Anh đề nghị NATO triển khai lực lượng “quy mô lớn” nhằm đối phó Nga

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố London sẽ đề nghị Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) triển khai “quy mô lớn” binh sĩ, vũ khí, tàu chiến, máy bay tại châu Âu để đáp trả động thái "gia tăng thù địch" của Nga nhằm vào Ukraine.

Thủ tướng Ảnh Boris Johnson. Ảnh: AFP
Thủ tướng Ảnh Boris Johnson. Ảnh: AFP

Theo AFP, Văn phòng Thủ tướng Boris Johnson ngày 29/1 cho biết đề xuất sẽ được nêu ra với các chỉ huy NATO vào tuần tới, theo đó Anh có thể tăng gấp đôi quân số khoảng 1.150 binh sĩ hiện nay tại các nước Đông Âu và các loại “vũ khí phòng thủ” đã được gửi tới Estonia.

"Điều này sẽ gửi thông điệp rõ ràng tới Điện Kremlin rằng chúng tôi không dung thứ cho hoạt động gây bất ổn của họ và chúng tôi luôn sát cánh cùng các đồng minh NATO khi đối mặt sự thù địch của Nga”, Thủ tướng Johnson nói hôm 29/1.

Thủ tướng Johnson thông báo đã ra lệnh cho quân đội Anh sẵn sàng triển khai lực lượng trên khắp châu Âu vào tuần tới để có thể "hỗ trợ các đồng minh NATO trên bộ, trên biển và trên không".

Theo Văn phòng Thủ tướng Anh, động thái triển khai tiêm kích, chiến hạm, binh sĩ này sẽ củng cố khả năng phòng thủ của NATO và nhấn mạnh khả năng hỗ trợ của Anh với các các đối tác Bắc Âu và Baltic. Khoảng 900 binh sĩ Anh đang đồn trú tại Estonia, hơn 100 người tại Ukraine làm công tác huấn luyện và một đội bộ binh cơ giới khoảng 150 người tại Ba Lan.

Trong khi đó, tàu sân bay Anh HMS Prince of Wales đang hoạt động tại khu vực Bắc Cực thuộc châu Âu và được đặt trong chế độ sẵn sàng lên đường nếu căng thẳng gia tăng.

Các động thái quân sự này được tiến hành song song với hoạt động ngoại giao. Theo kế hoạch, Ngoại trưởng Anh Liz Truss và Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace sẽ tới Moscow hội đàm với những người đồng cấp trong vài ngày tới. "Họ sẽ đề nghị cải thiện quan hệ với chính phủ của Tổng thống Vladimir Putin và khuyến khích giảm căng thẳng", thông báo của Văn phòng Thủ tướng Anh cho hay.

Cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang từ hồi tháng 11/2021, khi phương Tây cáo buộc Nga điều khoảng 100.000 binh sĩ áp sát biên giới Ukraine với kế hoạch tiến đánh nước này. Tuy nhiên, Moscow bác cáo buộc và khẳng định mọi động thái đều nhằm tự vệ. Các cuộc hội đàm an ninh giữa Nga và Mỹ trong tháng này đã không thể xoa dịu căng thẳng, dù hai bên nhất trí tiếp tục thảo luận.

Hồi tháng 12 năm ngoái, Nga đã gửi đến Mỹ đề xuất an ninh 8 điểm. Trong đó, Nga yêu cầu NATO rút toàn bộ binh sĩ và vũ khí khỏi những nước gia nhập liên minh sau năm 1997, gồm Ba Lan, Estonia, Litva, Latvia và các nước vùng Balkan. Moscow cũng muốn NATO ngừng mở rộng về phía đông, không kết nạp Ukraine vào khối và không diễn tập tại Ukraine, Đông Âu, Trung Á và các nước vùng Kavkaz nếu chưa có sự đồng thuận từ Nga.

Mỹ và NATO đã gửi phản hồi về các yêu cầu an ninh này, nhưng Điện Kremlin chưa đưa ra câu trả lời cuối cùng.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 28/1 nói rằng Moscow không mong muốn xảy ra chiến tranh nhưng sẽ không để các nước phương Tây “bỏ qua” những quan ngại về an ninh của Nga. Ngoại trưởng Lavrov lưu ý thêm rằng nếu Mỹ không sẵn sàng xem xét lại quan điểm về các vấn đề an ninh từ Nga, chắc chắn Moscow cũng sẽ không sẵn sàng đưa ra bất kỳ sự thỏa hiệp nào đối với yêu cầu của Washington. "Nếu Mỹ khẳng định rằng sẽ không thay đổi quan điểm, Nga cũng sẽ giữ nguyên quan điểm của mình”, ông Lavrov tuyên bố.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần