Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ăn cơm, canh thừa: nguy cơ ngộ độc, nhiễm khuẩn

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày gần đây, dư luận vô cùng bức xúc trước sự việc hàng trăm sinh viên năm nhất Đại học Bách khoa Hà Nội phải ăn cơm canh thừa; mất an toàn thực phẩm, thậm chí cơm, canh xuất hiện nhiều dị vật bất thường trong tuần học giáo dục quốc phòng.

Chuyên gia y tế cảnh báo, nguy cơ chính của hành vi này là khả năng lây nhiễm chéo một số loại bệnh, từ người đã ăn trước sang người ăn sau.

Tận dụng triệt để đồ ăn, thức uống thừa cho khách

Mới đây, sinh viên Đại học Bách khoa phản ánh với cơ quan báo chí về sự việc trong thời gian học giáo dục quốc phòng và an ninh, phần lớn các suất cơm được chuẩn bị sẵn trên bàn là cơm thừa từ các bữa ăn của một trung đội đã ăn trước đó khoảng 1 giờ. Cơm thừa đó nhân viên của nhà ăn đổ vào thùng đựng cơm chung và chia cho các đơn vị đến ăn sau.

Không chỉ cơm thừa được tái sử dụng, những bát canh ăn dở của mỗi bàn cũng được một nhân viên của bếp ăn thu gom lại, đổ vào nồi rồi chia cho sinh viên. Ngoài ra, sinh viên còn phát hiện nhiều loại dị vật trong bữa ăn hàng ngày như sâu, ruồi, lá cây…

Thực tế, thời gian qua, những sự việc tương tự cũng đã xảy ra. Điển hình, sau Tết Nguyên đán 2024, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện đoạn clip quay lại hình ảnh người phụ nữ ở Thái Bình bán nước mía lấy nước thừa của khách trước để bán lại cho khách sau, thậm chí ống hút cũng được tận dụng bằng cách rửa lại.

Đại diện Vụ Giáo dục quốc phòng và an ninh, Bộ GD&ĐT cùng các đơn vị chức năng kiểm tra, làm việc với Đại học Bách khoa Hà Nội ngày 8/10.
Đại diện Vụ Giáo dục quốc phòng và an ninh, Bộ GD&ĐT cùng các đơn vị chức năng kiểm tra, làm việc với Đại học Bách khoa Hà Nội ngày 8/10.

Trước sự việc trên, nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại về tình trạng mất an toàn thực phẩm đồng thời cho rằng cần xử phạt nghiêm trường hợp vi phạm.

Hay như trước đó, chủ quán bún tại Khánh Hòa, chủ quán cơm ở Bình Định cũng đã đổ nước dùng, thức ăn thừa của người ăn trước bỏ vào khay thức ăn chung để bán cho khách đến sau.

Trên thực tế, các chuyên gia y tế cho rằng, ngộ độc thực phẩm không phải là nguy cơ chính của hành vi quay vòng thức ăn thừa của người này sang cho người khác. Bởi các vi khuẩn gây ra ngộ độc thực phẩm, nếu có, đã tồn tại trong chính thực phẩm.

Ngay cả khi thức ăn không được quay vòng, cùng một mẻ thực phẩm bị nhiễm khuẩn sẽ lây nhiễm cho tất cả những người ăn cùng mẻ thực phẩm đó, bất chấp việc họ có ăn đồ thừa của người khác hay không. Đáng nói, nguy cơ chính của hành vi sử dụng thức ăn thừa của người này để phục vụ người khác là khả năng lây nhiễm chéo một số loại bệnh, có thể truyền từ người đã ăn trước sang người ăn sau.

Các loại bệnh trong trường hợp này thường liên quan đến con đường lây nhiễm qua giọt bắn, hoặc nước bọt có thể lẫn vào thực phẩm thừa, bao gồm bệnh cúm, bệnh sởi, thủy đậu, rubella, bệnh lao hoặc mụn rộp...

Ngoài ra, có một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm được cảnh báo là có thể lây chéo trong trường hợp này, khi các sinh viên ăn thức ăn thừa của nhau. Đó là bệnh viêm màng não mô cầu.

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, để tiết kiệm thực phẩm, người dân có thể tái sử dụng thức ăn còn thừa từ bữa trước. Tuy nhiên, đó là những món chưa "động đũa" đến và được bảo quản đúng cách.

Còn với thức ăn đã có nhiều người cùng gắp mà không sử dụng dụng cụ riêng đều nên loại bỏ. Bởi thức ăn đã nấu chín, để ra ngoài môi trường sẽ có các vi sinh vật tấn công. Nhiệt độ môi trường bên ngoài không đảm bảo, để thức ăn càng lâu, nguy cơ nhiễm khuẩn càng lớn. Ngoài ra, khi đã sử dụng, vi khuẩn ở trong miệng hay từ đũa, muỗng có thể có trong đó.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cảnh báo, việc tận dụng thức ăn thừa làm tăng nguy cơ lây lan virus, vi khuẩn. Người dân có thể lây nhiễm chéo là hoàn toàn có thể xảy ra. Bên cạnh đó, thức ăn thừa được lưu trữ, bảo quản không đúng cách khi ăn vào có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cùng đoàn kiểm tra khâu lưu mẫu thức ăn tại bếp ăn của một trường học trên địa bàn Hà Nội.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cùng đoàn kiểm tra khâu lưu mẫu thức ăn tại bếp ăn của một trường học trên địa bàn Hà Nội.

TS Chu Thị Tuyết – Khoa Dinh Dưỡng, Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội), với các thức ăn đã nấu chín chỉ an toàn 2 giờ sau khi nấu và dễ hư hỏng ở nhiệt độ từ 4-60 độ C. Sau khoảng thời gian này, bảo quản nóng hay lạnh không đúng cách đều tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển.

Một số loại thực phẩm sau khi hâm nóng lại sẽ mất hết giá trị dinh dưỡng, mùi vị, màu sắc bị biến đổi, thậm chí trong nhiều trường hợp còn có thể sinh ra các chất độc hại. Bên cạnh đó, thức ăn thừa được lưu trữ không đúng cách khi ăn vào có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật. Tuy nhiên, thức ăn thừa không phải là tuyệt đối không ăn lại được mà chỉ cần chú ý đến cách bảo quản.

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm ngay tại bếp ăn, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho rằng, mỗi người cần thực hiện đầy đủ 10 nguyên tắc “vàng” trong chế biến thực phẩm.

Đó là người tiêu dùng chọn các thực phẩm tươi, sạch, không dập nát, có nguồn gốc rõ ràng; thực hiện “ăn chín, uống chín”; ngâm rửa sạch rau, quả tươi, nhất là loại rau dùng ăn sống, rửa rau dưới vòi nước chảy, ngâm nước muối.

Mỗi người tự ý thức che đậy bảo quản cẩn thận thức ăn đã được nấu chín, ăn ngay sau khi vừa nấu xong, đun kỹ thức ăn đã qua bữa trước khi dùng lại; không để lẫn thức ăn sống và thức ăn chín.

Người dân không dùng chung dụng cụ chế biến thức ăn sống và thức ăn chín; rửa tay trước khi chế biến thực phẩm, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; giữ bếp, dụng cụ và nơi chế biến luôn sạch sẽ, gọn gàng và khô ráo; không ăn thức ăn ôi thiu, mốc hỏng và dùng nước sạch để chế biến thức ăn, đồ uống.

Ngoài ra, các chuyên gia y tế khuyến cáo, để hạn chế phải sử dụng thức ăn thừa từ bữa này qua bữa khác, người nấu nên tính toán lượng thức ăn vừa đủ cho gia đình hay tập thể.

Thực tế, thực phẩm đã nấu chín để bảo quản lâu được hay không tùy thuộc vào độ đạm và độ mặn của món ăn. Những thực phẩm giàu đạm như thịt, hải sản, trứng... nguy cơ bị ôi thiu hoặc vi khuẩn gây bệnh xâm nhập là rất cao. Nếu người đầu bếp kho, rim mặn có thể để 1-2 ngày không hỏng. Tuy nhiên, nếu chế biến nhạt, bạn chỉ nên sử dụng trong ngày và có bảo quản trong tủ lạnh.

Ngoài ra, thức ăn thừa sau mỗi bữa ăn chúng ta vẫn có thể bảo quản tới hôm sau để dùng lại, nhưng cần chú ý bảo quản đúng cách để tránh vi khuẩn và chất độc tấn công thức ăn gây mất an toàn khi sử dụng.