70 năm giải phóng Thủ đô

Ba Lan có thể hủy bỏ tất cả hợp đồng mua dầu mỏ của Nga

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Đặc mệnh toàn quyền của Chính phủ Ba Lan về Cơ sở hạ tầng Năng lượng Chiến lược, nước này sẵn sàng chuyển sang nhập khẩu dầu mỏ từ các nước khác thay cho nguồn cung từ Nga.

Theo Tass, trả lời phỏng vấn đài Radio Wnet hôm 22/4, ông Piotr Naimski, Đặc mệnh toàn quyền của Chính phủ Ba Lan về Cơ sở hạ tầng Năng lượng Chiến lược, cho biết Warsaw đang xem xét hủy bỏ các hợp đồng cung cấp dầu khí đã ký kết trước đó với Nga.

“Ba Lan có ý định hủy bỏ các hợp đồng dầu mỏ với Nga. Điều này là hoàn toàn thực tế bởi bất kỳ nhà sản xuất dầu thô nào cũng có thể trở thành nhà cung cấp thay thế cho Ba Lan,” ông Naimski nói.

Theo ông Naimski, Ba Lan đang tinh chế khoảng 26-27 triệu tấn dầu tại các nhà máy lọc dầu Gdansk và Plock. Ông Naimski lưu ý thêm rằng khoảng 60% lượng dầu này hiện đến từ Nga và nếu việc cung cấp dầu từ Nga bị cấm vận, các nhà máy lọc dầu của Ba Lan có thể chuyển sang một số loại dầu khác.

“Điều này chắc chắn sẽ rất tốn kém, bởi việc thay đổi hợp đồng trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu đang thắt chặt sẽ khiến giá dầu bị đẩy lên cao, ít nhất là trong một thời gian. Và Ba Lan sẽ phải trả mức giá cao đó," ông Naimski cho hay.

Orlen, công ty lọc dầu lớn nhất của Ba Lan đã ký kết hợp đồng dài hạn cung cấp khí đốt với tập đoàn dầu khí Rosneft và Tatneft của Nga. Trước đó, hợp đồng này quy định Nga sẽ cung cấp tối đa 300.000 tấn dầu/tháng cho Ba Lan và quy định sẽ hết hiệu lực vào tháng 12/2022. Sau đó, hợp đồng quy định Ba Lan sẽ nhận tối đa 200.000 tấn dầu/tháng và hợp đồng sẽ không còn giá trị cho đến tháng 12/2024.

Ba Lan dự định sẽ thay thế nguồn cung dầu từ Nga bằng các hợp đồng với tập đoàn Saudi Aramco của Saudi Arabia, cùng với nguồn cung từ Nigeria, Angola, khu vực Biển Bắc và ngoài khơi Na Uy.

Trong một diễn biến liên quan, ông Josep Borrell, đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về Chính sách đối ngoại và an ninh, ngày 22/4 tuyên bố khối này không có kế hoạch đưa ra lệnh cấm chung đối với nguồn cung dầu của Nga, do một số thành viên cảnh báo rằng họ sẽ phủ quyết đề xuất  trên.  

“Sẽ rất khó đạt đồng thuận để cấm vận dầu khí Nga hoặc tăng thuế quan, bởi vì một số quốc gia thành viên đã tuyên bố sẽ phủ quyết,” tờ Le Figaro dẫn tuyên bố của ông Borrell cho biết.

Ngay sau khi EU ban bố lệnh cấm than của Nga, một số quốc gia châu Âu, trong đó có Ba Lan, đã thúc giục khối này cấm vận hoàn toàn các nhiên liệu của Moscow. Tuy nhiên, Đức, Áo và Hungary lại phản đối.