70 năm giải phóng Thủ đô

An cư cho người dân vùng lũ

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khoảng 15 năm trở lại đây, hàng nghìn hộ dân sống ven sông Bùi, sông Tích đã 4 lần hứng chịu cảnh ngập lụt nghiêm trọng, có đợt kéo dài cả tháng trời khiến cuộc sống bị đảo lộn.

Phải làm gì để người dân các địa phương ven sông không còn thấp thỏm với nỗi lo ngập lụt là vấn đề đặt ra cấp thiết đối với Hà Nội.

Đến hẹn… lại lo

Nhiều ngày trôi qua nhưng ông Lê Văn Ơn (thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ) vẫn chưa quên ký ức về đợt ngập lụt kéo dài gần một tháng xảy ra đầu tháng 9/2024. Người đàn ông đã gắn bó cả đời mình bên dòng sông Bùi bảo, hầu như năm nào, người dân nơi đây cũng chịu ảnh hưởng của lũ lên, nhưng lâu lắm rồi mới bị ngập sâu và kéo dài đến vậy.

Giống như thôn Nhân Lý, hàng trăm xóm làng thuộc 11 xã khác của huyện Chương Mỹ cũng chìm trong biển nước suốt nhiều tuần liên tiếp do nước sông Bùi lên cao. Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thụ Lê Hoài Thi cho biết, cùng với nhiều đồ đạc bị hư hỏng, vật nuôi bị cuốn trôi thì hàng trăm héc-ta lúa của bà con nông dân đã bị mất trắng do ngập nước dài ngày.

Xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội bị ngập sâu trong đợt lũ tháng 9/2024. Ảnh: Tài Hiệp
Xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội bị ngập sâu trong đợt lũ tháng 9/2024. Ảnh: Tài Hiệp

Không chỉ tại huyện Chương Mỹ, người dân các địa phương ven sông Tích thuộc huyện Quốc Oai, nhất là địa bàn 5 xã: Cấn Hữu, Phú Cát, Liệp Tuyết, Tuyết Nghĩa và Đông Yên, cũng phải nếm trải cảm giác “đứng ngồi không yên” do ngập lụt. Chị Đinh Thị Ninh ở thôn Cấn Hạ (xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai), bùi ngùi cho biết, một tháng qua gia đình phải “chạy lụt” đến 2 lần. Nhà ngập không thể đi đâu, làm gì; thậm chí, con cái cũng không biết cho đi học kiểu gì. Những gì người dân nơi đây phải trải qua là nặng nề nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Trước đó, hồi cuối tháng 7, đầu tháng 8/2024, mực nước sông Bùi, sông Tích lên cao vượt mức báo động III trong nhiều ngày cũng đã khiến hàng nghìn hộ dân các xã ven sông thuộc địa bàn hai huyện Chương Mỹ, Quốc Oai rơi vào cảnh ngập lụt. Hai đợt ngập lụt xảy ra chỉ trong hơn một tháng vừa qua cũng là lần thứ tư trong khoảng 15 năm trở lại đây, người dân hàng chục xã vùng ven sông Bùi, sông Tích thuộc các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai… rơi vào cảnh “sống chung cùng nước lũ” mỗi khi mùa mưa đến.

Trước đó, hàng nghìn hộ dân sinh sống ven sông Bùi, sông Tích chưa quên ký ức về những trận ngập lụt nghiêm trọng trong các đợt mưa lũ của các năm 2008, tháng 10/2017 và tháng 7/2018. Không chỉ ảnh hưởng lớn đến việc ổn định đời sống của cư dân ven sông, nỗi lo ngập lụt còn khiến các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội bị gián đoạn.

Nỗ lực bước đầu

Theo Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội Nguyễn Duy Du, tình trạng ngập lụt tại các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai được xem là hệ quả của hai nguyên nhân: lượng mưa lớn kéo dài trên diện rộng và ảnh hưởng của “lũ rừng ngang” từ huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) và huyện Ba Vì (TP Hà Nội) đổ về. Để giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt gây ra tại vùng “rốn lũ” huyện Chương Mỹ, TP đang giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Hà Nội triển khai 4 dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi phục vụ tiêu thoát nước dọc sông Bùi.

Cụ thể là các trạm bơm tiêu Nhân Lý (xã Nam Phương Tiến), trạm bơm tiêu Đầm Buộm (xã Trần Phú), trạm bơm tiêu Mỹ Hạ và trạm bơm tiêu Mỹ Thượng (cùng thuộc xã Hữu Văn). Tổng kinh phí đầu tư xây dựng 4 trạm bơm nêu trên là gần 200 tỷ đồng.

Theo Trưởng phòng Quản lý dự án thủy lợi (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Hà Nội) Trần Anh Tú, hiện, các dự án vẫn đang được tích cực hoàn thiện. Dù vậy, trong hai đợt mưa lũ nghiêm trọng vừa qua, tất cả các trạm bơm đều đã được vận hành hỗ trợ chống ngập cho vùng ven sông Bùi và bảo đảm đúng công suất thiết kế.

Liên quan đến tiêu thoát nước chống ngập úng ven sông Tích, giải pháp trước mắt đang được Ban Duy tu các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội thực hiện là kè cứng hai bờ sông Tích thuộc địa phận huyện Ba Vì. Dự án nhiều khả năng sẽ hoàn thành vào cuối năm nay (2024), và được kỳ vọng có thể bảo đảm tiêu thoát nước, phòng chống lũ cho lưu vực sông Tích, phòng chống úng ngập cho các địa phương ven sông, nhất là tại huyện Quốc Oai.

Cũng theo tìm hiểu, trước tình trạng ngập lụt thường xuyên xảy ra do ảnh hưởng của “lũ rừng ngang”, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với một số viện nghiên cứu chuyên ngành, tổ chức đoàn công tác, đến làm việc trực tiếp với cơ quan chuyên môn của tỉnh Hòa Bình để bàn giải pháp. Những ý tưởng như xây dựng hồ chứa và hệ thống kênh dẫn để cắt giảm“lũ rừng ngang”, hay nâng cấp tổng thể hệ thống đê sông Bùi đã được các chuyên gia, cơ quan quản lý, nhà khoa học đề cập. Tuy nhiên, giải pháp căn cơ cho vấn đề này thì hiện vẫn đang bỏ ngỏ.

Giải pháp căn cơ

Ngập lụt triền miên không chỉ ảnh hưởng lớn đến việc ổn định đời sống của cư dân ven sông, mà còn khiến các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội bị gián đoạn. Cũng bởi vậy, việc sớm tìm ra một giải pháp căn cơ, lâu dài để tăng cường tính chống chịu với mưa lũ cho hệ thống sông Bùi, sông Tích là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm, không thể chậm trễ trong thực hiện.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa, trong lưu vực sông Tích, sông Bùi có rất nhiều vùng trũng so với mặt sông; thậm chí, một số làng xã ven sông thuộc huyện Chương Mỹ còn thấp hơn so với mặt sông tới 8m, dẫn đến cứ mưa là ngập úng.

“Người dân định cư, sinh sống đã nhiều đời ở các khu vực này. Mỗi lần có “lũ rừng ngang” đổ về khiến nước sông dâng cao là gây ngập úng. Người dân không thể an cư, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất…” - ông Nguyễn Đình Hoa, người từng có thời gian làm Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ nhìn nhận.

Cũng theo đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội, về lâu dài, các sở, ngành, địa phương (trong đó có hai huyện Chương Mỹ, Quốc Oai) cần rà soát, nghiên cứu giải pháp sắp xếp lại dân cư ở những khu vực ngập úng khó khắc phục; triển khai phương án bố trí tái định cư để di dân, di dời nhà cửa, công trình đến khu vực cao không bị ngập lụt.

Hà Nội sẽ báo cáo Chính phủ để nghiên cứu việc tái bố trí dân cư và đầu tư nâng cấp hệ thống đê điều nhằm đáp ứng các tiêu chí quy hoạch. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng sẽ nghiên cứu các giải pháp khác bao gồm nạo vét, giải tỏa vật cản để bảo đảm thoát lũ, xây dựng hệ thống quan trắc cảnh báo lũ sớm và hợp tác với các tỉnh lân cận dọc sông Đáy, sông Bùi, sông Tích.

Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cũng thông tin thêm, hiện nay, Quy hoạch phòng, chống lụt bão TP Hà Nội được tích hợp trong quy hoạch vùng huyện đến năm 2030, tầm nhìn 2050; hòa trong Quy hoạch Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn tới năm 2065. Khi Chính phủ phê duyệt, sẽ tích hợp với phòng, chống lũ lụt trên địa bàn các huyện ven sông, bao gồm cả các huyện Chương Mỹ và Quốc Oai; từ đó quan tâm đầu tư, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến đời sống người dân vùng lũ.

 

Thông tin từ Phó Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội Phạm Quốc Tuyến cho biết, hiện nay TP đang trình cấp có thẩm quyền về các quy hoạch Thủ đô, trong đó có phần tích hợp của phương án chi tiết phòng, chống lũ của các tuyến sông trên địa bàn TP Hà Nội, để có cơ sở triển khai giai đoạn tới.

Sông Bùi, sông Tích bị nước dâng cao như vừa qua có một phần nguyên nhân là do tình trạng bồi lắng. Ngoài bồi lắng lòng sông, các hồ chứa thủy lợi có tác dụng chậm lũ, điều hòa lũ cũng bị bồi lắng rất nhiều do đã nhiều năm không được nạo vét, làm giảm khả năng tích trữ, cắt “lũ rừng ngang” trên các tuyến sông…

Giám đốc Xí nghiệp đầu tư phát triển thủy lợi huyện Chương Mỹ
Đỗ Việt Dũng