Theo đài RT, trong bài trả lời hãng thông tấn Ba Lan PAP, Tổng thống nước này Andrzej Duda cho biết, việc Ukraine có thể gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở thời điểm hiện tại là một câu hỏi xa vời.
“Tất cả chúng ta ở thời điểm hiện tại đều nhận thức rõ việc không thể chấp nhận kết nạp Ukraine trở thành thành viên đầy đủ của NATO” - Tổng thống Duda khẳng định, đồng thời lưu ý thêm kịch bản trên xảy ra đồng nghĩa với việc NATO sẽ trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột với Nga.
Tổng thống Ba Lan nhắc lại rằng điều 5 của hiệp ước NATO quy định "một cuộc tấn công chống lại một hay một số thành viên đều bị xem là cuộc tấn công chống lại toàn bộ liên minh". Theo đó, liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu sẽ phải tham gia vào cuộc xung đột hiện tại ở Ukraine nếu kết nạp Kiev.
“Rõ ràng là các nước thành viên NATO sẽ không đồng ý với một kịch bản như vậy” - ông nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Tổng thống Ba Lan cho rằng Kiev vẫn có triển vọng gia nhập NATO vào thời điểm nào đó.
Moscow nhiều lần lên tiếng phản đối việc NATO mở rộng sự hiện diện quân sự về phía Đông của tổ chức này. Chính phủ Nga cũng tuyên bố ý định gia nhập NATO của Ukraine là một trong những lý do chính khiến nước này tiến hành chiến dịch quân sự tại quốc gia láng giềng hồi tháng 2 năm ngoái.
Cũng trong ngày 14/9, trả lời phỏng vấn hãng tin PAP, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Ba Lan Robert Telus cho rằng, nếu gia nhập Liên minh châu Âu (EU), Ukraine sẽ phải tuân thủ một số điều kiện nhất định do nền nông nghiệp nước này có thể gây rủi ro cho toàn khối.
Theo đài RT, khi được hỏi liệu Warsaw có thực hiện biện pháp nào để phản đối Kiev gia nhập EU hay không, vì Ba Lan đã áp đặt lệnh cấm ngũ cốc Ukraine, Bộ trưởng Telus trả lời mặc dù chính phủ Ba Lan ủng hộ Ukraine gia nhập khối, nhưng một số vấn đề nhất định sẽ phải được giải quyết trước khi điều đó có thể trở thành hiện thực.
“Ukraine không thể gia nhập EU nếu chưa đáp ứng các điều kiện theo quy định của EU” - ông Telus nói với hãng tin PAP.
Ông lưu ý nông nghiệp là vấn đề đặc biệt quan trọng trong quan hệ với Kiev, vì ngành nông nghiệp của Ukraine có cấu trúc hoàn toàn khác so với Ba Lan và EU.
Quan chức Ba Lan nhấn mạnh: “Chúng ta cần xem xét kỹ hơn vấn đề này, bởi nông nghiệp Ukraine là mối đe dọa đối với nền nông nghiệp của các quốc gia lân cận cũng như toàn bộ châu Âu”.
Đầu tuần này, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cũng nhấn mạnh Warsaw sẽ không cho phép ngũ cốc giá rẻ của Ukraine “tràn ngập” thị trường nội địa và làm gián đoạn ngành nông nghiệp nước này. Đồng thời, ông cảnh báo, bất kể EU nói gì, Ba Lan sẽ đóng cửa biên giới với ngũ cốc Ukraine để bảo vệ lợi ích của nông dân trong nước.
Hồi tháng 5 vừa qua, 5 thành viên Đông Âu của EU – gồm Ba Lan, Hungary, Romania, Bulgaria và Slovakia – đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine. Động thái này được đưa ra sau khi Brussels dỡ bỏ hạn ngạch và thuế quan đối với xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine nhằm hỗ trợ Kiev trong những tháng đầu của cuộc xung đột với Nga.
Tuy nhiên, chính sách này lại tác động tiêu cực đến ngành nông nghiệp của các quốc gia Đông Âu và phải đối mặt với sự phản đối kịch liệt của nông dân địa phương.
Sau đó, EU đã cấm 5 nước thành viên EU trên bán lúa mì, ngô, dầu hạt cải và hạt hướng dương của Ukraine trong thị trường trong nước, song vẫn cho phép ngũ cốc Ukraine quá cảnh để xuất khẩu đi các nơi khác.
Về phần mình, Kiev đã phản đối lệnh cấm ngũ cốc trên. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gọi lệnh cấm vận này là quay lưng lại với “các giá trị châu Âu”. Ông Zelensky đe dọa sẽ kiện ra tòa án trọng tài quốc tế nếu Brussels quyết định kéo dài lệnh cấm sau ngày 15/9.