Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Anh rời EU - sát giờ vẫn vướng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Càng gần đến cuộc trưng cầu dân ý lịch sử về việc Anh sẽ ở lại hay rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), nhiều vấn đề pháp lý chưa rõ ràng càng lộ diện.

Anh rời EU - sát giờ vẫn vướng - Ảnh 1
Ngày 23/6, người dân Anh sẽ tham gia cuộc trưng cầu dân ý về việc nước này sẽ ở lại hay tách khỏi liên minh 28 thành viên này. Tuy nhiên, một vấn đề khiến nhiều người lo ngại là tình trạng của 3 triệu công dân EU đang sinh sống ở Anh. Theo quy định, các công dân EU được phép sống và làm việc tại bất kỳ quốc gia EU nào. Vì vậy, vấn đề là, nếu Anh rời EU, các công dân từ các nước thuộc liên minh liệu có phải rời Anh hay không. Trả lời về quá trình “ra riêng” chưa hề có tiền lệ, người phát ngôn Bộ Nội vụ Anh thừa nhận, các bước tiến hành quá trình này diễn ra như thế nào vẫn chưa cụ thể. Vị này cũng không giải thích liệu công dân EU sẽ được quyền ở lại Anh hay có bất kỳ kế hoạch dự phòng nhằm bảo vệ cộng đồng này trước những thách thức pháp lý hay không.

Thậm chí, giới chính trị gia còn có các câu trả lời không thống nhất về vấn đề này. Người phát ngôn Bộ Nội vụ Anh cho biết, nếu kết quả cuộc trưng cầu dân ý ủng hộ Anh rời khỏi EU, sẽ không có quy định nào của EU đảm bảo các quyền này sẽ được duy trì. Nhưng trái lại, ông Boris Johnson - cựu Thị trưởng TP London, người đi đầu trong cuộc vận động ủng hộ Anh “ra riêng” cho biết, tất cả những người đã ở Anh sẽ tiếp tục được hưởng nguyên vẹn các quyền của mình. Trước các phát ngôn thiếu đồng bộ này, vừa qua, một loạt các tổ chức như liên quan đến vấn đề nhập cư như Migration Watch, British Future, Open Europe, Policy Exchange... đã phải gửi một kiến nghị chung, yêu cầu tất cả các bên phải đảm bảo rằng, bất kỳ thay đổi nào cũng không ảnh hưởng đến nguyên tắc tự do di chuyển của những người đã di cư đến EU. Ông Sunder Katwala - Giám đốc tổ chức British Future khẳng định, tất cả các bên trong cuộc trưng cầu cần có một sự đồng thuận chung và đảm bảo, bất kỳ thay đổi trong tương lai sẽ không ảnh hưởng tới những người nhập cư.

Mặc dù vậy, câu hỏi về việc liệu công dân EU ở Anh sẽ chắc chắn có quyền ở lại, hay sẽ phải làm những thủ tục nào trong trường hợp muốn ở lại vẫn chưa nhận được câu trả lời cụ thể. Điều này càng khẳng định, người dân Anh vẫn tù mù về những gì họ phải đối mặt sau khi bỏ phiếu vào ngày 23/6 tới. Điều này cũng thể hiện qua kết quả một cuộc khảo sát mới đây của Ủy ban Bầu cử Anh, khi có khoảng 7,5 triệu người dân Anh không đăng ký bỏ phiếu và khoảng 20% dân số nước này chưa đăng ký hoặc không biết mình có tên trong danh sách bỏ phiếu hay không.

Trong buổi phát động chiến dịch vận động người dân bỏ phiếu, Thủ tướng Anh David Cameron nhấn mạnh, đây là "lựa chọn của cả một thế hệ". Điều quan trọng là từ giờ cho đến ngày nước Anh phải ra quyết định lịch sử chỉ còn chưa đầy 40 ngày. Liệu các nhà lãnh đạo xứ sở sương mù có giải quyết được êm thấm các tồn tại pháp lý mà cuộc “đào thoát” này đặt ra hay không.