An toàn thực phẩm mùa lễ hội: Vừa mừng, vừa lo

Trần Nga (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - ATTP mùa lễ hội đang là vấn đề “nóng” được các cấp, ngành và người dân hết sức quan tâm.

Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Chung - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội xung quanh vấn đề này.
Trên địa bàn diễn ra rất nhiều lễ hội, là đơn vị được UBND TP giao làm đầu mối chủ quản trong đảm bảo ATTP, ngành y tế Hà Nội đã và đang tập trung vào những vấn đề gì, thưa ông?
- Để bảo đảm ATTP cho dịp Tết và lễ hội, ngay từ trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu, ngành y tế Thủ đô đã tỏa xuống địa bàn thực thi nhiệm vụ của mình. Chúng tôi đặt mục tiêu phải bám sát địa bàn, giám sát chặt chẽ các cơ sở kinh doanh thực phẩm, ăn uống từ hè phố đến nhà hàng để người dân yên tâm vui chơi trong mùa lễ hội. Ngoài sự chỉ đạo tập trung thống nhất từ TP, chúng tôi đã phối hợp cùng quận, huyện thành lập các đoàn kiểm tra tại các phường, tập trung kiểm tra vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều, có yếu tố nguy cơ cao như thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu, bia nước giải khát từ trước Tết Nguyên đán và yêu cầu các quận, huyện chủ động hậu kiểm sau kỳ nghỉ Tết.
Bên cạnh đó, chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người nội chợ trực tiếp chọn mua, chế biến thực phẩm cho gia đình; người tiêu dùng thực phẩm; người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; chính quyền các cấp, nhà quản lý về cách lựa chọn, chế biến, bảo quản thực phẩm an toàn; qua đó nâng cao vai trò trách nhiệm, tầm quan trọng của việc thực hiện tốt quy định về vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ chế biến thực phẩm, trong việc phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm.
Qua các cuộc kiểm tra, ông đánh giá về tình hình ATTP mùa lễ hội năm nay như thế nào?
- Trong đợt ra quân tăng cường kiểm tra ATTP dịp Tết và mùa lễ hội năm nay, tính đến thời điểm này, toàn TP đã kiểm tra được 6.880 cơ sở. Trong đó, phát hiện 1.993 cơ sở vi phạm các quy định về ATTP, phạt hành chính 1.404 cơ sở với tổng số tiền gần 6,3 tỷ đồng.
Theo đánh giá chung, tình hình ATTP mùa lễ hội đã có nhiều chuyển biến so với năm trước. Thứ nhất, năm nay, các địa phương đã chủ động vào cuộc ngay từ trước Tết Nguyên đán. Đích thân Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã trực tiếp là Trưởng ban chỉ đạo ATTP của địa bàn nên đã có sự quan tâm sát sao hơn trước rất nhiều.
Thứ hai, mỗi địa phương cũng đều chủ động tuyên truyền đến người dân và các hộ sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm về các quy định đảm bảo ATTP; yêu cầu các hộ kinh doanh phải hoàn thiện đầy đủ các hồ sơ pháp lý liên quan như giấy đăng ký kinh doanh, giấy xác nhận kiến thức ATTP, giấy khám sức khỏe cho người chế biến và nhân viên phục vụ.
Thứ ba, điểm mới trong kiểm tra ATTP năm nay là sự có mặt của xe kiểm nghiệm nhanh mà TP đã giao cho các sở, ngành trực thuộc Ban chỉ đạo. Nhờ đó, việc kiểm tra sẽ rút ngắn thời gian, sớm phát hiện ra các thực phẩm nghi ngờ để cảnh báo đến người dân. Phải nói rằng, nếu một cửa hàng tại một lễ hội bị “bêu tên” vì không bảo đảm ATTP thì sẽ để “tiếng” ảnh hưởng đến cả lễ hội đó.
Thứ tư, đến nay, chính ý thức của người dân về ATTP đã được nâng lên. Người đi lễ cũng cảnh giác hơn trong việc sử  dụng thực phẩm.
Tuy nhiên, thực tế các buổi kiểm tra vẫn còn phát hiện nhiều cơ sở không có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc thực phẩm, không có đầy đủ giấy khám sức khỏe, giấy xác nhận kiến thức ATTP đối với nhân viên phục vụ và người chế biến. Đặc biệt, những cơ sở tự phát, chỉ buôn bán mùa vụ vào dịp lễ hội tồn tại nhiều vấn đề về ATTP. Như tại cuộc kiểm tra tại chùa Hương (huyện Mỹ Đức), đền Và (thị xã Sơn Tây), đền Gióng (huyện Sóc Sơn)..., những hàng quán tự phát thường có hệ thống đường nước, thoát nước chưa bảo đảm, không có hồ sơ pháp lý. Năm nay, qua kiểm tra, lỗi mà nhiều cơ sở gặp phải là người chế biến không đeo găng tay khi sơ chế thực phẩm, bát đũa không được rửa sạch, vẫn còn để lẫn thức ăn sống và chín.     
Vậy, ngành y tế Hà Nội có biện pháp gì để khắc phục được những tồn tại trên, thưa ông?
- Với những cơ sở khi kiểm tra phát hiện các vi phạm, chúng tôi đã yêu cầu chủ cơ sở khẩn trương khắc phục và giao cho Ban chỉ đạo các quận, huyện giám sát và hậu kiểm. Những cơ sở tiếp tục tái phạm sẽ kiên quyết đình chỉ hoạt động kinh doanh. Chúng tôi cũng mong muốn chính những người dân tham gia lễ hội sẽ cùng chung tay giám sát ATTP.
Xin cảm ơn ông!
Nếu phát hiện cơ sở vi phạm về ATTP, người dân có thể phản ánh về đường dây nóng tiếp nhận thông tin thông qua các số điện thoại: Sở Công Thương: 1900585826; Sở NN&PTNT: 043 3800115; Sở Y tế: 043 998 5765.