"Chúng tôi có thể gửi cho Phần Lan một thông điệp khác (về việc xin gia nhập NATO của họ) và Thụy Điển sẽ bị sốc khi nhìn thấy thông điệp của chúng tôi. Tuy nhiên, Phần Lan không nên mắc sai lầm tương tự như Thụy Điển đã mắc phải" - Reuters dẫn bài phát biểu được phát sóng trên truyền hình ngày 29/1 của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết.
Thụy Điển và Phần Lan đã quyết định gia nhập NATO vào tháng 5/2022 trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Đề nghị này đã được 28 quốc gia thành viên NATO chấp thuận, ngoại trừ hai quốc gia chưa thông qua quyết định cuối cùng là Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Erdogan đưa ra phát biểu trên chỉ vài ngày sau khi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đình chỉ các cuộc đàm phán với Thụy Điển và Phần Lan sau một cuộc biểu tình ở Stockholm, trong đó một chính trị gia cực hữu đã đốt bản sao kinh Koran.
Theo nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, 3 quốc gia đã đạt được thỏa thuận về cách thức tiến hành đàm phán về việc gia nhập NATO tại Madrid vào tháng 6/2022, song Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói rằng Thụy Điển đã không giữ đúng cam kết trong thỏa thuận nói trên.
Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Thụy Điển đang chứa chấp các tay súng thuộc Đảng Công nhân người Kurd (PKK), một nhóm vũ trang bị Ankara cấm hoạt động và cáo buộc từng nổi dậy chống lại nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ năm 1984.
Trước đó, Tổng thống Erdogan khẳng định sẽ không ủng hộ việc Thụy Điển trở thành thành viên NATO, chừng nào Stockholm còn “không tôn trọng tín ngưỡng Hồi giáo và tiếp tục ủng hộ các tổ chức khủng bố”.
Ankara nêu ra điều kiện đối với hai nước Bắc Âu là phải giao nộp các nhà hoạt động bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là có liên quan đến khủng bố, để đổi lấy sự chấp thuận của nước này trong việc gia nhập NATO.
Theo thỏa thuận đạt được ở Madrid, Phần Lan và Thụy Điển đã nhất trí nỗ lực chống khủng bố, bao gồm tăng cường công tác dẫn độ và trục xuất các chiến binh từ đảng Công nhân người Kurd chống đối chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.
Ankara đã gửi cho Stockholm danh sách 120 cá nhân bị cáo buộc là khủng bố, đồng thời yêu cầu nhà chức trách Thụy Điển phải dẫn độ những người này sang Thổ Nhĩ Kỳ nếu muốn được kết nạp vào NATO. Tuy nhiên, các tòa án của Thụy Điển đã chặn một số vụ trục xuất các chiến binh có liên quan đến khủng bố.
Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson bày tỏ mong muốn khôi phục đối thoại với chính quyền Tổng thống Erdogan. Song, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 27/1 tuyên bố, việc tái khởi động các cuộc thương lượng là vô nghĩa. Quan chức này nói thêm, hiện không có đề nghị đánh giá việc xin gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan một cách riêng rẽ.