát triển quan hệ thương mại và đầu tư song phương.

Được xem là các nhà đầu tư lớn tại Việt Nam, các công ty Hoa Kỳ dành sự quan tâm đến sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Chúng tôi tin rằng xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi chính là thông qua các hành động tăng năng suất và giảm chi phí cũng như rủi ro cho doanh nghiệp kinh doanh tại Việt Nam.

Quan trọng hơn, việc giảm chi phí và mức độ phức tạp của hoạt động kinh doanh sẽ có lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam - nhiều trong số đó là các doanh nghiệp nhỏ - để thúc đẩy tinh thần kinh doanh, điều này sẽ đảm bảo khả năng cạnh tranh và tăng trưởng của Việt Nam trong tương lai. Các thành viên của chúng tôi nhìn thấy cơ hội tuyệt vời và một tương lai tươi sáng ở đây.

AmCham sẽ tiếp tục làm việc để giảm bớt các rào cản thương mại, giúp chính phủ Việt Nam tạo ra một môi trường kinh doanh tiêu chuẩn cao, minh bạch và ổn định để đảm bảo rằng tất cả các nhà đầu tư đều được tiếp cận công bằng với cơ hội đó.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các nhà đầu tư Hoa Kỳ tại New York vào tháng 9/2021. Ảnh: Boeing
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các nhà đầu tư Hoa Kỳ tại New York vào tháng 9/2021. Ảnh: Boeing

The Ông, những thách thức gì có thể ảnh hưởng đến việc phát triển hợp tác giữa hai bên? Dựa vào những yếu tố nào để vượt qua những thách thức đó? 

Chúng ta ghi nhận nỗ lực của nhân dân Việt Nam và Hoa Kỳ bởi họ đã vượt qua những bi kịch trong quá khứ để xây dựng một tình hữu nghị mạnh mẽ và bền chặt như ngày nay. Một trong những điểm mạnh của mối quan hệ hợp tác giữa hai nước chính là tính đa diện của nó. Về kinh tế, Hoa Kỳ là đối tác thương mại và nhà đầu tư quan trọng của Việt Nam, và thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, kể cả trong thời kỳ đại dịch khủng khiếp lần này.

Về mặt chính trị, Việt Nam và Hoa Kỳ đều hướng đến hòa bình và ổn định ở Đông Á, tìm cách giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 đã tàn phá cuộc sống của hàng triệu người, gây ảnh hưởng đến việc làm của hàng triệu người, đồng thời làm gián đoạn hệ thống thương mại toàn cầu mà cả hai quốc gia đều phụ thuộc vào.

Hai nước có một tình hữu nghị bền chặt, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực bao gồm an ninh khu vực, giáo dục, y tế toàn cầu, an ninh lương thực và năng lượng, ứng phó với thiên tai, v.v.

Hai nước đều đặt tầm quan trọng của giao lưu văn hóa trong mối quan hệ hợp tác lẫn nhau. Hoa Kỳ là nơi có dân số Việt Nam đông nhất ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Hiện nay, có hơn 30.000 thanh niên Việt Nam đang học tập tại Hoa Kỳ. Thông tin mới đây cho thấy các chuyến bay thẳng thường lệ sẽ chính thức được hoạt động giữa hai quốc gia.

Ngoài ra, người Mỹ gốc Việt đang đóng một vai trò quan trọng giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Việt Nam thông qua nhiều dự án đầu tư và kinh doanh, đặc biệt sự đóng góp đáng kể của các nhân tài.

Các thành viên của AmCham đang đầu tư hàng tỷ đô la tại Việt Nam, tạo ra việc làm trực tiếp cho hàng chục nghìn nhân viên, việc làm gián tiếp cho hàng trăm nghìn lao động, mang lại doanh thu đáng kể trong hoạt động xuất khẩu và thu thuế của Việt Nam.

Mặc dù, các hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Hoa Kỳ bắt đầu tại Việt Nam muộn, nhưng giờ đây chúng tôi thấy các công ty và nhà đầu tư Hoa Kỳ đang hoạt động trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam.

Cho đến nay chúng tôi đã nhìn thấy nhiều cải cách giúp việc kinh doanh trở nên dễ dàng hơn tại Việt Nam. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất để tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi là đảm bảo một môi trường pháp lý công bằng, minh bạch, có thể dự đoán được và tinh gọn, coi trọng sự đổi mới - không chỉ để thu hút đầu tư mới mà còn để duy trì và tăng trưởng đầu tư đã có ở đây.

Khi nhìn về tương lai, chúng tôi hy vọng cả hai chính phủ có thể tiếp tục nỗ lực hướng tới một Hiệp định Thương mại Tự do song phương. Điều này sẽ cải thiện dòng chảy đầu tư và thương mại, hỗ trợ chuỗi cung ứng bền vững và cải thiện các điều kiện kinh doanh nhằm tăng cường sức mạnh của khu vực tư nhân, đảm bảo phát triển kinh tế và xã hội bền vững, và thúc đẩy thịnh vượng tại Việt Nam.

Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!