Ẩn ý về dự định lớn

Cựu Đại sứ Trần Đức Mậu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang, ông Biden tập trung gần như hoàn toàn vào các chủ đề nội dung đối nội, dành chỉ có một phút để đề cập đến cuộc chiến ở Ukraine và chỉ có vài dòng nói về Trung Quốc.

Tổng thống Joe Biden đọc Thông điệp Liên bang trước phiên họp chung của Quốc hội tại Điện Capitol, thủ đô Washington, ngày 7/2/2023. Ảnh: Getty
Tổng thống Joe Biden đọc Thông điệp Liên bang trước phiên họp chung của Quốc hội tại Điện Capitol, thủ đô Washington, ngày 7/2/2023. Ảnh: Getty

Điều được dân chúng ở nước Mỹ và truyền thông bên ngoài nước Mỹ quan tâm để ý đến nhiều nhất ở bài trình bày của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong khuôn khổ Thông điệp thường niên về tình hình nước Mỹ không phải là báo cáo thành tựu cầm quyền trong thời gian hai năm qua mà lại là hai điều khác.

Điều thứ nhất là ông Biden đăng đàn tự tin như thế nào trước lưỡng viện lập pháp sau khi phe đảng Cộng hoà giành về quyền kiểm soát Hạ viện, tức là ông Biden ứng xử như thế nào với phe đảng Cộng hòa trong lưỡng viện lập pháp sau khi có sự thay đổi cục diện quyền lực trong hạ viện.

Điều thứ hai là ông Biden có nhân dịp này tuyên cáo quyết định ra tranh cử cho cuộc bầu cử tổng thống ở nước Mỹ vào năm 2024 hay không hoặc qua bài trình bày này có thể dự đoán được chính xác hơn về khả năng ông Biden tái ứng cử tổng thống Mỹ.

Sau bài trình bày dài 75 phút của ông Biden trước lưỡng viện lập pháp Mỹ ngày 7/2 vừa qua, dân Mỹ và cả bên ngoài nước Mỹ mới chỉ có được câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi đầu tiên. Ông Biden tỏ ra rất tự tin, tự tin về thành quả cầm quyền đã đạt được, tự tin trong hợp tác với phe đảng Cộng hòa, thể hiện luôn giữ thế chủ động chứ không bị động, luôn có đối sách thích hợp ứng phó với sự chống phá của phe đảng Cộng hòa.

Người ta có thể thấy được ông Biden rất khôn khéo khai thác và tận lợi sự phân rẽ sâu sắc trong nội bộ phe đảng Cộng hòa, biết dùng ngay chính những vấn đề, nội dung vốn là các con bài chính trị chủ chốt của phe  đảng Cộng hòa để tấn công lại phe này. Phe đảng Cộng hòa muốn tranh thủ cử tri thì ông Biden dùng chính những điều cử tri quan tâm nhất để gây khó cho phe đảng Cộng hòa.

Chính vì thế mà bài trình bày của ông Biden tập trung gần như hoàn toàn vào các chủ đề nội dung đối nội, dành chỉ có một phút để đề cập đến cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine, chỉ có vài dòng nói về Trung Quốc mà nội dung đề cập tới cả hai chuyện này đều hoàn toàn không có chút gì mới mẻ. Tất cả những chủ đề nội dung chính trị đối ngoại khác đều vắng bóng.

Câu trả lời cho câu hỏi thứ hai lại không thể rõ ràng và cụ thể được. Nội dung Thông điệp về tình hình đất nước của ông Biden năm nay và cả cách trình bày của ông Biden mang sắc thái của thuyết trình trong vận động tranh cử và bộc lộ tâm thế của người rất háo hức với chuyện tái ứng cử tổng thống. Nhưng nó lại chưa đủ để được coi là khung cốt của một cương lĩnh vận động tranh cử tổng thống như vẫn thường thấy có ở nước Mỹ. Nó mới chỉ là sự điểm việc cụ thể chứ chưa bao hàm cả tầm nhìn và định hướng chiến lược xa cho cả một nhiệm kỳ tổng thống mới.

Qua đó có thể thấy ông Biden dẫu có quả quyết chắc chắn đến mấy là đã cầm quyền rất thành công trong nửa nhiệm kỳ đầu tiên thì hiện vẫn rất do dự với quyết định có tái ứng cử tổng thống lần nữa hay không. Lo ngại lớn nhất của người này hiện tại là tâm lý khá phổ biến ở nước Mỹ không muốn tổng thống mới ở độ tuổi cao.

Kết quả thăm dò dư luận mới đây nhất ở nước Mỹ cho thấy có đến gần 60% người dân được hỏi ý kiến không ủng hộ ông Biden tái ứng cử tổng thống bởi tuổi tác chứ không phải bởi năng lực cầm quyền. Ông Biden nhận thức được điều ấy nên Thông điệp về tình hình đất nước năm nay được ông Biden trình bày trước lưỡng viện lập pháp nhưng mọi ẩn ý lại hướng về phía cử tri Mỹ, tranh thủ cử tri Mỹ cho trường hợp quyết định tái ứng cử tổng thống.

Người này không vội quyết định bởi việc tái ứng cử hay không chắc chắn còn phụ thuộc vào đối thủ chính trị tiềm năng nhất ở phía đảng Cộng hòa. Nếu đối thủ này là cựu Tổng thống Donald Trump thì nhiều khả năng ông Biden sẽ tái ứng cử tổng thống bởi khi ấy cử tri ở Mỹ phải lựa chọn bầu cho một trong cả hai ứng cử viên ở độ tuổi đều rất cao.