Theo Business Standard, sau khi sửa đổi Luật Hải quan của Ấn Độ trong ngân sách liên bang tài khóa 2020-2021, Bộ Tài chính nước này đã ban hành một thông báo theo Quy định Hải quan (về quản lý quy tắc xuất xứ theo các hiệp định thương mại), năm 2020 (CAROTAR, 2020), yêu cầu bổ sung các tài liệu bên cạnh giấy chứng nhận xuất xứ (COO) thông thường để có thể hưởng các lợi ích thuế quan trong khuôn khổ các thỏa thuận thương mại.
Phát biểu với tờ Business Standard, Chủ tịch Ủy ban thuế gián thu và hải quan trung ương Ấn Độ (CBIC) Vivek Johri cho biết: “Chúng tôi tin rằng con đường FTA đang bị lạm dụng. Chúng tôi đã xem xét một số mặt hàng. Tuy nhiên, sau khi chúng tôi siết chặt quy định về xuất xứ, chúng tôi ghi nhận sự sụt giảm về nhập khẩu, chủ yếu là phần cứng điện tử”.
Quyết định trên được thực hiện trong bối cảnh ngành công nghiệp trong nước của Ấn Độ thường phàn nàn về việc sản phẩm của Trung Quốc vào nước này thông qua ASEAN, vi phạm các quy định về nguồn gốc xuất xứ vốn bắt buộc phải có hàm lượng giá trị gia tăng đáng kể từ đối tác thương mại xuất khẩu.
Theo nghiên cứu về số liệu thương mại, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng như ăng ten điện thoại, điện thoại cho mạng không dây, tháp di động, tai nghe, hộp giải mã tín hiệu và máy quay kỹ thuật số đã giảm đáng kể trong năm ngoái. Cụ thể, kim ngạch ăng ten điện thoại giảm từ 1,37 tỷ USD năm 2019 xuống còn 576 triệu USD năm 2021, máy quay kỹ thuật số từ 162 triệu USD năm 2020 xuống 98 triệu USD năm 2021.
Giám đốc điều hành Hiệp hội các nhà sản xuất công nghệ thông tin Ấn Độ (MAIT) George Paul cho rằng, thách thức lớn mà ngành này phải đối mặt liên quan đến FTA với ASEAN, trong đó một số lượng lớn các mặt hàng điện tử được nhập khẩu thông qua ASEAN và có lý do chính đáng để tin rằng các sản phẩm được chuyển hướng nhập khẩu thông qua các quốc gia này để tận dụng lợi thế của FTA.
Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng điện tư đã giảm và điều đó đang mang lại lợi ích cho ngành công nghiệp của Ấn Độ.
Theo ông Paul, trước đây Ấn Độ chỉ dựa vào chứng nhận thường do phòng thương mại ở quốc gia đó hoặc cơ quan được chỉ định cấp, nên đã không thực sự làm chặt về vấn đề quốc gia xuất xứ để xác định liệu quy tắc về xuất xứ có được đáp ứng hay không. Tuy nhiên, việc thực hiện CAROTAR khiến cho các nhà nhập khẩu nhận thấy rằng khi họ đang được hưởng lợi ích của FTA, họ phải thực sự đáp ứng quy tắc về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.
Chính phủ Ấn Độ bắt đầu áp dụng quy định CAROTAR từ tháng 9/2020 để kiểm tra nghiêm ngặt quy tắc xuất xứ theo các FTA nhằm ngăn chặn việc lạm dụng những lợi ích từ thỏa thuận thương mại.