Truyền thông Anh hôm 19/6 đưa tin, Vương quốc Anh đã ra luật cho phép lưu giữ và thanh lý các tài sản bị phong tỏa của Nga bị tịch thu, qua đó tạo tiền lệ cho các nước phương Tây.
Theo các cơ quan truyền thông Anh, luật này sẽ đảm bảo rằng các tài sản bị đóng băng thuộc về nhà nước và cá nhân của Nga có thể bị tịch thu. Vương quốc Anh trở thành chính phủ châu Âu đầu tiên thực hiện một bước đi như vậy.
Ngoại trưởng Anh James Cleverly khẳng định: “Thông qua các biện pháp mới, chúng tôi đang củng cố cách tiếp cận trừng phạt của chính quyền London, khẳng định rằng Vương quốc Anh sẵn sàng sử dụng các biện pháp trừng phạt đảm bảo Nga phải trả tiền để tái thiết đất nước Ukraine”.
Nhiều chính phủ phương Tây, bao gồm cả Thụy Sĩ, cho đến nay vẫn chưa tiến hành việc tịch thu tài sản của Nga, bất chấp áp lực ngày càng tăng từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Có lo ngại rằng điều đó sẽ tạo tiền lệ cho các tài sản phương Tây nắm giữ ở nước ngoài cũng bị tịch thu, và do đó tác động tiêu cực lên niềm tin của các nhà đầu tư vào hệ thống ngân hàng châu Âu.
Trong suốt thời gian qua, Brussels và các đồng minh đang xem xét những biện pháp nhằm tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga. Hội đồng Châu Âu gần đây đã thiết lập một sổ đăng ký kỹ thuật số về thiệt hại ở Ukraine - một động thái được xem là bước đầu tiên hướng tới việc tạo ra một “cơ chế bồi thường quốc tế”.
Các biện pháp mới cũng sẽ bắt buộc bất kỳ cá nhân nào bị chỉ định theo lệnh trừng phạt phải khai báo tất cả tài sản được nắm giữ ở Anh. Việc không tuân thủ quy định sẽ bị phạt hoặc tịch thu tiền.
Theo Ngân hàng Trung ương Nga, Anh đã đóng băng 26 tỷ bảng Anh (32,1 tỷ USD) tài sản thuộc về nhà nước Nga kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine.
Trong khi đó, EU mới đây bày tỏ lo ngại vị thế đồng euro gặp nguy hiểm do hành vi lợi dụng ngoại tệ Nga bị đóng băng.
Tờ Financial Times trích dẫn một dự thảo lưu ý nội bộ từ Hội đồng Quản trị của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết, ngày 16/6, ECB cảnh báo riêng với Ủy ban châu Âu về việc khai thác tiền lãi từ các tài sản bị đóng băng của Nga.
Cơ quan quản lý tài chính của EU được cho là lo ngại động thái này có thể gây nguy hiểm cho niềm tin vào đồng euro với tư cách là một loại tiền tệ toàn cầu.
Các nhà lập pháp EU đang cân nhắc cách thức sử dụng một phần số tiền lãi từ ngoại tệ bị đóng băng của Nga để tái thiết Ukraine sau khi cuộc xung đột với Nga kết thúc.
Theo Financial Times, ECB lo ngại rằng những hành động như vậy có thể khuyến khích các ngân hàng trung ương nắm giữ dự trữ ngoại hối lớn “quay lưng” với đồng euro, đặc biệt nếu EU quyết định hành động đơn phương và không tham gia cùng các nước G7.
Một nhà ngoại giao EU giấu tên nói với tờ Financial Times rằng Ủy ban châu Âu đang hoàn thiện các đề xuất về khả năng khai thác tài sản bị đóng băng của Nga, dự kiến sẽ được công bố vào cuối tháng này.
Các kho lưu ký chứng khoán của EU đã phong tỏa khoảng 196,6 tỷ euro (215 tỷ USD) tài sản của Nga kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột. Trong đó, riêng Euroclear có trụ sở tại Bỉ trong quý I/2023 đã có 734 triệu euro (805 triệu USD) tiền lãi từ số tiền bị đóng băng của Nga.
Tổng cộng, các chính phủ phương Tây đã đóng băng khoảng 300 tỷ USD tài sản của Ngân hàng trung ương Nga kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, và tịch thu tài sản trị giá hơn 80 tỷ USD thuộc về các công dân và doanh nghiệp Nga.
Điện Kremlin nhiều lần cảnh báo rằng Nga sẽ trả đũa bằng biện pháp tương tự nếu thấy cần thiết.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF) hôm 16/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin mô tả những hành động này là “thời trung cổ”.
“Nhiều doanh nhân kinh ngạc khi thấy tài khoản của họ ở phương Tây bị đóng băng. Không ai có thể tưởng tượng được. Họ phong tỏa tài khoản, lấy đi và thậm chí không giải thích tại sao. Thật sốc, hành động đó giống như thời trung cổ vậy” - Tổng thống Nga nói.