Anh và EU mở ra chương hợp tác mới sau Brexit
Kinhtedothi - Trong bối cảnh địa chính trị đầy biến động, thỏa thuận Anh - EU không chỉ là nỗ lực hàn gắn những rạn nứt sau Brexit mà còn đặt nền móng cho sự ổn định chung giữa hai bên.
Ngày 19/5 tại London, các nhà lãnh đạo Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã công bố một thỏa thuận mang tính bước ngoặt, đánh dấu sự “tái thiết” mối quan hệ hậu Brexit.
Thỏa thuận này, được Thủ tướng Anh Keir Starmer, Chủ tịch Hội đồng châu Âu António Costa và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đánh giá cao, mở ra một giai đoạn hợp tác mới trong các lĩnh vực thương mại, quốc phòng và di cư.
Bước tiến trong quốc phòng và an ninh
Một trong những điểm nhấn của thỏa thuận là lĩnh vực quốc phòng, được xem là bước đi chiến lược nhằm tăng cường hợp tác giữa Anh và EU trong bối cảnh an ninh châu Âu đang chịu nhiều áp lực. Cụ thể, Anh sẽ có cơ hội tiếp cận chương trình vay 150 tỷ euro của EU dành cho mua sắm chung và đầu tư quốc phòng, vốn trước đây chủ yếu dành cho các quốc gia thành viên EU và một số đồng minh được chọn lọc.

Chủ tịch Hội đồng Châu Âu António Costa, Thủ tướng Anh Keir Starmer và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: Neil Hall/EPA-EFE
Chính phủ London nhấn mạnh rằng, thỏa thuận sẽ tạo điều kiện cho ngành công nghiệp quốc phòng nước này tham gia vào các dự án lớn, từ đó củng cố vị thế của Anh như một trong những quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu, với 3,6% tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí toàn cầu trong giai đoạn 2020-2024.
Hơn nữa, hai bên đã đồng ý tổ chức các cuộc họp định kỳ 2 năm một lần giữa Đại diện cấp cao EU về Ngoại giao và An ninh Kaja Kallas và các bộ trưởng ngoại giao, quốc phòng Anh. Các hoạt động hợp tác sẽ bao gồm chia sẻ thông tin, kể cả thông tin mật, và thực hiện các bài tập quản lý khủng hoảng chung.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu António Costa nhấn mạnh rằng, Anh và EU là “những người bảo vệ trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ”, đồng thời khẳng định vai trò của cả hai trong việc duy trì ổn định khu vực và quốc tế. Thỏa thuận này không chỉ tăng cường năng lực quân sự mà còn củng cố niềm tin giữa hai bên trong việc đối phó với các thách thức an ninh chung, từ an ninh mạng đến các biện pháp trừng phạt.
Thương mại và di cư: Giảm rào cản, tăng cơ hội
Trong lĩnh vực thương mại, thỏa thuận tập trung vào việc giảm các rào cản hậu Brexit, đặc biệt trong ngành nông sản và thực phẩm. Kể từ khi Anh rời EU, xuất khẩu thực phẩm sang EU đã giảm 34% so với năm 2019, do các yêu cầu kiểm tra an toàn nghiêm ngặt và các quy định về chứng nhận.
Thỏa thuận mới hứa hẹn giảm bớt các thủ tục này, cho phép các sản phẩm như thịt bò sống, xúc xích và hamburger của Anh được quay lại thị trường EU. Đổi lại, Anh phải tuân thủ “đồng bộ động” với các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và phúc lợi động vật của EU, đồng thời chấp nhận vai trò giám sát của Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) trong lĩnh vực này.
Với giá trị xuất khẩu thực phẩm và đồ uống sang EU đạt 16,6 tỷ euro trong năm 2023, chiếm 57% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành, thỏa thuận này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, dù chỉ ở mức khiêm tốn khoảng 0,3-0,7% GDP vào năm 2040, theo ước tính từ Trung tâm Cải cách châu Âu.
ĐỌC NGAY: Anh thúc đẩy khuôn khổ quan hệ mới với EU hậu Brexit
Về di cư, một chương trình “trải nghiệm thanh niên” đã được đề xuất, thay thế cho cụm từ “di chuyển thanh niên” để tránh liên tưởng đến chính sách nhập cư tự do. Dù chi tiết vẫn đang được đàm phán, chương trình này nhằm tạo điều kiện cho giới trẻ Anh và EU học tập và làm việc tại mỗi bên trong một khoảng thời gian giới hạn.
Tuy nhiên, đề xuất này đã vấp phải tranh cãi, đặc biệt khi Anh cam kết giảm mạnh mức nhập cư ròng trong những năm tới. Các chuyên gia nhận định chương trình có thể làm tăng nhập cư trong ngắn hạn, nhưng nếu được quản lý tốt, tác động lâu dài sẽ không đáng kể.
Ngoài ra, Anh cũng đồng ý cho phép công dân sử dụng "Hệ thống kiểm soát biên giới tự động" (eGates) tại sân bay của các nước EU, giúp giảm thời gian chờ đợi tại các trạm kiểm soát biên giới, dù việc triển khai có thể phải đợi đến khi hệ thống Nhập/Xuất Cảnh (EES) của EU có hiệu lực vào tháng 10.
Một điểm gây tranh cãi khác là thỏa thuận về đánh bắt cá. EU đã giành được quyền tiếp cận vùng biển Anh cho các tàu đánh cá đến ngày 30/6 năm 2038, kéo dài gấp 3 lần so với đề xuất ban đầu của Anh.
Dù ngành thủy sản chỉ chiếm 0,04% GDP Anh, đây là một vấn đề nhạy cảm về chính trị. Các nhóm ngư dân, đặc biệt từ Scotland, đã chỉ trích mạnh mẽ thỏa thuận, khi cho rằng nó này làm suy yếu quyền đàm phán của họ và có thể đe dọa ngành đánh bắt cá trong nước.
Thách thức chính trị và hướng đi tương lai
Dù được ca ngợi là “thắng lợi đôi bên,” thỏa thuận vẫn vấp phải sự phản đối mạnh mẽ trong nội bộ nước Anh. Phe đối lập tại Anh, gồm đảng Bảo thủ và đảng Cải cách Vương Quốc Anh, gọi đây là sự “phản bội” Brexit, đặc biệt khi Anh phải tuân thủ các quy định của EU mà không có quyền quyết định.
Một số tờ báo lớn tại Anh, như The Telegraph hay The Guardian, đã đăng bài viết chỉ trích Thủ tướng Keir Starmer, khi cho rằng ông đã nhượng bộ quá nhiều, từ quyền đánh bắt cá đến việc chấp nhận thẩm quyền của ECJ. Tuy nhiên, Thủ tướng Starmer vẫn giữ vững cam kết không tái gia nhập thị trường chung, liên minh hải quan hay khôi phục tự do di chuyển, và khẳng định rằng đây là một phiên bản “Brexit cứng” nhưng thực tế hơn.
Về phía EU, thỏa thuận được xem là cách để củng cố vị thế kinh tế và ngoại giao trước Mỹ, đặc biệt khi Tổng thống Donald Trump áp đặt nhiều đợt thuế quan. EU cũng cần sự hợp tác của Anh, một cường quốc quốc phòng, để xây dựng hệ thống an ninh châu Âu đáng tin cậy.
Dù vậy, các cuộc đàm phán chi tiết sắp tới sẽ không dễ dàng. Pháp và Bỉ, những quốc gia có lợi ích lớn trong ngành đánh bắt cá, có thể phản đối việc Anh tham gia vào các chương trình quốc phòng của EU. Trong khi đó, áp lực từ các nhóm bảo thủ và dư luận trong nước vẫn là thách thức lớn đối với Thủ tướng Starmer.
Nhìn xa hơn, thỏa thuận Anh - EU không chỉ là một bước đi giảm căng thẳng mà còn thiết lập một cơ chế đối thoại thường xuyên thông qua các hội nghị thượng đỉnh hàng năm. Đây được xem là điểm sáng nhất, tạo nền tảng để hai bên tiếp tục đàm phán và có thể xem xét lại các “lằn ranh đỏ” trong tương lai.
Dù không xóa bỏ hoàn toàn những thiệt hại kinh tế từ Brexit, vốn được dự báo làm giảm 4% GDP dài hạn, nhưng thỏa thuận được xem là một nỗ lực thực dụng để giảm thiểu các rào cản và xây dựng một tương lai hợp tác. Dù chỉ mang lại mức tăng trưởng kinh tế khiêm tốn, nó vẫn đánh dấu một bước chuyển từ tâm thế “đôi bên cùng thiệt” của Brexit sang một cách tiếp cận “đôi bên cùng có lợi”, mở ra hy vọng về một mối quan hệ ổn định và cùng có lợi giữa Anh và EU
Với sự thay đổi trong dư luận, khi hơn 55% người Anh hiện cho rằng Brexit là sai lầm theo khảo sát của YouGov, và phần lớn ủng hộ mối quan hệ gần gũi hơn với EU, thỏa thuận có triển vọng mở đường cho một mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa hai phía, dù không phải là sự trở lại hoàn toàn mối quan hệ như trước thời điểm Anh rút khỏi EU.

Thỏa thuận thương mại Mỹ - Anh mở đường xuất khẩu nông sản, ô tô, thép
Kinhtedothi - Trong bối cảnh Anh tìm kiếm các đối tác mới sau Brexit và Mỹ siết chặt chính sách thuế quan toàn cầu, thỏa thuận thương mại song phương vừa được công bố đánh dấu bước khởi đầu chiến lược cho cả hai nền kinh tế.

Anh và Đức hợp tác phát triển vũ khí tấn công tầm xa hơn 2.000km
Kinhtedothi - Ngày 15/5, Chính phủ Anh tuyên bố sẽ hợp tác với Đức để phát triển một loại vũ khí tấn công chính xác tầm xa mới, có tầm bắn vượt 2.000km, nhằm tăng cường năng lực phòng thủ của châu Âu trong bối cảnh môi trường an ninh khu vực ngày càng bất ổn.

Anh và EU tăng cường trừng phạt Nga giữa bế tắc ngoại giao
Kinhtedothi - Liên minh châu Âu (EU) và Vương Quốc Anh hôm 20/5 đã công bố các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Nga, tập trung vào "hạm đội ngầm" vận chuyển dầu bất hợp pháp cùng các chuỗi cung ứng quân sự.