ASEAN đối mặt nhiều thách thức

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 49 năm kể từ ngày thành lập (8/8/1967 - 8/8/2016), ASEAN đã trở thành một cộng đồng an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội và vị thế ngày càng được củng cố. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ASEAN và các nước thành viên đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức về chính trị, an ninh…

ASEAN - một nền tảng vững chắc

Kể từ khi thành lập cho đến nay, ASEAN đã chuyển hóa khu vực Đông Nam Á từ nghi kị, đối đầu thành một khối hòa bình, ổn định và hợp tác thông qua nhiều sáng kiến về chính trị, an ninh cũng như kinh tế. Thiết lập nhiều khuôn khổ quan hệ liên khu vực như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC); Hội nghị Thượng đỉnh Á - Âu (ASEM), thông qua việc xây dựng Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA)… Những thành tựu này đã giúp ASEAN duy trì được quan hệ ổn định với bên ngoài, tranh thủ được các nguồn lực để phát triển, và nâng cao vị thế của tổ chức trên trường quốc tế.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Lào.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Lào.
Theo số liệu được công bố trong Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) lần thứ 48 tại Vientiane (Lào): Năm 2015, tổng GDP của ASEAN là 2,43 nghìn tỷ USD, trở thành nền kinh tế đứng thứ 6 trên thế giới. Tổng kim ngạch thương mại ASEAN đạt 2,28 nghìn tỷ USD, trong đó thương mại nội khối đạt 547,2 tỷ USD (chiếm 24%).

Riêng với Việt Nam, ASEAN là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu, chiếm khoảng 13% tổng giá trị thương mại của cả nước. Năm 2015, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với thị trường ASEAN đạt khoảng 42 tỷ USD. Các DN Việt Nam đã xuất khẩu 18,16 tỷ USD giá trị hàng hóa sang thị trường ASEAN, chiếm 11,2% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Những con “sóng ngầm”

Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với những nguy cơ lớn về an ninh chính trị và khủng bố, các nước ASEAN cũng không tránh khỏi bị cuốn vào vòng xoáy nguy hiểm này. Trong danh sách mà tạp chí Dabiq - ủng hộ Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng liệt kê hồi tháng 4/2016, 3 nước Malaysia, Indonesia và Philippines đã trở thành mục tiêu tấn công của IS. Gần đây, chính quyền Indonesia đã bắt được 6 nghi phạm khủng bố bị tình nghi đang lên kế hoạch tấn công vịnh Marina của Singapore bằng tên lửa phóng đi từ đảo Batam của nước này. 6 tên này được cho là thuộc mạng lưới Katibah Nusantara - nhóm các tay súng đến từ Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan xin theo IS.

Ở Philippines, chiến dịch thanh trừng tội phạm mạnh tay của Tổng thống Rodrigo Duterte có thể đã góp phần biến Davao thành một ốc đảo bình yên và an toàn. Tuy vậy, việc sai sót khi bắn nhầm dân thường đã trở thành biểu tượng cho những tổn thất về người mà cuộc chiến của ông Duterte gây ra.

Còn tại Thái Lan, hàng chục triệu cử tri vừa đi bỏ phiếu trưng cầu ý kiến về dự thảo Hiến pháp mới do quân đội bảo trợ hôm 7/8. Theo đó, cuộc trưng cầu dân ý này giống như một cuộc thách đấu chính trị giữa Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia (NCPO) với các chính đảng. Dù kết quả sơ bộ cho thấy cử tri đã nhất trí thông qua bản Hiến pháp mới, nhưng những mâu thuẫn giữa phe dân chủ và quân đội trên chính trường Thái Lan vẫn khó giải quyết trong thời gian một sớm, một chiều.

Được thành lập với sứ mệnh tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định, đoàn kết... cho các nước thành viên, tuy nhiên, các mối đe dọa từ vấn đề an ninh chính trị, chống khủng bố đang trở thành những con "sóng ngầm" nguy hiểm, đòi hỏi các quốc gia Đông Nam Á cần phải hợp tác để vượt qua.