Nối gót Mỹ-Trung, Ấn Độ bắt đầu cuộc chơi tỷ đô

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với tham vọng làm chủ ngành sản xuất chip, Ấn Độ dồn mọi nguồn lực vào thỏa thuận với ông lớn Micron bất chấp thua thiệt.

Thỏa thuận với ông lớn sản xuất chip Micron

Đối với nhiều người Ấn Độ, thỏa thuận với hãng sản xuất chip Micron trong chuyến thăm Mỹ của thủ tướng Narendra Modi được xem là bước đột phá đối với ngành sản xuất chip của New Delhi.

Thỏa thuận giữa Micron Technology và Chính quyền bang Gujarat được ký vào cuối tháng 6/2023. Ảnh: Indianexpress
Thỏa thuận giữa Micron Technology và Chính quyền bang Gujarat được ký vào cuối tháng 6/2023. Ảnh: Indianexpress

Bước đi đó cũng giúp hâm nóng mối quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ vốn gặp khó do New Delhi từ chối trừng phạt Nga hoặc mở rộng hợp tác với phương Tây và Nhóm G7.

Hiện cả Thủ tướng Modi và Tổng thống Joe Biden đều hiểu được tầm quan trọng của việc hợp tác Mỹ-Ấn. Với Ấn Độ, quốc gia này cần những bước đột phá quan trọng trong phát triển công nghiệp điện tử, đặc biệt là công nghệ chế tạo chip để duy trì quyền tự chủ trong các vấn đề toàn cầu. Ngược lại, ông Biden xem Ấn Độ là chìa khóa quan trọng trong chiến lược giảm thiểu rủi ro từ Trung Quốc.

Thỏa thuận có thực sự đáng giá?

Theo thỏa thuận, Micron Technology của Mỹ sẽ đầu tư 825 triệu USD vào một nhà máy thử nghiệm và lắp ráp chip mới trị giá 2,75 tỉ USD tại bang Gujarat của Ấn Độ.

Đối với các chuyên gia công nghệ, thỏa thuận với Micron chỉ là một cấp độ nhỏ nhất trong ngành công nghệ điện tử, bao gồm việc đóng gói chip, lắp ráp và thử nghiệm chúng và chưa chạm đến công nghệ cốt lõi của thiết kế và chế tạo chip là máy in thạch bản.

Dù là một trong những công ty hàng đầu thế giới trong ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt là chế tạo chip dung lượng lớn, Micron vẫn chỉ đưa ra đề nghị thành lập một nhà máy thực hiện các quy trình cơ bản ở bang Gujarat, Ấn Độ, thay vì sẵn sàng chia sẻ những công nghệ sản xuất chip tiên tiến, hiện đại hơn như các nhà máy ở Mỹ hay Trung Quốc.

Do vậy, nếu mục tiêu mà New Delhi hướng đến là sản xuất chip, thì thỏa thuận Micron thực sự không mấy ý nghĩa, nhất là khi nước này bỏ ra rất nhiều thứ chỉ để nhận lại công nghệ sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm những con chip đã được sản xuất ở nơi khác.

Micron Technology là một trong những nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới. Ảnh: Thecoinrepublic
Micron Technology là một trong những nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới. Ảnh: Thecoinrepublic

Hiện tổng chi phí ước tính để xây dựng nhà máy lên đến 2,75 tỷ USD, trong đó chính phủ Ấn Độ trợ cấp 50% và chính quyền bang Gujarat hỗ trợ thêm 20%. Micron chỉ đầu tư 30% tổng số vốn. Nói cách khác, Micron sẽ nắm giữ 100% quyền sở hữu một nhà máy trị giá 2,75 tỷ USD mà chỉ phải bỏ ra 825 triệu USD – Điều mà eeNews Europe gọi là “mức trợ cấp cực đoan”.

Nhiều người cho rằng thỏa thuận này dường như chỉ là cách chuộc lỗi vội vàng của ông Modi sau những thất bại gần đây tại cuộc bầu cử của Đảng Bharatiya Janata ở Karnataka và các cuộc bạo loạn đang tiếp diễn ở Manipur.

Thậm chí một số người còn cho rằng thỏa thuận này chẳng khác nào hành động trợ cấp của chính phủ Ấn Độ cho một nhà sản xuất hàng đầu của Mỹ có thể lắp ráp và thử nghiệm các con chip được chế tạo trong các nhà máy cao cấp ở Mỹ và Trung Quốc.

Thay vì tập trung vào thỏa thuận với Micron – thứ khiến Ấn Độ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội khác để sản xuất chip, New Delhi cần phải mở rộng hơn nữa tầm nhìn đối với công nghệ cũng như ngành công nghiệp sản xuất chip. Họ cần phải lập kế hoạch chặt chẽ, tìm kiếm nguồn lực, xác định quy mô và thời điểm đầu tư phù hợp.