Áp lực với tân Thủ tướng Italy

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước sau gì thì Italy cũng thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, nhưng vấn đề là năm nay hay năm tới thì chưa thể dự đoán được. Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào chính sách kinh tế của chính phủ mới.

Được Tổng thống Giorgio Napoletano chỉ định làm Thủ tướng Italy và nhận nhiệm vụ thành lập một chính phủ mới, nhưng Matteo Renzi, gương mặt trẻ trung đang lên của nền chính trị nước này hiểu rằng, đây mới chỉ là bước khởi đầu của một chặng đường rất gian nan phía trước, mà chưa ai biết, liệu chính trị gia 39 tuổi này có khả năng đi thật dài hay không. 

Theo các nhà phân tích, một trong những áp lực lớn nhất của Renzi chính là việc thành công trên con đường mà hai Thủ tướng tiền nhiệm Mario Monti và Enrico Letta đã thất bại: chính sách kinh tế, cụ thể là những chương trình để tăng năng suất và hiệu quả, đồng thời giảm chi phí sản xuất, tạo thêm việc làm cho người lao động và giảm thuế cho các doanh nghiệp. 
Tân Thủ tướng Italy Matteo Renzi. (Nguồn: thecommentator.com)
Tân Thủ tướng Italy Matteo Renzi. (Nguồn: thecommentator.com)
Tất cả là để hướng tới việc đưa Italy ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế nặng nề nhất kể từ sau Thế chiến II, khiến 12,7% người lao động thất nghiệp, trong khi nợ công của nước này đã đạt 133% GDP, đứng thứ hai trong các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), chỉ sau Hy Lạp. 

Giáo sư kinh tế hàng đầu Italy và châu Âu Luigi Paganetto cho rằng, trước sau gì thì Italy cũng thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, nhưng vấn đề là năm nay hay năm tới thì chưa thể dự đoán được. Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào chính sách kinh tế của chính phủ mới. 

Không có gì ngạc nhiên khi Renzi đặt nặng vấn đề tìm một người đứng đầu Bộ phát triển kinh tế và Bộ công nghiệp thích hợp với những quan điểm và tính toán của ông cho việc đưa Italy vượt qua suy thoái. 

Những thất bại của người đi trước sẽ là cảnh báo cho Renzi trên con đường mới, bất kể Bộ trưởng kinh tế mới là ai. Trong 4 tháng đầu của mình, chính phủ Monti đã hết sức nỗ lực thực hiện một số cải cách được cho là then chốt trong việc cứu nền kinh tế Italy khỏi bị chìm. 

Thủ tướng kỹ trị này đã tiến hành cải cách lương hưu và đưa một số chính sách kinh tế khác, nhưng phải bỏ giữa chừng vì bất ổn chính trị và khủng hoảng thêm nghiêm trọng, khiến số người mất việc làm tăng vọt. 

Trước nhiệm kỳ của ông Monti, chỉ có 78 nghìn việc làm "bốc hơi" từ năm 2008 đến năm 2011, nhưng chỉ trong năm 2012, số người mất việc lên đến 248 nghìn người. 

Sau khi thay chính phủ Monti, nội các của ông Letta tiến hành những gì Monti còn dang dở và bắt tay vào những cải cách khác, trong đó có thị trường lao động, thuế nhà và đưa ra luật ngân sách 2014 gây tranh cãi khiến họ mất lòng dân, có thêm 433 nghìn người mất việc làm.

Hai chính phủ liên hiệp kết hợp một loạt các liên minh lớn nhỏ nhiều đảng phái đã không thành công trong chính sách của mình vì nhiều lý do khác nhau, nhưng một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của họ chính là thất bại trong chính sách kinh tế. 

Trong những cải cách mà Renzi tuyên bố sẽ thực hiện có cải cách về thị trường lao động và thuế. Đó là hai cải cách mà các chính phủ tiền nhiệm đều đã làm và thất bại. Theo giáo sư Paganetto, đây có thể là "bãi mìn" cho tân Thủ tướng Italy, người không có nhiều kinh nghiệm chính trị và đấy cũng là lý do tại sao ông cần một nhà hoạch định chính sách kiêm nhà kinh tế giỏi để làm cánh tay phải cho mình. 

Renzi đã liên lạc với các cựu thủ tướng Romano Prodi và Monti, vốn đều là những chuyên gia kinh tế hàng đầu, đã cố gắng thuyết phục các sếp của tập đoàn kính thời trang nổi tiếng Luxottica cho vị trí Bộ trưởng phát triển kinh tế, nhưng tất cả đều khước từ.

Trong khi tìm kiếm một Bộ trưởng như thế, Renzi đã vạch ra một chương trình kinh tế mà nhật báo có thiên hướng thân giới chủ công nghiệp La Stampa gọi là "liệu pháp sốc của Renzi."

Theo liệu pháp đó, Italy sẽ có thêm 200 nghìn việc làm cho thanh niên, trong khi các doanh nghiệp sẽ được giảm thuế để tạo điều kiện thoát khỏi khủng hoảng. Chính sách việc làm mới sẽ được hỗ trợ bởi một cải cách về thuế, theo đó, nhà nước sẽ chặt chẽ và mạnh tay hơn trong việc truy thu thuế. 

Về thị trường lao động, để giảm bớt tình trạng thất nghiệp, Renzi đề xuất xem xét lại hợp đồng của những người lao động bấp bênh và vụ việc, hỗ trợ tài chính cho những người mất việc làm một cách rõ ràng và đánh giá lại một cách cụ thể hiệu quả công việc của khu vực hành chính công. Renzi ủng hộ những hợp đồng mang tính dài hạn nhằm bảo vệ người lao động, nhất là người lao động mới và ở tuổi dưới 30.

Thuế thu nhập cho những người dưới 30 tuổi sẽ được giảm nhẹ hơn những người khác. Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng sẽ được giảm 10% thuế thu nhập đánh vào người lao động của họ nộp cho chính quyền các vùng.

Cải cách về việc làm, được báo chí Italy gọi là "Job Act," còn nhắm vào 7 khu vực mà Renzi mô tả là "một kế hoạch công nghiệp": văn hóa-du lịch-nông nghiệp, đồ hiệu made in Italy, công nghệ cao, kinh tế xanh, xây dựng, nghề thủ công và phúc lợi xã hội. 

Theo báo chí Italy, Renzi kỳ vọng rằng, với "Job Act", Italy sẽ có ít nhất 1 triệu người tìm được việc làm từ nay cho đến 2015. Tuy nhiên, điều này không hề dễ dàng. 20 năm trước, Berlusconi cũng không thực hiện được những lời hứa cải cách thị trường việc làm, và phải 4 năm sau đó, số người thất nghiệp mới giảm xuống. 

Về cải cách hành chính, chính phủ sẽ tiến hành một loạt chương trình nhằm cắt giảm nhân sự ở các vị trí không cần thiết trong các cơ quan hành chính công, giảm thiểu chi phí cho những người phụ thuộc ở các cơ quan hành chính từ cấp tỉnh. Hiện tại, bộ máy chính quyền từ cấp tỉnh trở lên đến chính quyền trung ương và các Bộ của Italy ngốn một khoản tiền khổng lồ hàng năm của ngân sách nhà nước về lương bổng và các chi phí khác. 

Với kế hoạch cải cách mới, việc cắt giảm số lượng tỉnh, tinh giản biên chế, giảm lương của các lãnh đạo cấp cao các cơ quan hành chính, giảm số xe công... có thể giúp Italy tiết kiệm mỗi năm từ 800 triệu euro đến 1,5 tỷ euro. 

Trong khi đó, cải cách về thuế, dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận và sau đó soạn thành dự luật vào tháng 5-2014, sẽ giúp người lao động và các doanh nghiệp giảm gánh nặng đến thu nhập và doanh thu của họ.

Theo đó, Italy sẽ giảm thuế từ 38% xuống còn 35% đối với những người có thu nhập đến 55 nghìn euro/năm, giảm từ 45% xuống 43% với những người có thu nhập đến 120 nghìn euro/năm. 

Trong khi đó, thuế đánh vào doanh nghiệp giảm 10%. Theo các nhà phân tích, kế hoạch này có thể làm tăng việc làm, giúp cho nền kinh tế tăng trưởng trở lại, nhưng cũng sẽ tạo ra lỗ hổng ngân sách vì mất hàng tỉ euro tiền giảm thuế. 

Theo giáo sư Paganetto, 3 kế hoạch cải cách này của Thủ tướng được chỉ định Renzi là rất tham vọng và không dễ thực hiện. Áp lực lên Renzi là không nhỏ, và điều kiện chính trị lúc này của Italy có thể buộc ông phải thực hiện một số thỏa hiệp với các đảng phái liên minh và đối lập để đạt được mục đích của mình.

Giáo sư Paganetto cho rằng, kinh tế là bài toán khó nhất đối với Renzi và tân Thủ tướng Italy cần phải thực tế và thận trọng trên con đường thực hiện các chính sách của mình, để vừa không mất lòng dân chúng, vừa đạt được tiếng nói chung với các đảng phái khác. Có như vậy, ông mới tránh khỏi rơi vào vết xe đổ của những người tiền nhiệm Monti và Letta.