Theo chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành, tận dụng triệt để hơn nữa những cơ hội từ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ giúp DN Việt Nam vững vàng khi tham gia những thị trường rộng lớn hơn.
Nhìn lại gần 50 năm hình thành, ông đánh giá thế nào về những đóng góp của ASEAN vào nền kinh tế khu vực?
Bản chất hội nhập ASEAN là liên kết chính phủ, tôn trọng chủ quyền các nước với nguyên tắc cao nhất là đồng thuận, không can thiệp công việc nội bộ. Thể chế đó cùng 3 chân kiềng về chính trị, văn hóa xã hôị và liên kết kinh tế của ASEAN được cho là vừa phải, phù hợp với cộng đồng quốc gia thành viên còn đa dạng về chính trị, trình độ; giúp khối có bước đi dần dần tiệm tiến, tránh được những cú sốc. Có thể nói, cho đến nay ASEAN là liên kết khu vực có sức sống nhất. Vị thế của ASEAN trong việc duy trì vai trò trung tâm, sáng kiến kiến tạo, nuôi dưỡng duy trì các cấu trúc khu vực quốc tế, đóng góp cho ổn định an ninh khu vực, tạo nền tảng vững chắc cho các hợp tác phát triển kinh tế.
Đối với Việt Nam, vai trò của ASEAN đang ngày càng quan trọng. Đặc biệt về liên kết kinh tế, tiềm năng của khu vực 625 triệu dân còn rất lớn, là trung tâm kết nối đầu tư, hợp tác cùng có lợi. Đây là sân chơi để tập dượt trước khi các DN Việt Nam vươn ra "biển lớn", trở thành đối tác trong những thị trường quy mô rộng hơn, và là nơi để Việt Nam dần tạo tạo vị thế. Cùng với vai trò trung tâm, ASEAN đã hỗ trợ tích cực để Việt Nam dễ dàng tham gia các diễn đàn, cơ chế đa phương.
Theo ông, các DN Việt Nam đã tận dụng tốt được thị trường rộng lớn này, đặc biệt là những cơ hội từ AEC?
Kim ngạch thương mại Việt Nam - ASEAN trong những năm gần đây loanh quanh mức 20%, dù giá trị tuyệt đối có tăng nhưng tỷ trọng chưa bứt phá được như kỳ vọng. Thứ nhất, khả năng đáp ứng tiêu chuẩn, quy tắc xuất xứ của DN Việt Nam còn rất hạn chế. Cho đến nay chỉ có 2 DN Việt nam đáp ứng được tiêu chuẩn nguyên tắc xuất xứ ASEAN. Tỷ lệ thỏa mãn xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế của Việt Nam đã tăng nhưng vẫn chưa cao, xấp xỉ 25%.
Thứ hai, Việt Nam đã mở cửa hội nhập sâu rộng, tiếp cận nhiều thị trường thông qua các FTA. Do đó, có hiện tượng các DN dồn năng lực vào những thị trường mà hàng hóa Việt Nam có tính bổ trợ cao như Mỹ, EU, mà vẫn “bỏ quên” thị trường ASEAN còn nhiều dư địa tiềm năng. Tình trạng chệch hướng thương mại này đôi khi khiến DN bỏ qua cơ hội tốt nhất để tự nâng cao năng lực của chính mình.
Ông có thể đánh giá về mức độ của tình trạng chệch hướng thương mại này?
Sự chệch hướng này chưa đến mức báo động. Thực tế cho thấy DN Việt Nam thời gian qua cũng đã tận dụng cơ hội khá tốt từ AEC để tăng cường thương mại và đầu tư. Điều này thể hiện ở kim ngạch thương mại song phương từ ASEAN vào Việt Nam và từ Việt Nam sang ASEAN đều tăng trưởng qua các năm. ASEAN hiện là đối tác thương mại đứng thứ 3 của Việt Nam, cơ cấu thương mại cũng ngày càng thay đổi cả về mặt sản phẩm và bạn hàng. Về mặt đầu tư, không chỉ là ASEAN vào Việt Nam mà Việt Nam cũng tìm kiếm cơ hội rất nhiều, cam kết hàng chục tỷ USD vào các nước như Myanmar, Lào, Campuchia…Đây sẽ là tiền đề quan trọng để mở rộng các cơ hội hợp tác, gia tăng dòng thương mại theo hướng cân bằng hơn cho phía Việt Nam vào các quốc gia ASEAN.
Vậy tiến trình hội nhập vào AEC của Việt Nam hiện nay có được như kỳ vọng hay không, thưa ông?
Quá trình hội nhập có thể nhanh hay chậm, tốc độ chưa như mong muốn, song tôi cho rằng không có gì phải bi quan. Hiện nay nếu so với mức trung bình của thế giới thì tỷ lệ thương mại - dịch vụ trong tổng GDP của các quốc gia ASEAN còn thấp so với trung bình của thế giới. Điều này cũng thể hiện rất rõ ở Việt Nam. Ngoại trừ một số phân ngành như xây dựng, du lịch… là tương đối phát triển, còn lại đều dưới tiềm năng. Cho nên tính chung lại, thương mại dịch vụ của chúng ta thâm hụt rất lớn, hàng năm trên dưới 5 - 6 tỷ USD. Xét về mặt cơ hội, điều này đồng nghĩa vói việc dư địa để phát triển bật lên theo nhịp chung của thế giới của Việt Nam còn rất lớn.
Cũng cần nhắc lại rằng hội nhập ASEAN nói chung và AEC nói riêng là cả một quá trình. Chúng ta muốn tiến lên nhưng cũng không thể quá vội vã. Các nhà đầu tư bên ngoài đều nhận ra tiềm năng và luôn khẳng định ASEAN là top 3 hấp dẫn nhất trong thu hút FDI. Vì vậy, người trong cuộc như Việt Nam muốn chơi với thế giới mà ASEAN là trung tâm thì phải nhận ra tiềm năng, sự năng động và sức hấp dẫn đó để tận dụng.
Xin cảm ơn ông!