Thực trạng đó cho thấy, công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH); quản lý, giám sát xây dựng nhất thiết phải siết chặt.
Sau vụ cháy chung cư mini tại Khương Hạ (quận Thanh Xuân, Hà Nội), cơ quan chức năng đã tổ chức hàng loạt biện pháp ngăn chặn “bà hỏa”.
Tại tất cả địa bàn đều đã thành lập Tổ liên gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH); chiến dịch tập huấn về xử lý tình huống hỏa hoạn được thực hiện rộng khắp.
Vậy nhưng, 9 tháng sau, vụ việc đau thương xảy ra ở phố Trung Kính (quận Cầu Giấy) càng khiến mối bận tâm đến an toàn tính mạng của người dân trong hỏa hoạn phải được đặt lên hàng đầu.
Thực tế, đối với công tác PCCC&CNCH đã được các cơ quan chức năng, chuyên gia hướng dẫn tận tình trên mọi phương diện, từ tập huấn thực tế đến các mạng xã hội. Các quy định về PCCC đã được ban hành quy củ…
Ấy nhưng, khi hỏa hoạn không may xảy ra vẫn mang đến những hậu quả khó lường. Có lẽ vấn đề chúng ta đặt ra để xử lý đang ở phần ngọn.
Nói như vậy là bởi, cứ sau mỗi sự việc, lại tất tả làm thủ tục tổng rà soát, đưa ra biện pháp…, mà chưa làm được từ gốc rễ khi chung cư mini được cấp phép xây dựng, nghiệm thu đưa vào sử dụng; nhà ở trong khu dân cư cũng vậy.
Ngay sau khi vụ cháy nhà ở kết hợp cho thuê trọ, kinh doanh tại phố Trung Kính xảy ra, Thủ tướng Chính phủ Công điện số 52/CĐ-TTg ngày 24/5/2024, chỉ đạo tập trung khắc phục hậu quả, khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ cháy.
Tối cùng ngày, Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký Công điện số 04/CĐ-UBND về việc tăng cường phòng cháy đối với nhà trọ trên địa bàn.
Một trong những nội dung đáng chú ý của Công điện là lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu UBND các địa phương chủ động thành lập các Tổ công tác để rà soát, kiểm tra 100% cơ sở nhà trọ trên địa bàn, hoàn thành trước ngày 15/6/2024, báo cáo kết quả về UBND TP (qua Công an TP) trước ngày 20/6/2024.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, rà soát đối với nhà trọ, yêu cầu các đơn vị tiếp tục tổ chức rà soát, kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc 100% cơ sở hoàn thành việc khắc phục các giải pháp trước mắt đối với những loại hình cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao đã kiểm tra theo chỉ đạo tại Công điện của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng cho người dân, nhất là tại các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn trong dịp nắng nóng sắp tới.
Sau vụ việc xảy ra, đã có những ý kiến mạnh dạn đề nghị phải cấm loại hình nhà trọ kết hợp kinh doanh, nhất là kinh doanh các vật liệu dễ cháy.
Nhưng ở chiều ngược lại cho rằng, những người buộc tìm đến thuê trọ đa phần là cá nhân, hộ gia đình trẻ mới đi làm, người ở tỉnh lẻ, điều kiện kinh tế chưa đủ để mua căn hộ chung cư. Với gia chủ, đó là nguồn tài chính để trang trải cuộc sống. Nếu cấm ngay, thì tác động xã hội sẽ vô cùng lớn.
Theo một thống kê trước đó, hiện, Hà Nội có gần 32.000 nhà trọ, chung cư mini. Trong đó đã có 1.200 trường hợp bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực PCCC. Xã hội phát triển, đô thị hóa mạnh…, tất yếu vẫn tồn tại loại hình nhà trọ, phòng trọ.
Tuy nhiên, để tránh những hệ lụy khó lường, cơ quan chức năng cần xây dựng các quy định chặt chẽ, liên thông giữa các luật để đồng nhất trong quá trình cấp phép, xây dựng, giám sát, nghiệm thu và bảo dưỡng, quản lý… công trình.
Cơ quan chức năng làm việc đúng chức trách bằng “tất cả năng lực, trách nhiệm” trong từng khâu ắt hẳn hậu quả do hỏa hoạn gây ra sẽ giảm thiểu. Như ngôi nhà cháy ở Trung Kính, ở dưới là kinh doanh xe, trên tầng cho thuê phòng trọ, nhưng trên mái nhà được quây tôn kín. Khi kiểm tra PCCC, lực lượng chức năng yêu cầu bắt buộc gia chủ phải mở lối thoát hiểm thì sự tổn thất có lẽ đã khác.
Và để các lực lượng lao động có được nơi an cư an toàn, cơ quan chức năng vẫn phải sớm giải bài toán nhà ở xã hội cho thuê trên địa bàn những TP lớn.