Với hơn 22.000 km đường ống dẫn khí đốt tự nhiên, Ukraine đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng của châu Âu trong nhiều thập kỷ. Nhưng dòng chảy khí đốt của Nga khó có thể chảy qua “lục địa già” trong mùa Đông năm nay nếu thỏa thuận trung chuyển khí đốt giữa Moscow và Kiev không được gia hạn vào tháng 12 tới. Điều này sẽ ngăn chặn dòng chảy nhiên liệu của Nga đến các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đúng vào thời điểm quan trọng.
Trong khi đó, Nga sẽ mất một trong hai tuyến đường ống vận chuyển khí đốt còn lại đến châu Âu .
Tuy nhiên, Ukraine có thể là bên chịu thiệt hại nhiều nhất nếu không tiếp tục trung chuyển khí đốt Nga sang châu Âu. Theo đó, chính quyền Kiev có thể mất nguồn thu quan trọng để duy trì cơ sở hạ tầng năng lượng và vị thế chiến lược lâu đời của mình là kênh dẫn năng lượng giá cả hợp lý cho các đồng minh phương Tây.
Thỏa thuận quá cảnh khí đốt hiện tại giữa công ty năng lượng quốc gia Naftogaz (Ukraine) và tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom được ký vào năm 2019 và sẽ hết hạn vào cuối năm nay.
Trên thực tế, giới chuyên gia cho rằng hiện không có quốc gia nào cần gia hạn hiệp ước vận chuyển khí đốt Nga nhiều như Ukraine. Về mặt tài chính, theo ước tính của nhà phân tích Mykhailo Svyshcho của công ty tư vấn ExPro Consulting có trụ sở tại Kiev, nước này có nguy cơ mất tới 800 triệu USD/năm phí vận chuyển.
Mặc dù rất muốn duy trì thỏa thuận, Ukraine vẫn đang đặt ra các “lằn ranh đỏ” với Nga. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã khẳng định sẽ không tiếp tục thực hiện việc trung chuyển khí đốt Nga để cắt đứt dòng tiền chảy vào Điện Kremlin.
Thay vào đó, chính quyền Kiev đang tìm kiếm các nhà cung cấp khác để tận dụng các cơ sở hạ tầng trung chuyển khí đốt hiện tại.
Ukraine đã tổ chức các cuộc đàm phán trung chuyển với Azerbaijan, quốc gia hiện đang cung cấp khí đốt cho 8 quốc gia ở châu Âu. Tuần trước, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cho biết, các cuộc thảo luận đang được tiến hành về việc cung cấp nhiên liệu cho ít nhất 3 thị trường nữa ở châu Âu.
Mặc dù vậy, sản lượng khí đốt hiện tại của Azerbaijan không đủ để thay thế hoàn toàn trong ngắn hạn và bất kỳ thỏa thuận thay thế nào cũng có thể bao gồm khí đốt được chuyển hướng từ Nga, theo chuyên gia Anne-Sophie Corbeau của Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu tại Đại học Columbia.
Các thỏa thuận với Kazakhstan và các nhà cung cấp khác ở Trung Á cũng có thể là một lựa chọn, nhưng thời gian để đưa ra kế hoạch trước khi thỏa thuận hết hạn là rất gấp.
Trong bối cảnh cung cầu trên thị trường đang cân bằng, việc mất tuyến đường dẫn khí đốt Nga qua Ukraine gần như chắc chắn có nguy cơ gây ra tình trạng biến động về giá năng lượng tại châu Âu. Sự gián đoạn nguồn cung của các nhà cung cấp năng lượng khác cho châu Âu, như Na Uy, hoặc các vấn đề vận chuyển khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) có thể kết hợp với một đợt lạnh giá khiến giá khí đốt tăng vọt.
Frank van Doorn - Giám đốc giao dịch tại Vattenfall Energy Trading GmbH cảnh báo: "Châu Âu có thể rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung năng lượng trong mùa Đông năm nay. Thực tế là chúng tôi vẫn chưa được thử thách vì hai mùa đông vừa qua thời tiết khá ôn hòa".
Trước đó, hôm 9/9, cựu chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, cựu Thủ tướng Italia Mario Draghi cho biết, sức cạnh tranh kinh tế toàn cầu của EU đã bị xói mòn đáng kể do mất nguồn năng lượng giá rẻ từ Nga.
Theo đài RT, báo cáo do ông Draghi trình bày chỉ ra rằng việc giảm giá thành năng lượng, nâng cao sức cạnh tranh và tăng cường đầu tư quốc phòng là 3 trong những ưu tiên hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách trong khối.
Theo chính trị gia này, các quốc gia thành viên EU đang phải vật lộn để ứng phó với giá năng lượng tăng cao hơn.
Ông Draghi thừa nhận, giá năng lượng ở châu Âu đã giảm đáng kể so với mức đỉnh điểm, nhưng nhấn mạnh rằng các công ty EU vẫn đang phải đối mặt với giá điện cao hơn 150% so với giá ở Mỹ. Trong khi đó, EU phải trả nhiều hơn gần 350% để mua khí đốt tự nhiên so với trước khi cuộc xung đột Nga - Ukraine diễn ra.
Các lệnh trừng phạt mà Brussels áp đặt đối với Moscow liên quan đến chiến sự tại Ukraine và vụ nổ đường ống Nord Stream vào năm 2022 đã dẫn đến sự sụt giảm mạnh nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho EU.
EU đã chuyển hướng sang các nhà cung cấp năng lượng tại Mỹ và Trung Đông để nhập LNG có giá thành đắt hơn nhiều so với khí đốt mua từ Nga theo hợp đồng dài hạn.
Theo báo cáo, Nga chiếm hơn 16% giá trị nhập khẩu khí đốt tự nhiên vào EU trong quý 1 năm nay, giảm so với mức 40% vào năm 2021. Theo ước tính của Bộ Năng lượng Nga, LNG của Mỹ đắt hơn 30-40% so với khí đốt qua đường ống của Nga.