Trong ngày 12/2, lực lượng cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria tiếp tục tìm thấy những người sống sót thần kỳ 6 ngày sau trận động đất lịch sử ở Trung Á.
Theo Reuters, tại Syria, đội cứu hộ Trung Quốc và lính cứu hỏa Thổ Nhĩ Kỳ đã cứu được ông Malik Milandi, 54 tuổi, được tìm thấy sau 6 ngày mắc kẹt dưới đống đổ nát ở Antakya.
Trong khi đó, tại Thổ Nhĩ Kỳ, Thị trưởng Istanbul cho biết, một bé gái có tên Reem Khaled Naasani), 13 tuổi được tìm thấy sau khoảng 162 giờ trận động đất ở tỉnh Hatay (phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ).
Cũng tại tỉnh Hatay, đội cứu hộ Romania đã đưa một người đàn ông 35 tuổi tên Mustafa Sarıgülra khỏi đống đổ nát của một tòa nhà, khoảng 149 giờ sau trận động đất.
Thổ Nhĩ Kỳ cho biết khoảng 80.000 người đang được điều trị trong bệnh viện, với hơn 1 triệu người ở nơi trú ẩn tạm thời.
Theo hãng tin CNN, tính đến tối ngày 12/2 (giờ địa phương), số người thiệt mạng trong trận động đất ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền Bắc Syria đã tăng lên 34.179 người.
Trung tâm điều phối khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ SAKOM cho biết nước này ghi nhận 29.605 người tử vong trong trận động đất hôm 6/2.
Tại Syria, theo báo cáo của Bộ Y tế, số người thiệt mạng tính đến ngày 12/2 là 4.574.
Reuters đưa tin chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đang nhắm đến các nhà thầu được cho là có liên quan đến những tòa nhà bị đổ sập trong trận động đất mạnh ngày 6/2 vừa qua.
Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay cho biết cho 131 người đang bị điều tra liên quan đến trách nhiệm của họ trong việc xây dựng các tòa nhà bị sập trong động đất.
Mặc dù trận động đất rất mạnh, nhiều người ở Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng chất lượng công trình xây dựng kém đã làm gia tăng mức độ tàn phá và thiệt hại.
Quy định về xây dựng của Thổ Nhĩ Kỳ đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật chống động đất hiện hành, ít nhất là trên giấy tờ, nhưng những quy định này hiếm khi được thực thi. Điều này lý giải cho việc hàng ngàn tòa nhà bị đổ sập trong động đất.
Tại Syria, công tác cứu trợ đang gặp khó khăn do tình hình nội chiến kéo dài. Ngày 12/2, người phát ngôn Liên hợp quốc (LHQ) Jens Laerke cho biết viện trợ động đất của chính phủ Syria cho lãnh thổ do lực lượng đối lập kiểm soát đã bị trì hoãn. Điều này xảy ra do vấp phải sự ngăn cản của nhóm khủng bố Hayat Tahrir al-Sham (HTS).
Văn phòng viện trợ nhân đạo của LHQ nói với Reuters rằng “có vấn đề với sự chấp thuận” của HTS, nhưng không cung cấp thêm thông tin.
Một nguồn tin của HTS tại Idlib cho biết lực lượng này sẽ không cho phép bất kỳ chuyến hàng nào đến từ khu vực do chính phủ Syria kiểm soát. Nhóm chỉ chấp nhận viện trợ đến từ Thổ Nhĩ Kỳ về phía Bắc.
Tình trạng đối đầu tại Syria là một thách thức đối với các nhân viên cứu trợ.
Chuyến hàng cứu trợ động đất đầu tiên của châu Âu đã đến Damascus hôm 12/2.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói rằng họ đang chờ để vận chuyển hàng cứu trợ đến tỉnh Idlib, tây bắc Syria.
Ông Rick Brennan, giám đốc khẩn cấp WHO khu vực phía đông Địa Trung Hải nói với CNN rằng các chuyến hàng viện trợ chưa vào được vùng tây bắc Syria kể từ khi trận động đất xảy ra hôm 6/2.
Ông Brennan hy vọng rằng trong ngày 13/2, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus có thể thăm các khu vực bị ảnh hưởng bởi trận động đất, khu vực đang do quân nổi dậy kiểm soát.
Trước đó, hôm 11/2, Tổng giám đốc WHO đã đến TP Aleppo (Syria) - nơi bị động đất tàn phá nặng nề. Chuyến bay của ông Tedros mang theo vật tư y tế trị giá hơn 290.000 USD đến khu vực. Theo WHO, một chuyến bay khác dự kiến đến Syria vào ngày 12/2 mang theo “37 tấn vật tư y tế khẩn cấp để tiếp cận 300.000 người”.