Anh ấn định ngày trưng cầu Brexit: ​Lợi trước, hại sau

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đàm phán giữa lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và Thủ tướng Anh David Cameron về việc nước Anh ra khỏi EU hay tiếp tục là thành viên EU là một trong những chủ đề chính trên chương trình nghị sự mới rồi của EU.

Sau 2 ngày thương thảo, hai bên đã được thỏa thuận đủ để ông Cameron không thể cho rằng vì EU không chấp nhận thay đổi như đòi hỏi lâu nay của vị Thủ tướng này mà nước Anh buộc phải ra khỏi liên minh và cũng đủ để ông Cameron về đảo quốc tuyên cáo với dân chúng rằng Chính phủ Anh đã buộc EU phải chấp nhận mọi yêu sách nên họ có thể yên tâm mà đồng ý để nước Anh tiếp tục đứng trong hàng ngũ thành viên EU trong cuộc trưng cầu dân ý tổ chức vào ngày 23/6 tới.
Thủ tướng Anh David Cameron
Thủ tướng Anh David Cameron
Nhìn vào thực chất, thỏa thuận nói trên giữa EU và ông Cameron không có gì mới ngoài việc nước Anh được chấp nhận là trường hợp ngoại lệ về khía cạnh thời gian trong vấn đề chi trả phúc lợi xã hội cho người lao động ở Anh là công dân của các nước thành viên EU. Đối với EU, xưa nay nước Anh luôn là trường hợp ngoại lệ, không trên lĩnh vực này thì cũng trong chuyện khác. Nhưng ông Cameron cố tình hiểu về trường hợp ngoại lệ này theo hướng nước Anh được dành cho quy chế tư cách thành viên đặc biệt bởi dân chúng trên đảo quốc này vốn thích tự ru ngủ mình bằng cảm giác nước Anh ở trong EU nhưng không giống như mọi thành viên khác của EU. Ông Cameron kỳ vọng tác động tới tâm lý cử tri Anh như thế sẽ đảm bảo kết quả cuộc trưng cầu dân ý sẽ thuận cho việc nước Anh vẫn là thành viên EU. Ông Cameron thu về cái lợi trước mắt ấy nhưng rồi sẽ phải trực diện với cái hại về sau là khi dân chúng và dư luận nhận ra rằng những nhượng bộ của EU chỉ mang tính danh nghĩa chứ gần như chẳng thực chất gì, chỉ là sự khẳng định lại những gì nước Anh đã có được chứ không phải nước Anh vừa có được nhiều thêm đáng kể từ EU, lại càng không có chuyện ông Cameron đã buộc EU phải chấp nhận cải tổ cơ bản và sâu sắc về cả định hướng phát triển lẫn nguyên tắc tổ chức.

EU được cái lợi trước mắt là giữ nước Anh ở lại trong liên minh. Thật ra EU đâu có mất gì khi làm cho ông Cameron hài lòng với sự khẳng định không bắt buộc nước Anh có trách nhiệm phải tham gia liên kết sâu chặt hơn về chính trị và thể chế bởi từ trước tới nay, EU vẫn như thế đối với nước Anh. EU đâu có mất gì khi để cho ông Cameron khi về lại đảo quốc tung hô là nước Anh sẽ không phải tham gia "siêu Nhà nước EU" bởi EU đâu có đề ra tôn chỉ mục đích vươn tới trở thành siêu nhà nước kia. Nhưng cái hại về lâu dài đối với EU là đã tạo tiền lệ mới khi một thành viên có thể chèn ép cả liên minh, một thành viên có thể dùng chính tư cách thành viên để mặc cả với liên minh, một thành viên có thể biến liên minh thành con tin cho chuyện chính trị nội bộ và đấu tranh quyền lực của mình. EU như thế chứng tỏ yếu chứ không mạnh, nội bộ phân rẽ chứ không thống nhất, dễ thay đổi chứ không kiên định nguyên tắc. Như thế thì lợi trước không thể bù được cho hại sau.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần