Ấn Độ sẽ ủng hộ áp trần giá dầu Nga?

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dựa vào các lợi ích kinh tế, chính trị, chiến lược của mình, Ấn Độ vẫn tiếp tục xem xét nhập khẩu dầu giá rẻ từ Nga.

G7 đang tìm cách ép Ấn Độ chấp nhận giá trần đối với dầu mỏ của Nga. Ảnh: AP
G7 đang tìm cách ép Ấn Độ chấp nhận giá trần đối với dầu mỏ của Nga. Ảnh: AP

Ông Nandan Unnikrishnan, chuyên gia phân tích chính trị cấp cao của Ấn Độ, nhận định khả năng Ấn Độ ủng hộ biện pháp áp trần giá dầu Nga của phương Tây gần như bằng không vì New Delhi phải cân nhắc kỹ các lợi ích kinh tế và chính trị của chính mình.

"Hiện tại khó có khả năng Ấn Độ sẽ tham gia áp chính sách giá với dầu mỏ Nga. Dựa vào các lợi ích kinh tế, chính trị, chiến lược của mình, Ấn Độ vẫn tiếp tục xem xét nhập khẩu dầu giá rẻ từ Nga” – chuyên gia Unnikrishnan nói với Tass hôm 11/1.

Đồng thời, ông Unnikrishnan lưu ý rằng Ấn Độ chắc chắn sẽ không phải đối mặt với mối đe dọa từ lệnh trừng phạt thứ cấp từ Liên minh châu Âu (EU) do mua dầu mỏ của Nga.

Trước đó, hôm 10/1, Reuters đưa tin nhóm G7 đang tìm cách ép Ấn Độ chấp nhận giá trần đối với dầu mỏ của Nga.

G7 dự định áp đặt hai mức giá trần đối với xăng dầu của Nga vào tháng 2/2023 nhằm vào các sản phẩm tinh chế được giao dịch với giá cao hơn dầu thô và những sản phẩm đang được bán giảm giá, hãng tin Reuters trích lời một quan chức G7 giấu tên.

Các hạn chế bổ sung sẽ được đưa ra thêm ngoài mức giá trần đã thỏa thuận trước đó đối với một số sản phẩm, như: dầu diesel, dầu hỏa và dầu nhiên liệu, sẽ có hiệu lực vào ngày 5/2.

Trong khi đó, Ấn Độ cũng có thể tham gia áp dụng mức giá trần với dầu Nga nếu giá dầu thô vượt quá 60 USD/thùng, tờ The Telegraph hôm 10/1 dẫn lời các quan chức Bộ Dầu mỏ và Công nghiệp Ấn Độ cho hay.

Cuối năm ngoái, EU, Úc và các nước G7 đã thống nhất đưa ra mức giá trần đối với xuất khẩu dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga, theo đó cấm các công ty phương Tây cung cấp bảo hiểm và các dịch vụ khác cho các tàu vận chuyển dầu của Nga trừ khi hàng hóa được mua ở mức giá quy định hoặc thấp hơn.

Vị quan chức G7 cho biết việc áp giá trần đối với các sản phẩm tinh chế phức tạp hơn so với dầu thô, bởi giá của các sản phẩm dầu “thường phụ thuộc vào nơi chúng được mua hơn là được sản xuất”.

Reuters cho hay nguồn cung dầu cho Ấn Độ, nhà nhập khẩu hàng đầu của Nga trong 3 tháng liên tiếp kể từ tháng 12/2022, không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây, do nước này đang mua dầu thô với giá chiết khấu từ 53 USD đến 56 USD/thùng.

Theo dữ liệu theo dõi dòng dầu từ công ty tình báo năng lượng Vortexa, Nga đã cung cấp kỷ lục 1,17 triệu thùng mỗi ngày cho New Delhi trong tháng 12, tăng 24% so với khối lượng tháng 11.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần